Ông Trần Mạnh Báo trở thành anh hùng lao động từ cây lúa quê hương

Ông Trần Mạnh Báo tại Trung tâm Nghiên cứu sản phẩm mới của Công ty Cổ phần Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed. Ảnh: TTXVN phát
Ông Trần Mạnh Báo tại Trung tâm Nghiên cứu sản phẩm mới của Công ty Cổ phần Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed. Ảnh: TTXVN phát

“Đã là người con Thái Bình, thì phải xây dựng được thương hiệu cho giống lúa Thái Bình. Từ thương hiệu giống lúa Thái Bình, phải tạo ra được thương hiệu cho gạo Thái Bình. Chỉ có làm được thế, mới phần nào trả được ơn cho quê hương". Đó là những lời tâm huyết của thương binh, doanh nhân, Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed trong cuốn tự truyện “Đối thoại với cánh đồng”. Đúng như lời ông nói, gần 50 năm qua, ông luôn dành tất cả tâm trí cho hành trình phát triển giống lúa “trả ơn cho quê hương".

Ông Trần Mạnh Báo trở thành anh hùng lao động từ cây lúa quê hương ảnh 1Ông Trần Mạnh Báo tại Trung tâm Nghiên cứu sản phẩm mới của Công ty Cổ phần Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed. Ảnh: TTXVN phát

Mạnh dạn vượt rào để “cởi trói” cho nông nghiệp

Ông Trần Mạnh Báo, sinh năm 1950 tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Năm 1968, khi đang là học sinh Trường cấp 3 Thái Ninh (huyện Thái Thụy), ông tình nguyện nhập ngũ. Chiến tranh kết thúc, tháng 6/1975 ông trở về quê hương với thương tật 2/4 và được phân công công tác tại Công ty giống lợn Thái Bình, sau đó ông chuyển sang làm tạp vụ tại Công ty giống cây trồng Thái Bình.

Năm 1976 khi đã 26 tuổi, ông vẫn xin đi học cấp 3. Thời gian vừa đi học vừa đi làm dù vất vả song ông vẫn kiên trì, nỗ lực theo đuổi mục tiêu trở thành kỹ sư nông nghiệp. Và những cố gắng không ngừng nghỉ của ông cũng được đền đáp xứng đáng. Năm 1981, ông thi đỗ Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, mở cánh cửa giúp ông từng bước hiện thực hóa nhiều ý tưởng đã ấp ủ từ lâu trên chính ruộng đồng quê hương.

Một trong những bước ngoặt đáng nhớ trong cuộc đời ông Trần Mạnh Báo chính là tại Trại sản xuất giống lúa Đông Cơ Tiền Hải (thuộc Công ty giống cây trồng Thái Bình). Năm 1987, ông được đề bạt làm Trại phó Trại sản xuất giống lúa Đông Cơ. Khi ấy Trại giống sản xuất kém hiệu quả, trì trệ. Với diện tích 56 ha nhưng mỗi năm Trại chỉ được giao kế hoạch sản xuất 60 tấn giống. Nghĩa là một năm, mỗi ha chỉ làm ra được chưa đầy 1,1 tấn trong khi 20 năm trước, năm 1966 Thái Bình đã vang danh “quê hương 5 tấn” với năng suất lúa 5 tấn/ha.

Là người đứng đầu lại mới nhận nhiệm vụ, ông luôn trăn trở tìm cách đưa Trại sản xuất vươn lên. Từ việc quan sát thực tế, ông nhận ra giống lúa kém chất lượng và cơ chế quản lý “làm chủ tập thể” nhưng thực chất là “cha chung không ai khóc” chính là hai xiềng xích bó chặt nền nông nghiệp không thể phát triển được. Vì vậy, muốn “cởi trói” cho nông nghiệp cần phải tập trung vào hai khâu đột phá là giống lúa và quyền tự chủ.

Sau khi nhận nhiệm vụ không lâu, năm 1987 ông Trần Mạnh Báo dành trọn 4 tháng để xây dựng đề tài “Khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động trong sản xuất nông nghiệp quốc doanh”. Ông chia sẻ, thời điểm đó khoán sản phẩm là vấn đề hoàn toàn mới, vấp phải nhiều sự phản đối. Có người cho rằng đây là phương án không khả thi, là phá vỡ kinh tế nhà nước; cũng có người khuyên ông từ bỏ để giữ an toàn bởi cách làm của ông dễ bị “bỏ tù” vì đi ngược lại chủ trương. Dù vậy, ông vẫn không nản chí, kiên trì thuyết phục lãnh đạo Công ty và lãnh đạo địa phương mọi nơi, mọi lúc để đề tài của mình được áp dụng vào thực tiễn bởi ông tin đây là vấn đề sống còn với sản xuất nông nghiệp.

Kết quả, chỉ sau 1 năm đề tài được triển khai, năm 1988 Trại sản xuất giống lúa Đông Cơ đã tăng trưởng vượt bậc, đạt 600 tấn thóc giống trên diện tích 56 ha đất canh tác, tăng gấp 10 lần so với thời kỳ trước, đời sống người lao động cải thiện rõ rệt. Cũng trong năm đó, để chuẩn bị cho Nghị quyết số 10/NQ-TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (hay còn gọi là Khoán 10), Trung ương đã cử đoàn cán bộ về Trại sản xuất giống Đông Cơ để tìm hiểu và Trại giống trở thành mô hình tiêu biểu để nhiều Công ty trong cả nước học tập.

Đồng hành cùng người nông dân mới


Từ chiến trường đến thương trường, từ nhân viên tạp vụ đến Trại phó, Trại trưởng Trại sản xuất giống lúa Đông Cơ rồi Phó Giám đốc Công ty giống cây trồng Thái Bình và đến năm 2000 ông Trần Mạnh Báo được bầu làm Giám đốc Công ty. Năm 2004 Công ty tiến hành cổ phần hóa, ông trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed ngày nay. Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo, thương binh 2/4 Trần Mạnh Báo vẫn luôn chỉ nhận mình là nông dân vì cả cuộc đời ông gắn bó với đồng ruộng, với nông dân.

Ông Trần Mạnh Báo chia sẻ, sự ra đời của Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed ngày nay gắn với lời căn dặn của Bác Hồ trong lần về thăm Thái Bình lần thứ năm ngày 31/12/1966 khi tỉnh lần đầu đạt 5 tấn thóc/ha. Trong buổi nói chuyện với cán bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình, Bác dạy: “Muốn tăng năng suất lúa trước hết phải làm tốt thủy lợi, phải có nhiều phân bón. Có đủ nước, nhiều phân bón rồi, lại phải chọn giống tốt…”. Thực hiện lời Bác dạy, 50 năm qua ThaiBinh Seed luôn nỗ lực mang đến những giống cây trồng chất lượng cho người nông dân, đồng thời xây dựng nhiều mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh liên kết hiệu quả…

Đến nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Thai Binh Seed đã mở rộng hoạt động trên 3 lĩnh vực Giống cây trồng - Kinh doanh lương thực và Thương mại dịch vụ với 12 chi nhánh, đơn vị thành viên trên toàn quốc. Công ty hiện sở hữu bản quyền 21 giống cây trồng, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới cơ cấu cây trồng Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung. Hiện 20% diện tích sản xuất lúa của cả nước sử dụng giống lúa của ThaiBinh Seed, riêng tại Thái Bình tỷ lệ này là 85-90%. Năm 2021 Công ty đã thực hiện liên kết với 70 điểm trong cả nước với diện tích 8.000ha/năm, sản lượng đạt gần 30.000 tấn, lượng giống cung ứng cho nông dân đạt gần 26.000 tấn.

Ông Trần Mạnh Báo cho biết, thời gian tới Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed sẽ tiếp tục là đơn vị tiên phong, đổi mới sáng tạo hơn để đồng hành cùng người nông dân mới, trong đó ưu tiên nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu phát triển sản phẩm nông nghiệp mới, chọn tạo nhiều giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Với vai trò dẫn dắt của ông Trần Mạnh Báo, Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed đã và đang từng bước trưởng thành, lớn mạnh. Ông cũng vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây là phần thưởng cao quý đối với ông khi đã dành trọn đời cống hiến vì nông nghiệp, nông dân nước nhà.

Thu Hoài

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm