Phát hành “Hướng dẫn thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã 2021”

Ngày 7/6, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên phát hành tài liệu “Hướng dẫn thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã 2021” nhằm hỗ trợ cơ quan chức năng trong quá trình quản lý, bảo vệ động vật hoang dã và xử lý các vi phạm liên quan.

Phat hanh “Huong dan thuc thi phap luat ve bao ve dong vat hoang da 2021” hinh anh 1Lực lượng kiểm lâm thả cá thể culi nhỏ về rừng tự nhiên. Ảnh: TTXVN phát

Tài liệu "Hướng dẫn thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã” đã ra mắt từ năm 2018 và được sửa đổi, bổ sung hàng năm trên cơ sở phân tích nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã có hiệu lực pháp luật tại thời điểm phát hành. Tài liệu cung cấp đầy đủ căn cứ pháp lý, cách thức xử lý một số vi phạm thường gặp liên quan đến động vật hoang dã cũng như biện pháp xử lý động vật hoang dã sau khi bị tịch thu hoặc nhận chuyển giao từ người dân. Bên cạnh đó, tài liệu cũng đính kèm danh mục các loài động vật hoang dã theo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, tình trạng bảo vệ của mỗi loài và hướng dẫn các giấy tờ, điều kiện để thực hiện hợp pháp các hoạt động liên quan đến động vật hoang dã.

Sau khi phát hành, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các cơ quan chức năng và tài liệu được đánh giá là một công cụ hữu ích hỗ trợ các cơ quan trong công tác quản lý bảo vệ động vật hoang dã và xử lý các vụ án, vụ việc vi phạm về động vật hoang dã.

Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, những điểm mới của tài liệu "Hướng dẫn thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã 2021" thể hiện ở những nội dung như: Cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2021 như Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 38/2021/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; bổ sung hướng dẫn xử lý với các hành vi vi phạm liên quan đến những loài không có phân bố tự nhiên tại Việt Nam (loài ngoại lai).

Ngoài ra, tài liệu năm 2021 còn bổ sung các quy định xử phạt có liên quan đến kiểm dịch động vật hoang dã và bảo vệ môi trường là những vấn đề thường xảy ra trong hoạt động nuôi nhốt, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã; đính kèm Danh sách các doanh nghiệp có khả năng thẩm định giá đối với động vật hoang dã nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các vụ án cần phải tiến hành định giá đối với động vật hoang dã.

Bà Bùi Thị Hà cho biết: “1.000 bộ tài liệu sau khi phát hành sẽ được gửi tới các cơ quan thực thi pháp luật, Tòa án, Viện Kiểm sát trên cả nước để hỗ trợ hiệu quả các nỗ lực thực thi pháp luật, xử lý các vi phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, hy vọng thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ quan tâm xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, đặc biệt là các vi phạm liên quan đến loài động vật hoang dã không có tự nhiên tại Việt Nam và loài ngoại lai xâm hại”.

Lý Thanh Hương

Tin liên quan

Chấm dứt tiêu thụ động vật hoang dã: Cần sự chung tay của cộng đồng

Việt Nam đã tham gia Công ước CITES - Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp nhằm đảm bảo việc buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã không đe dọa đến sự sống còn của các loài trong tự nhiên. Công ước CITES gồm nhiều cấp độ khác nhau để bảo vệ hơn 34.000 loài động và thực vật. Tuy nhiên, vấn nạn khai thác, tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng, gây ra mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học, nhiều loài động vật hoang dã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hoặc bên bờ của sự tuyệt chủng. Tại Việt Nam, thực tế đáng "báo động" là một số loài động vật doanh dã đã không còn tìm thấy hoặc rất hiếm.


Ngày động vật hoang dã thế giới 3/3: Nơi những cá thể gấu được về với tự nhiên

Đứng trước lo ngại về các tác động tiêu cực từ việc nuôi nhốt và đối xử ngược đãi với gấu trên lãnh thổ Việt Nam, năm 2016, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình được thành lập với mục đích cứu hộ và nuôi dưỡng các cá thể gấu, đưa chúng trở về với môi trường tự nhiên. Sau 4 năm hoạt động, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đã tổ chức cứu hộ thành công và đưa được 40 cá thể gấu ngựa trở về với môi trường bán hoang dã.


Nỗ lực bảo tồn các loài động vật hoang dã tại vườn quốc gia

Cùng với việc quản lý tài nguyên rừng, hệ sinh thái đá vôi và các nguồn gien động vật, thực vật hoang dã, thời gian qua, các vườn quốc gia đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã. Các vườn quốc gia đã phối hợp với các tổ chức cứu hộ động vật hoang dã tại Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để quản lý, giám sát và bảo vệ động vật hoang dã hiệu quả.



Đề xuất