Phát hiện sớm, phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa Đông Xuân

Phát hiện sớm, phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa Đông Xuân
Mưa lớn kèm gió giật khiến hàng trăm ha lúa Đông Xuân ở Quảng Bình rạp đổ. Ảnh: Văn Tý-TTXVN
Mưa lớn kèm gió giật khiến hàng trăm ha lúa Đông Xuân ở Quảng Bình rạp đổ. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Bên cạnh đó, đây cũng là điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho một số sinh vật gây hại phát sinh gây hại nặng và khó khăn cả trong tổ chức phòng trừ, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu và rầy lưng trắng.

Để bảo vệ tốt các trà lúa vụ Đông Xuân, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương không được chủ quan, chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra.

Các địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 2380/CT-BNN-BVTV ngày 03/4/2020 về việc tăng cường công tác phòng chống sinh vật gây hại lúa Đông Xuân ở các tỉnh phía Bắc và Thông báo số 2586/TB-BNN-VP ngày 15/4/2020 thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường; nắm chắc diễn biến sinh trưởng phát triển của lúa Đông Xuân và diễn biến thời tiết, sâu bệnh để chỉ đạo phòng chống kịp thời.

Cụ thể, các địa phương vùng Bắc Trung bộ tập trung chỉ đạo phòng chống bệnh đạo ôn cổ bông trên trà lúa trỗ muộn, nhất là ở Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa; phòng trừ rầy cuối vụ trên các trà lúa ở giai đoạn ngậm sữa - lúa chín.

Các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc tiếp tục phòng chống bệnh đạo ôn lá trên lúa cực muộn giai đoạn phân hóa đòng; tập trung chỉ đạo phòng chống bệnh đạo ôn cổ bông trên các trà lúa trỗ từ nay đến giữa tháng 5; chỉ đạo phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ tập trung cuối tháng 4, đầu tháng 5, nhất là các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng; phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng cao điểm giữa tháng 5.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn bố trí cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám sát đồng ruộng, điều tra phát hiện sớm sinh vật gây hại để kịp thời chỉ đạo phòng chống hiệu quả; duy trì hệ thống thông tin, báo cáo từ địa phương lên Trung ương theo quy định để phối hợp, chỉ đạo kịp thời.

Các địa phương thông tin tuyên truyền biện pháp phòng chống sinh vật gây hại đến tận người dân; hướng dẫn nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu với từng loại sâu, bệnh và đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách) để đạt hiệu quả cao nhất. Trong trường hợp trời mưa liên tục, nông dân cần tranh thủ thời điểm thuận lợi để phun trừ.

Với những diện tích lúa đã chín, các địa phương tập trung thu hoạch nhanh gọn theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”. Đồng thời, tăng cường việc nạo vét kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy, tiêu úng kịp thời khi có mưa lớn xảy ra; theo dõi sát tình hình thời tiết khí hậu để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vùng Bắc Trung bộ có diện tích gieo cấy là 350 nghìn ha, sản lượng ước đạt 2,2 triệu tấn. Hiện nay, lúa đã trỗ được khoảng 80% diện tích, sẽ trỗ hết trước 30/4 và dự kiến thu hoạch xong trước 30/5. Nhìn chung, lúa sinh trưởng và phát triển tốt, khả năng được mùa cao.

Vùng Đồng bằng sông Hồng có diện tích gieo cấy lúa đạt 508 nghìn ha, sản lượng ước đạt 3,3 triệu tấn, lúa đang giai đoạn làm đòng, trà lúa sớm đang đòng – trỗ, lúa đang sinh trưởng, phát triển tốt; dự kiến sẽ thu hoạch xong trước 30/6.

Vùng Trung du miền núi phía Bắc có diện tích gieo cấy lúa đạt 245 nghìn ha, sản lượng ước đạt 1,4 triệu tấn, lúa đang giai đoạn làm đòng, trà lúa sớm đang trỗ, lúa sinh trưởng, phát triển tốt; dự kiến sẽ thu hoạch xong trước 30/6.
 
Bích Hồng
TTXVN

Có thể bạn quan tâm