Phấn đấu đưa Cà Mau trở thành tỉnh khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Phấn đấu đưa Cà Mau trở thành tỉnh khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Nhấn mạnh đến vị trí địa chính trị của Cà Mau - Đất Mũi, vùng đất phên giậu cực Nam Tổ quốc, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành phối hợp chặt chẽ với Cà Mau để có những giải pháp toàn diện, đồng bộ hỗ trợ Cà Mau khắc phục khó khăn, nhất là biến đổi khí hậu để phát huy nội lực, vươn lên phát triển kinh tế - xã hội. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cà Mau. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với cán bộ
lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cà Mau. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ trong nuôi trồng thủy sản của Cà Mau với những doanh nghiệp Việt Nam đứng vào tầm cỡ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này, Thủ tướng cho rằng, đây là thế mạnh vượt trội, là ưu thế và mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh. Thủ tướng cũng biểu dương thành tích của Cà Mau trong bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Tỉnh cũng luôn thực hiện tốt các chỉ đạo, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước nhất là trong xây dựng nông thôn mới. 

Đề cập đến hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Cà Mau tái cơ cấu toàn diện và hiệu quả hơn nữa ngành kinh tế nông nghiệp theo hướng quy hoạch rõ hơn các sản phẩm hàng hóa; chú trọng các mặt hàng nông thủy sản chất lượng và giá trị kinh tế cao. Thủ tướng đề nghị Cà Mau xây dựng quy hoạch vùng nuôi tôm số 1 của cả nước, có công nghệ nuôi tôm sạch, hiệu quả cao để tăng sức cạnh tranh. 

Ngoài ra, Cà Mau còn phải xây dựng tốt quy hoạch ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; tiếp tục duy trì thành tích xây dựng nông thôn mới; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thủ tướng cũng lưu ý Cà Mau đảm bảo tốt an ninh cho ngư dân yên tâm hành nghề đánh bắt thủy hải sản; tiếp tục hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy khởi nghiệp, tăng số lượng doanh nghiệp trên địa bàn. 

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng tán thành về mặt chủ trương việc sớm đầu tư xây dựng các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, trước mắt là khắc phục và giảm thiểu hậu quả tình trạng hạn hán xâm nhập mặn; đảm bảo tốt nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh. 

Là mảnh đất phì nhiêu cực Nam Tổ quốc, Cà Mau có lợi thế rất lớn trong nuôi trồng thủy sản, đây cũng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và hiện đang là địa phương dẫn đầu cả nước về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản trong nhiều năm qua. 

Với 3 mặt giáp biển, bờ biển dài 254 km, Cà Mau có ngư trường rộng trên 100.000 km vuông, có nhiều nguồn lợi thủy sản nên nghề khai thác thủy sản trên biển rất phát triển. Ngành k inh tế thủy hải sản đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế lớn nhất ở Cà Mau; góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất cho nông dân ở các vùng ven biển và nông thôn; đồng thời cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Cà Mau trở thành tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thủy sản cao nhất nước, đem lại nguồn thu ngoại tệ cho nước nhà. 

Bên cạnh đó, nhờ thực hiện tương đối hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp 6 ngành hàng nông sản chủ lực, Cà Mau là địa phương có thành tích khá tốt trong xây dựng nông thôn mới bình quân mỗi xã đạt 13,3/19 tiêu chí nông thôn mới mặc dù do ảnh hưởng từ đợt hạn mặn vừa qua đã làm 53 ngàn ha lúa trên địa bàn bị thiệt hại hoàn toàn. 

Tuy nhiên, những tồn tại của Cà Mau hiện là tốc độ cải cách hành chính với thứ hạng 59 trong cả nước. Dưới tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, hai tuyến sườn Đông và sườn Tây Cà Mau, khu vực Mũi Cà Mau bị sụt lở rất nhiều. Tỉnh đã phải ứng phó bằng cách xây kè để ngăn sụt lún. Thực trạng này cũng nhận được sự chia sẻ của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tại buổi làm việc và thống nhất cần tiến hành đánh giá chi tiết để có giải pháp khắc phục sớm trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm