Phát hiện, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm trước, trong và sau mưa lũ

Hiện tượng El Nino đã tác động tiêu cực đến nước ta với diễn biến bất thường của thời tiết, xảy ra nhiều tình huống thiên tai bất thường, khó dự đoán. Mưa lớn bất ngờ và kéo dài ở một số địa phương có thể gây lũ quét, ngập lụt, xảy ra sụt lún, sạt lở đất làm rất lớn đến tính mạng, tài sản, đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Phat hien, xu ly triet de cac o dich benh truyen nhiem truoc, trong va sau mua lu hinh anh 1Mưa lớn làm ngập một số hộ gia đình tại xã Cốc San, thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai). Tình trạng này ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sinh hoạt của người dân và tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Dự báo, thời gian tới, nhiều khả năng còn có các cơn bão với mưa to, mưa rất to gây ra lũ, ngập lụt ở nhiều nơi là điều kiện thuận lợi làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh tại các vùng bị mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, ngày 11/8, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh và các hậu quả về sức khỏe cho nhân dân, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế khẩn trương chỉ đạo rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng do thiên tai, nhất là vùng có thể bị ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Các đơn vị sẵn sàng và chủ động triển khai phương án phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra; củng cố và duy trì thường trực đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch, bệnh truyền nhiễm lưu hành khi có mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.

Các địa phương tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trước, trong và sau mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, nhất là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn....

Cùng với đó, đơn vị chức năng tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng của mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, biện pháp vệ sinh khác theo khuyến cáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động phòng, chống, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và đảm bảo y tế trên địa bàn.

PV

Tin liên quan

Sau mưa lũ, sạt lở: Huyện Mù Cang Chải, Yên Bái đã sáng điện, thông đường trở lại

Tại huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), những ngày qua, do mưa lũ kéo dài nên đã xảy ra lũ ống, lũ quét, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, hoa màu của nhân dân, tập trung tại 3 xã Lao Chải, Khao Mang và Hồ Bốn. Trong đó, hệ thống điện lưới quốc gia từ Than Uyên (Lai Châu) về Mù Cang Chải bị sạt lở, đứt đoạn. Lũ cuốn trôi 3 cột điện 35 KV, gây mất điện toàn bộ thị trấn và các xã khu II, III, IV của huyện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.


Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ ở Mù Cang Chải

Trận mưa lớn xảy ra vào chiều tối 5/8, dẫn đến lũ ống, sạt lở đất gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của người dân trên địa bàn các xã Khao Mang, Lao Chải, Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái).



Đề xuất