Phật giáo hướng đồng bào, phật tử loại bỏ mê tín dị đoan, không đốt vàng mã

Phật giáo hướng đồng bào, phật tử loại bỏ mê tín dị đoan, không đốt vàng mã
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị bỏ tục đốt vàng mã. Ảnh: TTXVN
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị bỏ tục đốt vàng mã. Ảnh: TTXVN

Trong đó, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị các Ban Trị sự hướng dẫn tăng ni, phật tử tổ chức lễ hội văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức,  tuyên truyền, vận động phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo. Tiếp đó, chư Tôn đức Tăng Ni cần nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử  và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam; chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội; lan tỏa giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo bạn. Đáng chú ý là đề nghị loại bỏ tục đốt vàng mã đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. 

Phật giáo Việt Nam không có tục đốt vàng mã 

Đã từ lâu, người Việt Nam quen với việc đốt vàng mã với quan niệm “trần sao, âm vậy”. Nhiều người đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ mua vàng mã dâng cúng rồi đốt tại các nơi thờ tự linh thiêng vừa gây lãnh phí, mất an toàn và ô nhiễm môi trường. 

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định tục đốt vàng mã không có trong Phật giáo Việt Nam. Việc ra văn bản là góp phần khẳng định một lần nữa quan điểm này, đồng thời mang tính chất nhắc nhở, thầy trụ trì các chùa phổ biến cho người dân hiểu rõ hơn, tường tận hơn để hạn chế và dần dần đi đến từ bỏ tục đốt vàng mã. Không đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng thờ Phật đó cũng là chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 
 
Từ lâu, người Việt Nam quen với việc đốt vàng mã với quan niệm “trần sao, âm vậy”. Ảnh: TTXVN
Từ lâu, người Việt Nam quen với việc đốt vàng mã với quan niệm “trần sao, âm vậy”. Ảnh: TTXVN

"Hiện, còn một bộ phận người nghèo đói, túng thiếu, cơm gạo không đủ ăn. Trong khi đó, không ít người bỏ ra rất nhiều tiền để đốt vàng mã. Đây là điều bất hợp lý", Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu Trụ trì chùa Quán Sứ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh. Trụ trì chùa Quán Sứ cũng khẳng định:  Một mình nhà chùa không thể ngăn được người dân mang vàng mã đến chùa cúng và đốt. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước, các tỉnh, thành phải cùng vào cuộc, trong đó phải làm từ gốc của vấn đề là việc sản xuất, buôn bán vàng mã... 

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế - Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ rõ: Về bản chất, đạo Phật không khích lệ tập tục đốt vàng mã. Việc ngừng các hoạt động mê tín dị đoan, trong đó có việc đốt vàng mã là điều cần thiết. Đã đến lúc không nên để tập tục này tiếp tục diễn ra trong các cơ sở thờ tự. Các tăng ni cần nêu cao ý thức vì việc này trái với Phật pháp… 

Những năm gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  đã ban hành các công văn gửi các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền vận động việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự tín ngưỡng, trong đó có việc hạn chế đốt đồ mã. Sau khi có đề nghị bỏ đốt vàng mã, một số chùa lớn ở Hà Nội như chùa Quán Sứ, Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ…tình trạng đốt vàng mã đã giảm hẳn. 

Ngoài ra, để hạn chế tình trạng đốt đồ mã của người dân, tại điểm c, khoản 1, Điều 18, Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12-7-2010 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa đã quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi “đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác”… 

Tục đốt vàng mã bị lạm dụng 

Trao đổi với báo chí về nguồn gốc của tục đốt vàng mã, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Mai, Trưởng phòng nghiên cứu Tín ngưỡng và các tôn giáo truyền thống (Viện Nghiên cứu tôn giáo) nêu rõ: Tục đốt vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc, xuất hiện trong đám tang của người xưa. Vào thời nhà Tần (thế kỉ 2), nhiều quý tộc Trung Hoa có thói quen tùy táng theo người chết bằng bạch ngọc cùng nhiều đồ vật quý giá khác. 

Khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi hoàng đế, nhận thấy việc này quá lãng phí nên đã ra sắc lệnh cấm tùy táng bằng hiện vật thật. Thay vào đó là nghi thức tượng trưng, tùy táng bằng tiền giả, vàng giả (làm bằng giấy). Tục này phát triển cực thịnh vào thời Đường (thế kỉ 7) và bắt đầu lưu truyền vào Việt Nam. Như vậy có thể thấy, ý nghĩa ban đầu của tục đốt vàng mã rất nhân văn, nhằm tránh sự lãng phí của cải. 

Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Mai, tục đốt vàng mã lưu truyền sang nước ta, người dân tiếp nhận. Ý nghĩa ban đầu cũng chỉ mang tính tượng trưng, tùy táng theo người đã khuất. Lâu dần, việc đốt vàng mã này được người dân sử dụng như thói quen, nhiều người áp  dụng mà không hiểu rõ ý nghĩa. Chính vì thế tục này mới bị biến thái và lạm dụng như ngày nay, ... Đây là một hiện tượng xã hội xấu. 

Trước câu hỏi, liệu lời đề nghị bỏ tục đốt vàng mã của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có được người dân ủng hộ khi tục này đã ăn sâu vào ý thức của đông đảo quần chúng nhân dân, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Mai tin tưởng và cho biết bà đặc  biệt tin tưởng  vai trò của của những người dẫn dắt đời sống tâm linh của cộng đồng như nhà sư, thầy cúng, thầy mo… Trong việc vận động người dân bỏ tục đốt vàng mã, những người này có sức ảnh hưởng lớn. Nếu họ kết hợp với hệ thống chính quyền (nhất là trưởng thôn) và hệ thống pháp luật, định hướng lại những nghi thức, tập tục, bà Nguyễn Ngọc Mai tin rằng mọi chuyện sẽ được thay đổi theo chiều hướng tốt lên... 

Rất nhiều người cho rằng thời gian tới, nếp văn hóa văn minh, tôn nghiêm chốn thờ tự sẽ được phục hồi, để nơi đây thực sự là nơi để mọi người lắng tâm, định thần, chiêm nghiệm những điều hay, lẽ phải cuộc sống, để sống đẹp hơn, chứ không phải là nơi buôn thần bán thánh, hối lộ các bậc thánh thần để cầu danh lợi cho bản thân ! 

Vũ Xuân Bân 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm