Pác Bó ghi dấu chân Người

Pác Bó ghi dấu chân Người
Suối Lê-nin, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng).
Suối Lê-nin, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng).
Đến làng Pác Bó, chúng tôi tìm gặp ông Mạc Văn Lung, xóm Bó Bẩm, xã Trường Hà. Ông Lung là con trai thứ năm của bà Dương Thị Bảy, người đã từng đưa cơm cho Bác Hồ trong quá trình Bác hoạt động cách mạng ở Pác Bó. Là người con được sinh ra trên quê hương cội nguồn cách mạng, gia đình có công với nước, cùng với 23 năm gắn bó và công tác tại Ban Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, ông Lung đã được nghe các mẹ, các cụ cao tuổi trong làng kể lại và thuộc như in những điểm di tích, nơi ghi lại dấu chân “Già Thu” trong thời gian hoạt động cách mạng của Người Mùa xuân 1941, Bác Hồ cùng các đồng chí cán bộ cách mạng đã rời đất Trung Quốc qua cột mốc 108 (cũ) biên giới Việt - Trung trở về nước, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Trong những ngày đầu về nước, Bác ở tại nhà ông Lý Quốc Súng. Đây là một gia đình người Việt gốc Hoa, sống cách hang Cốc Bó khoảng 100 m, sau đó vài ngày Bác đề nghị các đồng chí chuyển sang hang Cốc Bó. Tại đây, Người đã dùng than củi viết lên vách hang dòng chữ Hán để đánh dấu ngày Bác chuyển từ nhà ông Súng lên hang Cốc Bó “Nhất cửu tứ nhất niên nhị nguyệt bát nhật”, tức, “ngày mùng 8 tháng 2 năm 1941”. Từ đây, ngọn lửa cách mạng được Người nhen nhóm đã nhanh chóng lan toả khắp mọi miền Tổ quốc, đập tan chế độ thực dân, phong kiến, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do cho nước cho nước nhà.
Năm 1961, sau tròn 20 năm, người dân Pác Bó lại vui mừng được chào đón Người trở về. Hình ảnh “Già Thu” kính yêu trong trang phục giản dị, ân cần thăm hỏi các cụ già, em nhỏ bằng thứ tiếng của người dân tộc Nùng đã làm xúc động biết bao người. Ai cũng mừng mừng tủi tủi, nhớ lại những ngày cơ cực trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
74 năm đã trôi qua kể từ ngày Pác Bó đón Bác trở về sao 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, từ đầu nguồn hang Cốc Bó, dòng suối Lê-nin vẫn rì rào chảy, dòng nước trong xanh uốn lượn bên chân ngọn núi Các-mác vươn cao giữa mây trời. Pác Bó có nhiều di tích lịch sử, như: hang Cốc Bó, mốc 108, lán Khuổi Nặm..., gắn liền với cuộc đời hoạt động của Bác, góp phần làm nên những trang sử vĩ đại cho dân tộc Việt Nam. Nơi núi rừng Pác Bó, ở đâu cũng có những điểm ghi dấu bước chân Bác từng đi qua, nơi Bác từng sinh hoạt và làm việc, cuộc sống bình dị với “cháo bẹ, rau măng”, “sáng ra bờ suối tối vào hang”, quãng thời gian hoạt động cách mạng gian khổ mà hào hùng, lạc quan của Người.
Với những ý nghĩa lịch sử to lớn, Khu Di tích lịch sử Pác Bó được thành lập, rộng trên 295 ha và có trên 46 điểm di tích, trở thành một trong những khu di tích có tầm quan trọng đặc biệt trong hệ thống các di tích về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng thời kỳ 1941 - 1945. Tháng 5/2012, Pác Bó trở thành Khu Di tích Quốc gia đặc biệt, tháng 6/2014, xã Trường Hà được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã An toàn khu của Trung ương.
Ông Mạc Văn Lung kể lại, trước đây, ở Khu di tích này chưa có đường đi lại thuận tiện như bây giờ, muốn sang đến cửa hang phải lội qua suối, trèo đến lưng chừng núi, chưa có đường bậc thang, cầu nối thuận tiện như bây giờ. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, các điểm di tích đã được tôn tạo và xây mới nhiều hạng mục nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, học tập của hàng vạn lượt khách trong nước và quốc tế.

Giờ đây, những người trực tiếp che giấu, đùm bọc, hoạt động cùng Bác ngày đó - người còn, người mất. Chỉ còn lại những trang sử vàng khắc ghi tại nơi núi rừng thiêng liêng này, đã từng có một “Già Thu” vĩ đại, từng sống và hoạt động cách mạng, vạch ra con đường cứu nước. Khu di tích Pác Bó với những di tích gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là minh chứng còn lại đời đời để các lớp con cháu được giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng Việt Nam.
Ông Vũ Đắc Phúc, 87 tuổi, cựu chiến binh đến từ Hà Nội cho biết, ông đã đến tham quan Pác Bó 3 lần và trong những ngày tháng Năm này, nhớ về vị cha già kính yêu của dân tộc, ông đã đưa gia đình, con cháu trở lại Pác Bó, để giáo dục cho các thế hệ con cháu của mình biết về vùng núi rừng nổi tiếng gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh, về những khó khăn gian khổ mà Bác đã trải qua và về lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc.

Pác Bó - cái nôi của cách mạng Việt Nam, nơi đã từng gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, nay là điểm đến du lịch hấp dẫn của đồng bào từ mọi miền Tổ quốc và du khách nước ngoài; là nơi cả dân tộc Việt Nam tưởng nhớ khắc ghi công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp Cách mạng, nơi nhân dân thể hiện lòng tôn kính, ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước của dân tộc.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm