Phải kiểm soát chặt việc chuyển mục đích sử dụng rừng

Phải kiểm soát chặt việc chuyển mục đích sử dụng rừng

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chính phủ không cấm tuyệt đối việc chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải tính toán rất kỹ; chỉ chuyển đổi khi thực sự cần thiết cho các mục đích, nhằm đạt lợi ích cao nhất cho người dân và cộng đồng. Việc chuyển đổi rừng phải đi đôi với trồng rừng thay thế. Các địa phương phải thực hiện nghiêm chủ trương đóng của rừng tự nhiên.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Linh- TTXVN
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Linh- TTXVN

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, năm 2018 ngành lâm nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả. Đó là tiếp tục thu hút được sự quan tâm ủng hộ của toàn xã hội; đồng thời, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro, thiên tai. Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình 886, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh chỉ đạo các đơn vị triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả và thành công các chỉ tiêu nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, năm 2018, tất cả các nhiệm vụ đều đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc năm 2018 đạt 41,65%, tăng 0,2% so với năm 2017; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 32.022 tỷ đồng, tăng 6,09% so với năm 2017; trồng rừng tập trung đạt 231.520 ha, đạt 118% kế hoạch.

Cả nước có khoảng 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản; trong đó, có 1.863 doanh nghiệp trực tiếp tham gia và xuất khẩu. Giá trị kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 9,38 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017; sản phẩm đồ gỗ Việt Nam đã xuất khẩu sang 120 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, thị trường chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện Chương trình 886 còn một số tồn tại, hạn chế như tình trạng phá rừng; việc vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ vẫn xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là do sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương còn chưa quyết liệt, nhất là tại một số vùng trọng điểm phá rừng như: Điện Biên, Bắc Kạn và các tỉnh Tây Nguyên.

Kết quả trồng rừng tập trung không đồng đều giữa các vùng, một số vùng có diện tích đất lâm nghiệp lớn, nhưng kết quả phát triển rừng còn thấp, như vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Việc trồng rừng phòng hộ, đặc dụng gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, quỹ đất trồng rừng ngày càng khó khăn, đòi hỏi chi phí cao, trong khi vốn đầu tư từ ngân sách được các địa phương bố trí không tương xứng...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ông Trần Châu cho biết, Bình Định có 351.000 ha đất rừng; trong đó, hơn 216.000 ha rừng tự nhiên và hơn 134.000 ha rừng trồng, độ che phủ rừng năm 2017 đạt 53,95%. Bình Định có 105 doanh nghiệp chế biến gỗ, giải quyết cho 26.000 lao động, kim ngạch xuất khẩu khoảng 500 triệu USD, chiếm khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu của cả tỉnh.

Việc thực hiện tốt Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 đã góp phần đẩy mạnh xã hội hóa lâm nghiệp của tỉnh. Từ đó, thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và người dân tham gia phát triển lâm nghiệp bền vững, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo ông Đinh Ngọc Minh,  Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình 886 đã có 4/16 nhiệm vụ về đích trước 2 năm; 5/16 nhiệm vụ đạt trên 90%; 7/16 nhiệm vụ đảm bảo tiến độ. Kết quả trồng rừng sản xuất đạt khá, bình quân đạt trên 200.000 ha/năm; rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đạt bình quân 15.000 ha/năm.

Tuy nhiên, hạ tầng lâm nghiệp, phòng chống cháy rừng chưa được đầu tư nhiều; diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC còn hạn chế, làm giảm giá trị nguyên liệu gỗ; công nghiệp chế biến gỗ còn manh mún, tự phát, thiếu liên kết chuỗi, giá trị gia tăng thấp...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh rà soát bố trí đủ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư cho các dự án bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép rà soát lại quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp theo quy định của Luật Quy hoạch.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo, mục tiêu năm 2019 là nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5% đến 6,0%; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 10,5 tỷ USD; tiếp tục duy trì ổn định 25 triệu việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng./.

                                                                                                                                                                 

Nguyên Linh

                       

Có thể bạn quan tâm