Phát động ứng dụng cơ giới hóa gieo cấy lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long

Phát động ứng dụng cơ giới hóa gieo cấy lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long
Đại diện Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long ký giao ước thi đua ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy trong sản xuất lúa. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN
Đại diện Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long ký giao ước thi đua ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy trong sản xuất lúa. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN
Phát biểu tại lễ phát động, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, hiện nay, khâu yếu nhất trong kỹ thuật sản xuất lúa là khâu gieo cấy, việc bà con thực hiện sạ lúa với mật độ dày khiến giá thành tăng, người dân không thể mua hạt giống chất lượng cao, ảnh hưởng đến môi trường và tiềm ẩn nguy cơ sâu bệnh gây hại. Do đó, nếu thực hiện cơ giới hóa trong gieo cấy khoảng 80% thì năng suất lúa sẽ cao hơn, giá thành sẽ cạnh tranh hơn.
Trình diễn vận hành máy gieo cấy trên đồng ruộng. Ảnh: Duy Khương – TTXVN
Trình diễn vận hành máy gieo cấy trên đồng ruộng. Ảnh: Duy Khương – TTXVN
Để thực hiện hiệu quả việc ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thực hiện các chương trình, gói kỹ thuật trong khâu gieo cấy bằng máy hiện đang triển khai. Các địa phương chỉ đạo sâu sát, đề ra các biện pháp khả thi, nhân rộng mô hình hiệu quả trong cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa. Các doanh nghiệp cung cấp máy gieo cấy lúa nên tiếp cận với địa phương, xem xét giá thành máy móc hợp lý, xây dựng các mô hình trình diễn, gói kỹ thuật trong khâu gieo cấy phù hợp với đồng ruộng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định, lễ phát động ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa có ý nghĩa thiết thực nhằm tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân trong việc ứng dụng cơ giới hóa ở khâu gieo cấy. Từ đó, góp phần tăng năng suất, chất lượng và tăng thu nhập cho nông dân so với sản xuất truyền thống. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh, sự hỗ trợ của các nhà khoa học, các viện, trường đã nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để áp dụng cơ giới hóa trên cây lúa vào sản xuất. Đây là một nội dung hết sức quan trọng và có ý nghĩa cho sự phát triển sản xuất cây lúa của toàn vùng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.
Trình diễn vận hành máy bay không người lái phun thuốc, phân bón trên đồng ruộng. Ảnh: Duy Khương – TTXVN
Trình diễn vận hành máy bay không người lái phun thuốc, phân bón trên đồng ruộng. Ảnh: Duy Khương – TTXVN
Tại lễ phát động, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết giao ước thi đua ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy trong sản xuất lúa giữa các tỉnh. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu trong năm 2020, diện tích canh tác lúa từng tỉnh và trong toàn vùng được cơ giới khâu gieo cấy đạt tỷ lệ 2% trở lên và tỷ lệ tăng dần theo từng năm. Đến năm 2030, diện tích canh tác lúa được cơ giới khâu gieo cấy của từng tỉnh và toàn vùng đạt tỷ lệ 30% trở lên. Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, cơ giới hóa canh tác lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long ở khâu làm đất cơ bản đạt 100%, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt trên 82%, gần 80% khối lượng lúa sấy, đảm bảo tốt chất lượng sản phẩm và giảm thất thoát sau thu hoạch. Tuy nhiên, khâu gieo cấy lúa bằng cơ giới đạt tỷ lệ rất thấp, nhất là việc sử dụng máy cấy trong canh tác lúa. Năm 2019, trên địa bàn các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 370 máy cấy, với số lượng máy cấy hiện nay nếu khai thác hết công suất chỉ đáp ứng được 1% diện tích lúa gieo trồng.
Hồng Thái 

Có thể bạn quan tâm