Phản hồi thông tin của TTXVN: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên kiểm tra hiện trường, chỉ đạo điều tra các vụ phá rừng

Sau khi Thông tấn xã Việt Nam có bài phản ánh “Phú Yên: Ai đứng sau vụ “cạo trọc” rừng đầu nguồn sông Trà Bương?", ngày 2/9, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cùng các đơn vị, chính quyền địa phương có liên quan đã kiểm tra thực tế và chỉ đạo xử lý vụ việc phá rừng phòng hộ tại xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa.

Theo báo cáo khảo sát ban đầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên: Khu vực rừng bị phá mà Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí khác phản ánh thuộc tiểu khu 162 (địa bàn xã Sơn Hội, lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa). Diện tích tại hiện trường bị chặt phá ban đầu xác định khoảng 2,7 ha cây rừng tự nhiên (rừng sản xuất hơn 0,7 ha và rừng phòng hộ hơn 1,9 ha). Các khu vực rừng bị phá gồm: Dốc Cốc (khoảnh 4); Sối Dĩ (khoảnh 6) và Cheo Reo (khoảnh 8).

Phan hoi thong tin cua TTXVN: Chu tich Uy ban nhan dan tinh Phu Yen kiem tra hien truong, chi dao dieu tra cac vu pha rung hinh anh 1Ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (thứ hai bên phải) kiểm tra hiện trường phá rừng. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN

Sau khi trực tiếp kiểm tra tại hiện trường phá rừng, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Sơn Hòa rà soát, kiểm tra lại tất cả các vụ việc liên quan đến phá rừng, lấn chiếm đất rừng từ trước đến nay để xử lý dứt điểm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra quyết định "tạm ngưng công tác điều hành" đối với ông Đặng Việt Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa để tập trung cho việc thống kê, kiểm đếm làm rõ vụ phá rừng phòng hộ tại xã Sơn Hội.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng giao Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên điều tra những đối tượng đứng đằng sau, tiếp tay cho phá rừng. Nếu đủ yếu tố hình sự theo các quy định của pháp luật thì khởi tố và xử lý nghiêm minh.

Phan hoi thong tin cua TTXVN: Chu tich Uy ban nhan dan tinh Phu Yen kiem tra hien truong, chi dao dieu tra cac vu pha rung hinh anh 2Một vạt rừng lớn bị chặt phá. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN

Từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng chức năng của huyện Sơn Hòa đã phát hiện 18 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích hơn 29 ha; lấn chiếm 41,9 ha đất lâm nghiệp của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa thuộc địa bàn 2 xã Sơn Định và Sơn Hội. Công an huyện Sơn Hòa và Hạt Kiểm lâm đang tiếp tục điều tra, xử lý 16 vụ với diện tích hơn 22 ha.

Trước đó, phóng viên Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Phú Yên đã trực tiếp đi hiện trường, sáng 31/8 đăng tải bài viết "Ai đứng sau vụ “cạo trọc” rừng đầu nguồn sông Trà Bương, huyện Sơn Hòa". Bài viết phản ánh thực trạng rừng phòng hộ đầu nguồn tại nhiều khu vực như suối Sổ, suối Dĩ, suối Cheo Reo, suối Mây trên địa bàn xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa (rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa quản lý) bị "cạo trọc", nhiều héc-ta rừng mới bị "hô biến" từ rừng tự nhiên thành những rừng keo.

Phan hoi thong tin cua TTXVN: Chu tich Uy ban nhan dan tinh Phu Yen kiem tra hien truong, chi dao dieu tra cac vu pha rung hinh anh 3Tại hiện trường những cây rừng bị đốt cháy sém. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN

Chiều 31/8, Văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên có văn bản số 1679-CV/VPTU truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên yêu cầu Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Hòa kiểm tra thông tin Thông tấn xã Việt Nam phản ánh và báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.

Phạm Cường - Xuân Triệu

Tin liên quan

Điều tra điểm "nóng" phá rừng Ea Rớt

Từ nhiều năm nay, tình trạng phá rừng ở khu vực giáp ranh giữa hai huyện Ea Kar và Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) rất phức tạp. Hàng trăm ha rừng xanh tốt đã bị cạo trọc. Không những vậy, các đối tượng phá rừng còn manh động chống đối, đe dọa lực lượng quản lý, bảo vệ rừng hòng cướp lại tang vật, giải cứu đồng bọn.


Rừng nguyên sinh ở Lâm Đồng bị triệt hạ trái phép để lấy gỗ quý

Dù cách xa trung tâm huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) gần 100 km nhưng những cánh rừng nguyên sinh ở xã Phú Sơn (thuộc Tiểu khu 224, giáp ranh giữa ba huyện Lâm Hà, Lạc Dương và Đam Rông vẫn đang bị "lâm tặc" triệt hạ để lấy gỗ quý. Đáng chú ý, hoạt động này dường như không phải tự phát mà có tổ chức với quy mô lớn, hành vi táo tợn và có thể đã âm thầm diễn ra bấy lâu nay.


Kon Tum: Nhiều hộ dân ngang nhiên xâm lấn đất rừng

Suốt thời gian dài tại tiểu khu 726 trên địa bàn xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai (Kon Tum) hàng loạt hộ dân, là công nhân của Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy đã tiến hành phá cây trên đất rừng ở cạnh nhà để trồng trọt. Sự việc chỉ dừng lại khi chính quyền phát hiện vụ việc vào đầu tháng 6 này.


Phản hồi thông tin TTXVN: Tỉnh Điện Biên chỉ đạo làm rõ về vụ phá rừng ở Nậm Pồ

Liên quan đến nội dung thông tin mà Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng phá rừng tái sinh ở huyện Nậm Pồ trong thời gian vừa qua, mới đây Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã ban hành công văn số 655, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ kiểm tra, xác minh, làm rõ nội dung báo chí phản ánh.



Đề xuất