Ông Hùng Ky làm giàu, phủ xanh vùng đất “cát bay, cát nhảy” bằng mô hình trồng măng tây xanh

Ông Hùng Ky chăm sóc măng tây xanh trên cánh đồng lớn của gia đình. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Ông Hùng Ky chăm sóc măng tây xanh trên cánh đồng lớn của gia đình. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Xuất thân và lập gia đình trên vùng đất cát nghèo khó ở xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), từ một nông dân chân đất thực thụ nhưng nhờ chịu khó học hỏi, chí thú làm ăn, biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên vùng đất "cát bay, cát nhảy" trước đây của An Hải đã được ông phủ xanh bởi loại cây trồng đặc thù, có giá trị kinh tế cao.

Người nông dân trên được nhiều người biết đến với mô hình trồng măng tây xanh ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải là ông Hùng Ky (sinh năm 1969), người dân tộc Chăm. Ông đã đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đưa sản phẩm măng tây xanh ra thị trường trong và ngoài nước; đồng thời là nông dân tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 – 2020 tại tỉnh Ninh Thuận.

Ông Hùng Ky làm giàu, phủ xanh vùng đất “cát bay, cát nhảy” bằng mô hình trồng măng tây xanh  ảnh 1Ông Hùng Ky chăm sóc măng tây xanh trên cánh đồng lớn của gia đình. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Trước đây, xã An Hải là vùng đất nghèo khó của huyện Ninh Phước và có đông đồng bào Chăm sinh sống. Làm sao vực dậy vùng đất cát khô cằn xã An Hải, giúp đồng bào cải thiện đời sống luôn là trăn trở của chính quyền các cấp ở tỉnh Ninh Thuận. Nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nơi đây, Ninh Thuận đã đầu tư cơ sở hạ tầng; xác định, lập đề án phát triển các loại cây trồng phù hợp, giúp bà con sản xuất để có thu nhập trên vùng đất cát.

Ông Hùng Ky làm giàu, phủ xanh vùng đất “cát bay, cát nhảy” bằng mô hình trồng măng tây xanh  ảnh 2 Hệ thống tưới nước phun mưa cho măng tây xanh được ông Hùng Ky đầu tư lắp đặt. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Bước đầu, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận xác định là cần tạo cầu nối đưa giống cây trồng là măng tây xanh về với đồng bào ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải để sản xuất thử nghiệm. Là loại cây trồng mới, vốn đầu tư lớn nên người dân đều dè dặt, ngại không dám mạnh dạn đầu tư. Nhưng với ông Hùng Ky lại khác, được sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, ông đã mạnh dạn trồng 3 sào măng tây xanh giống Atticus F1 do Công ty Bejo (Hà Lan) cung cấp. Nhờ chịu khó nghiên cứu, học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên ngay từ đầu, cây măng tây xanh đã bén rễ và phát triển tốt trên vùng đất cát, lứa đầu tiên đã cho thu hoạch với năng suất và chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng cũng như nhu cầu tiêu thụ của thị trường lúc ấy.

Từ hiệu quả bước đầu, ông Hùng Ky tiếp tục vay vốn đầu tư, mở rộng diện tích sản xuất măng tây xanh lên 2ha. Chỉ sau 4 - 5 tháng chăm sóc theo hướng dẫn quy trình kỹ thuật đã tập huấn, cây măng tây xanh cho thu hoạch với năng suất 24 tấn/ha/năm. Với giá bán tương đối ổn định từ 50.000 - 60.000 đồng/kg tùy loại, trừ chi phí, ông lãi khoảng 500 triệu đồng/năm.

Được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận, ông Hùng Ky đã tìm tòi, đầu tư lắp đặt hệ thống bơm tưới nhỏ giọt cho cây trồng. Đây là mô hình mới, giúp tiết kiệm nước tưới hiệu quả đối với vùng đất khô hạn. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 50% vốn lắp đặt hệ thống điều khiển tưới tự động, giúp giảm đáng kể ngày công lao động, công chăm sóc, nâng cao năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập gia đình.

Ông Hùng Ky cho biết, khó khăn lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp ở Ninh Thuận là nước tưới. Nhận thức được vấn đề trên và để thích ứng với khô hạn, ông đã mở rộng lắp đặt công nghệ tưới nước tiết kiệm, công nghệ tưới nước thông minh cho cây trồng. Đồng thời, ông chuyển dần từ canh tác nông nghiệp thuần túy sang nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

Ông Hùng Ky còn sáng tạo, đưa vào sử dụng máy gieo hạt măng tây xanh bán công nghiệp để hạt măng tây xanh có điều kiện nảy mầm cao, sau đó đem ra trồng đại trà. Mô máy gieo hạt đã được áp dụng rộng rãi, giúp người trồng măng tây xanh tiết kiệm tối đa tỷ lệ thất thoát cũng như chi phí về giống…

Ông Hùng Ky chia sẻ: So với các loại cây trồng thuộc họ rau, măng tây xanh rất thích hợp với vùng đất cát. Hiệu quả đạt 1,7 lần so với chi phí ban đầu. Cùng với việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, tôi còn trồng măng tây xanh theo hướng VietGap, đảm bảo an toàn nên sản phẩm măng tây xanh khi thu hoạch không đủ để phục vụ thị trường.

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, ông Hùng Ky còn thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ bà con về giống cây trồng, kỹ thuật chăm sóc để có rau màu bán, tăng thu nhập hằng ngày để trang trải cuộc sống gia đình. Ngoài ra, ông còn giúp đỡ 20 hộ nghèo tại địa phương bằng cách cho mượn vốn, không tính lãi để đầu tư sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống. Nhờ đó, đến nay nhiều bà con trong thôn có công ăn việc làm thường xuyên, có thu nhập ổn định.

Để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định trước đòi hỏi ngày một khắt khe của thị trường và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm măng tây xanh, ông Hùng Ky đã chủ động hình thành chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ. Với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Liên minh Hợp tác xã và ngành nông nghiệp tỉnh, bước đầu ông vận động những hộ dân cùng trồng măng tây xanh gắn kết, góp vốn thành lập Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú.

Với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã, ông cùng với các xã viên tổ chức vận hành hiệu quả các hoạt động của hợp tác xã, trọng tâm là hướng dẫn, điều hành tổ chức sản xuất cho các xã viên hợp tác xã theo hướng thống nhất từ khâu chọn giống, bón phân, tập huấn kỹ thuật chăm sóc theo hướng hữu cơ sinh học, tạo ra sản phẩm an toàn… Cùng với việc chủ động tiêu thụ sản phẩm cho xã viên ngay tại hợp tác xã với giá cả ổn định, ông Hùng Ky còn mở hướng liên kết với các doanh nghiệp, tạo doanh thu bình quân cho hợp tác xã khoảng 4,3 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm ổn định và thường xuyên cho gần 200 lao động.

Ông Hùng Ky làm giàu, phủ xanh vùng đất “cát bay, cát nhảy” bằng mô hình trồng măng tây xanh  ảnh 3Ông Hùng Ky chuẩn bị đưa sản phẩm măng tây xanh sau thu hoạch ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Hiệu quả từ mô hình trồng măng tây xanh theo hướng VietGap của ông Hùng Ky đã tạo sức lan tỏa, được nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh Ninh Thuận với diện tích hiện có hơn 350 ha. Nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, thiếu nước tưới đã dần được chuyển sang trồng măng tây xanh cho hiệu quả kinh tế cao. Điều này không những nâng cao giá trị kinh tế mà còn góp phần phát huy hiệu quả sử dụng đất trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn hán tác động như hiện nay.

Có thể nói, với giá trị kinh tế mang lại khá cao, măng tây xanh đã được tỉnh Ninh Thuận công nhận là 1 trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh. Măng tây xanh cũng được chọn là 1 trong 3 sản phẩm OCOP có chất lượng cao, đạt chuẩn từ 3 - 5 sao, được tham gia vào đánh giá tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, trong phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 – 2020, ông Hùng Ky là 1 trong 7 hội viên nông dân giỏi tiêu biểu của tỉnh.

Nhờ có sự mạnh dạn của ông Hùng Ky, vùng đất cát An Hải hôm nay đã phủ kín màu xanh và Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú có bước phát triển mạnh mẽ. Hiệu quả từ mô hình trồng măng tây xanh của ông Hùng Ky được nhiều người biết đến, nhiều cấp, ngành đến tham quan, học hỏi, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Đây chính là động lực để tiếp sức cho ông Hùng Ky và người trồng măng tây xanh ở các địa phương trong tỉnh Ninh Thuận mạnh dạn tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học, đưa sản phẩm chủ lực măng tây xanh vươn ra thị trường thế giới.

Công Thử

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm