Phát hiện hóa thạch một loài khủng long sát thủ mới tại Argentina

Phát hiện hóa thạch một loài khủng long sát thủ mới tại Argentina

Các nhà cổ sinh vật học Argentina đã phát hiện hóa thạch một loài khủng long ăn thịt mới, có chiều dài tính từ mũi đến đuôi tương đương với một tòa nhà 3 tầng, với khả năng săn mồi vượt trội, nhờ những móng vuốt cong và sắc nhọn.

Phát hiện hóa thạch một loài khủng long sát thủ mới tại Argentina ảnh 1Hình ảnh đồ họa về loài khủng long ăn thịt Maip Macrothorax. (Nguồn: artstation.com)

Nhà cổ sinh vật học Mauro Aranciaga cho biết loài khủng long này nặng đến 6 tấn, có chiều dài khoảng 9-10m, là loài khủng long lớn nhất từng được khai quật cho đến nay trong chi megaraptor - nhóm các sinh vật ăn thịt khổng lồ từng sinh sống tại khu vực mà ngày nay là Nam Mỹ. Đặc biệt, loài sinh vật sát thủ này có hai bộ móng vuốt cong và sắc nhọn trên mỗi bàn chân trước, mỗi móng vuốt dài khoảng 40cm, giúp chúng dễ dàng tóm gọn con mồi, thường là các loài khủng long có kích thước nhỏ hơn.

Theo nhà khoa học Aranciaga, với bộ móng vuốt và cách thức săn mồi tàn bạo, loài khủng long này có thể được coi là "kẻ săn mồi" nguy hiểm nhất của thời đại này, xứng đáng với cái tên khoa học là "Maip macrothorax". Trong đó, "Maip" bắt nguồn từ một nhân vật thần thoại với bản tính "ác độc", gắn liền với hình tượng "tử thần bóng đêm" trong văn hóa người bản địa Aonikenk thuộc khu vực Patagonia. Trong khi đó, "macrothorax" là thuật ngữ chỉ phần khoang ngực lớn của sinh vật này, rộng khoảng 1,2m.

Sinh vật này từng xuất hiện khoảng 70 triệu năm trước cho đến cuối kỷ Phấn trắng, tại khu vực sau này đã trở thành rừng nhiệt đới, rất lâu trước khi dãy núi Andes và sông băng được xác định với tên gọi Patagonia.

Theo chuyên gia Fernando Novas của Phòng thí nghiệm Giải phẫu so sánh thuộc Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Argentina, Maip là một trong những sinh vật megaraptor cuối cùng sinh sống trên Trái Đất, trước khi khủng long tuyệt chủng vào khoảng 66 triệu năm trước. Theo nhà khoa học Aranciaga, đây cũng là sinh vật megaraptor ở phần cực Nam nhất từng được phát hiện.

Hoàng Châu


(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm