Phản hồi thông tin của TTXVN: Mỏ đá Kim Sơn khai thác ngoài phạm vi khi chưa được phép

Sau khi TTXVN phản ánh về việc mỏ đá Kim Sơn (do Công ty Cổ phần I.D.P, tỉnh Phú Yên quản lý) có dấu hiệu hoạt động trở lại trong thời gian phải tạm dừng để điều chỉnh tọa độ vị trí và quy hoạch mỏ, Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Phú Yên đã tiến hành khảo sát thực tế. Kết quả cho thấy, việc khai thác đá tại mỏ này diễn trong một thời gian dài cho đến khi có sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn, báo chí và chính quyền các cấp của tỉnh.

Tại báo cáo số 12/BC-KTNS, ngày 3/8/2023 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Phú Yên có nêu: Công ty Cổ phần I.D.P đã khai thác ngoài khu vực được cấp phép của mỏ đá Kim Sơn tại Giấy phép số 1953/GP-ĐCKS ngày 29/8/2001 và khai thác trên khu vực đất rừng sản xuất (nay đã đưa ra ngoài Quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định số 2570/QĐ-UBND ngày 28/12/2017 của UBND tỉnh Phú Yên) thuộc địa phận xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa. Diện tích, khối lượng đất đá đào bới, san gạt khá lớn với nhiều hố sâu và bãi đá.

Phan hoi thong tin cua TTXVN: Mo da Kim Son khai thac ngoai pham vi khi chua duoc phep hinh anh 1Nhiều khối đá lớn còn nằm ngổn ngang tại khu vực mỏ. Ảnh: TTXVN phát

Thời điểm khảo sát không có thiết bị cơ giới khai thác nhưng tại thực địa có thể nhận định việc khai thác đã diễn trong một thời gian dài khi chưa được cấp có thẩm quyền cập nhật, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chưa được bổ sung vào Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và Kế hoạch sử dụng đất của huyện Phú Hòa nên đã vi phạm quy định của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Khoáng sản.

Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Phú Yên, đây là sự việc được cử tri và báo chí quan tâm nên UBND tỉnh Phú Yên cần tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực mỏ đá Kim Sơn của Công ty Cổ phần I.D.P. Bên cạnh đó, cần xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra thất thoát tài nguyên, khoáng sản.

Phan hoi thong tin cua TTXVN: Mo da Kim Son khai thac ngoai pham vi khi chua duoc phep hinh anh 2Khu vực mỏ đá Kim Sơn hiện trong thời gian tạm dừng khai thác để điều chỉnh tọa độ và quy hoạch. Ảnh: TTXVN phát

Trước đó, TTXVN đã phản ánh, mỏ đá Kim Sơn phải tạm dừng để điều chỉnh tọa độ và địa danh trong giấy phép cho phù hợp với thực tế nhưng có dấu hiệu vẫn tiếp tục hoạt động. Trong khi đó, Công ty Cổ phần I.D.P đã cam kết bảo vệ môi trường khu vực mỏ và thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo về việc dừng hoạt động khai thác. Hằng năm, trước khi vào mùa mưa (đầu tháng 7), Công ty thường cho sửa lại đường để người dân chuyên chở lâm sản, nông sản...

Xuân Triệu

Tin liên quan

Người dân Lương Sơn mong muốn sớm giải quyết triệt để ô nhiễm từ các mỏ khai thác đá

Tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình), vấn nạn ô nhiễm môi trường do nổ mìn khai thác đá sản xuất vật liệu xây dựng diễn ra nhiều năm nay, với tần suất lớn mỗi ngày, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Thực tế này đã ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây.


Cần sớm quy hoạch lại các mỏ đá trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Tỉnh Cao Bằng có gần 20 mỏ đá được cấp phép hoạt động, khai thác đá làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, từ khi tỉnh Cao Bằng được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu (tháng 4/2018), nhiều mỏ đá đứng trước nguy cơ đóng cửa và di dời để bảo vệ cảnh quan, môi trường. Để được cấp phép và hoạt động, các doanh nghiệp đã phải bỏ vốn đầu tư rất lớn, việc đóng cửa mỏ khiến các doanh nghiệp lo lắng, trong khi tỉnh vẫn chưa tìm được phương án tối ưu để cấp mỏ mới và giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp khi phải di dời.   



Đề xuất