Phát hiện hóa thạch của loài khủng long "rất hiếm" ở Brazil

Phát hiện hóa thạch của loài khủng long "rất hiếm" ở Brazil

Các nhà khoa học ở Brazil cho biết đã phát hiện hóa thạch của loài khủng long 2 chân và không có răng sống cách đây khoảng 70 triệu năm và cho rằng đây là phát hiện "rất hiếm".

Loài khủng long nhỏ này, có chiều dài 1m và cao 80cm, thuộc nhóm khủng long chân thú, trong đó hầu hết các loài là động vật ăn thịt. Tuy nhiên, loài khủng long mới được phát hiện, tên là Berthasaura leopoldinae, có miệng như mỏ chim và không có răng.

Theo Bảo tàng quốc gia Brazil, các nhà cổ sinh vật học phát hiện ra hóa thạch trên cho rằng đây là một trong những hóa thạch khủng long hoàn chỉnh nhất được tìm thấy từ kỷ Phấn trắng ở Brazil. Nhà nghiên cứu Geovane Alves Souza cho biết yếu tố không có răng gây nghi ngờ về chế độ ăn của loài vật này. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là loài khủng long trên không ăn thịt. Nhiều loài chim như chim ưng và chim ó, ăn thịt bằng mỏ. Do đó, rất có thể loài khủng long này là loài động vật ăn tạp sống trong môi trường khắc nghiệt, phải ăn bất kỳ thứ gì có thể.

Hóa thạch khủng long trên được phát hiện tại khu vực dọc đường nông thôn ở bang Parana, miền Nam Brazil, trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2014. Phân tích cho thấy đây là một loài khủng long hoàn toàn mới được phát hiện, sống cách đây từ 70-80 triệu năm.

Trần Quyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm