Phát hiện các loài Linh trưởng quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu

Thực hiện Dự án khoa học công nghệ “Điều tra, đánh giá hiện trạng và bảo tồn các loài Linh trưởng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 2019-2021)”, Ban quản lý Khu bảo tồn này đã phát hiện 5 loài Linh trưởng quý hiếm thuộc 1 bộ, 2 họ đang sinh sống tại các tiểu khu rừng. Qua đó, xác định được các nguy cơ đe dọa tuyệt chủng và tìm ra các giải pháp bảo tồn các loài thú quý hiếm này.

Phat hien cac loai Linh truong quy hiem tai Khu bao ton thien nhien Pu Hu hinh anh 1Khỉ mốc, một loài Linh trưởng đã xuất hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu cho biết: Qua 3 năm thực hiện Dự án, Ban quản lý đã xác định được hiện trạng quần thể, giới tính, sinh cảnh sống và xây dựng bộ bản đồ phân bố, 10 tuyến điều tra, 6 tuyến giám sát các loài Linh trưởng ở các khu rừng Pù Hu. Đồng thời, tổ chức 53 hội nghị tuyên truyền, ký cam kết bảo vệ các loài Linh trưởng với 2.650 người dân, thành lập của 11 câu lạc bộ bảo tồn các loài Linh trưởng trong các trường học và phối hợp chính quyền địa phương, các đơn vị in ấn, cấp phát 1.000 poster, 5.000 tờ rơi, tờ gấp, giới thiệu về các loài Linh trưởng, hướng đến bảo tồn khẩn cấp các loài thú này.

Đến nay, Dự án đã phát hiện được 5 loài Linh trưởng thuộc 1 bộ, 2 họ, trong đó họ khỉ có 4 loài gồm Khỉ cộc, Khỉ vàng, Khỉ mốc, Voọc xám và họ Cu li có một loài là Cu li nhỏ. Tổng số quan sát được là 41 cá thể/5 loài, trong đó có 13 cá thể đực trưởng thành, 20 cá thể cái trưởng thành, 4 cá thể đực bán trưởng thành, 4 cá thể cái bán trưởng thành.

Phat hien cac loai Linh truong quy hiem tai Khu bao ton thien nhien Pu Hu hinh anh 2Khỉ mốc đang còn bé, một loài Linh trưởng đã xuất hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Cũng theo ông Nguyễn Phương Đông: Nhóm thú Linh trưởng này được phân bố ở 6 dạng sinh cảnh và sử dụng 106 loài thực vật thuộc 35 họ, 3 ngành làm thức ăn, hiện có 6 nguyên nhân đang đe dọa trực tiếp, gián tiếp đến sinh cảnh, môi trường sinh thái các quần thể các loài Linh trưởng gồm khai thác gỗ trái phép, lấn chiếm đất mở rộng diện tích canh tác, săn bắn và bẫy bắt... Nhờ thực hiện dự án này, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu đã có nhiều giải pháp bảo vệ tốt hơn các loài Linh trưởng, ngăn chặn tình trạng săn bắn, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của tự nhiên.

Theo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, các loài Linh trưởng bao gồm một số họ như Cu li lớn, Cu li nhỏ, Khỉ mốc, Khỉ đuôi dài, Voọc xám, thông thường loài linh trưởng sống trong các khu rừng nhiệt đới, cận nhiệt đới thuộc châu Phi và châu Á. Tại Việt Nam, các họ linh trưởng hay sống tại Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, nhiều họ Linh trưởng đã có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Nguyễn Nam

Tin liên quan

Bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Thanh Hóa

Nhằm bảo tồn các loài động, thực vật bản địa, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu đã triển khai dự án khoa học “Ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái đa dạng sinh học bởi các loài động thực vật xâm lấn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu” (2015-2018). Hiện dự án đã xây dựng được 5 bộ bản đồ về phân bố hiện trạng của quần thể 5 loài động, thực vật xâm lấn gồm Cỏ lào, Trinh nữ móc, Keo giậu, Cây ngũ sắc, Ốc bươu vàng để từng bước nghiên cứu các giải pháp diệt trừ. Ban Quản lý dự án cũng trồng mới 5 ha rừng lát hoa, trồng phục hồi các khu đất trống bằng loài cây bản địa, góp phần duy trì đa sinh học của thiên nhiên.


Bảo tồn hai loài cây quý Ba kích và Sa nhân tím tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu

Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (Thanh Hóa) đang triển khai Dự án khoa học " Điều tra, bảo tồn và phát triển hai loài cây Ba kích và Sa nhân tím tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu” (2017-2020) nhằm bảo tồn nguồn gen cây dược liệu quý, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ các loại cây dược liệu bản địa.



Đề xuất