Phát hiện cơ chế khiến bệnh trở nặng khi mắc COVID-19

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở thành phố Ashkelon, Israel ngày 22/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở thành phố Ashkelon, Israel ngày 22/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế do các nhà nghiên cứu Trung Quốc dẫn đầu đã xác định được một con đường phân tử có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của các ca mắc COVID-19 thể nặng, qua đó tìm ra hướng đi mới nhằm ngăn chặn và điều trị hiệu quả cho những trường hợp này.

Phát hiện cơ chế khiến bệnh trở nặng khi mắc COVID-19  ảnh 1 Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở thành phố Ashkelon, Israel ngày 22/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Nghiên cứu được công bố ngày 13/4 trên tạp chí Science Signaling cho thấy sự hợp nhất của các tế bào phổi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể làm trầm trọng thêm các phản ứng viêm, tạo "thác tín hiệu miễn dịch" trong phổi, vốn có tác dụng thúc đẩy quá trình viêm và tấn công màng tế bào của mầm bệnh. Đây là nguyên nhân chính gây tổn thương phổi ở những bệnh nhân COVID-19 ở thể nặng.

Các nhà khoa học thuộc Học viện Y khoa Trung Quốc và Đại học Y khoa Liên hiệp Bắc Kinh đã phân tích các mẫu bệnh phẩm từ tử thi của các bệnh nhân COVID-19. Họ đã phát hiện mối tương quan giữa các trường hợp mắc COVID-19 trong tình trạng nguy kịch và sự hợp nhất của các tế bào biểu mô phổi - được gọi là tế bào phổi - tương tự như những gì đã thấy ở khỉ và các tế bào nuôi cấy bị nhiễm virus.

Sau đó, họ kiểm tra các tế bào thận phôi người có biểu hiện protein đột biến của virus SARS-CoV-2 gây ra COVID-19 hoặc bị nhiễm virus gây viêm miệng và nổi mụn nước mang protein đột biến.

Các tế bào thận kết thúc hợp nhất và hình thành các tế bào mới với nhiều nhân và các vi nhân siêu nhỏ, kích hoạt cảm biến ADN trong chất lỏng tế bào. Sau đó, cảm biến này thu nhận một loại protein kích hoạt biểu hiện của các gene mã hóa interferon loại I - một nhóm lớn các protein interferon giúp điều chỉnh hoạt động của hệ thống miễn dịch.

Nhà khoa học Liu Xiaoman - một trong những tác giả của nghiên cứu trên - cho biết: “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy cơ chế hợp nhất các tế bào khí trong phổi của bệnh nhân COVID-19 có thể tăng cường sản xuất interferon và các cytokine khác, do đó làm trầm trọng thêm mức độ bệnh”.

Interferon là một nhóm các protein tự nhiên được sản xuất bởi các tế bào của hệ miễn dịch ở hầu hết các động vật, nhằm chống lại các tác nhân ngoại lai như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và tế bào ung thư. Interferon đóng vai trò quan trọng trong cửa ngõ miễn dịch, là hàng rào bảo vệ đầu tiên của cơ thể chống lại virus và sự phát triển bất thường của tế bào. Trong khi đó, cytokine là chất tiết của các tế bào bạch cầu và nội mô trong quá trình viêm, là một phần trong những biểu hiện miễn dịch của cơ thể.

Thanh Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm