Ổn định đời sống người dân vùng cao Quảng Nam

Ổn định đời sống người dân vùng cao Quảng Nam
Chủ trương này nhận được sự ủng hộ của người dân, góp phần làm thay đổi diện mạo dân cư nơi đây.
 
Anh Hồ Văn Trang ở thôn 5, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My di chuyển nhà từ vùng núi cao về vị trí mới có đường giao thông đi lại thuận lợi.
Anh Hồ Văn Trang ở thôn 5, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My di chuyển nhà từ vùng núi cao về vị trí mới có đường giao thông đi lại thuận lợi.

Thôn 5, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My có gần hai chục hộ dân là người đồng bào dân tộc Xê Đăng. Sau thời gian đi tìm vị trí mới, người dân ở thôn 5 đã quyết định  từ làng cũ trên núi cao chuyển xuống phía dưới chân núi theo chủ trương của huyện. Những ngôi nhà gỗ vững chắc, lợp mái tôn của người dân thôn 5 được bố trí nằm dọc hai bên ven đường bê tông liên xã. Từ hai tháng qua, các hộ dân trong thôn đã đổi ngày công cho nhau để tháo dỡ những khung nhà bằng cột gỗ, vận chuyển xuống nơi ở mới để dựng lại. Mỗi hộ dân khi di chuyển nhà về nơi ở mới được UBND huyện Nam Trà My hỗ trợ kinh phí san ủi mặt bằng, chi phí vật tư làm nhà. 
 

Ở thôn mới, một ngôi trường mẫu giáo khang trang cũng đang dần được hoàn thiện. Anh Hồ Văn Trang, ở thôn 5, xã Trà Nam, cho biết: Việc chuyển về nơi ở mới do người dân trong thôn bàn bạc, lựa chọn vị trí sau khi đã đi khảo sát thực tế ở một số địa điểm. Về ở thôn mới có nhiều thuận lợi so với trước đây, nhà nào cũng có điện, nước sinh hoạt kéo từ trên suối chảy về cũng mạnh hơn, trẻ em trong thôn đi học gần trường nên chăm chỉ học tập. Giao thông đi lại thuận lợi, người dân cũng dễ dàng đưa nông sản xuống trung tâm huyện tiêu thụ. 

Khác với nhiều huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, khi triển khai sắp xếp các khu dân cư thường tiến hành san ủi tạo mặt bằng lớn để người dân làm nhà. Còn ở các khu dân cư mới của huyện Nam Trà My, nhà người dân được bố trí ở cạnh đường giao thông theo từng nhóm nhỏ, hạn chế việc san ủi lớn phá vỡ kết cấu tự nhiên, tránh nguy cơ sạt lở đất. Các tuyến giao thông kết nối khu dân cư với các trục đường giao thông chính của huyện sẽ do ngân sách Nhà nước đầu tư. Còn các tuyến đường giao thông nội bộ trong khu dân cư thực hiện theo hình thức Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân góp công xây dựng. Hiện nay, Đoàn thanh niên huyện Nam Trà My đã thành lập nhiều đội xung kích ở các xã tham gia cùng với người dân để làm những con đường bê tông ở các khu dân cư. 
 
Người dân thôn 5, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My di chuyển nhà từ núi cao về vị trí mới có đường giao thông đi lại thuận lợi. Ảnh: Đỗ Văn Trưởng -TTXVN
Người dân thôn 5, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My di chuyển nhà từ núi cao về vị trí mới có đường giao thông đi lại thuận lợi. Ảnh: Đỗ Văn Trưởng -TTXVN

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn cho biết: Huyện có 224 điểm dân cư ở 10 xã, nằm phân tán trên địa hình đồi núi cao có độ dốc lớn. Nếu thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở tất cả các điểm dân cư này sẽ rất khó khăn do chi phí đầu tư quá lớn. Vì vậy, chủ trương của huyện là sắp xếp lại các khu dân cư chỉ còn 115 khu vào năm 2025 để tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, ổn định lâu dài đời sống cho người dân. Về đất sản xuất, huyện sẽ bố trí theo số lao động thực tế của từng hộ gia đình và quỹ đất tại mỗi địa phương. Hạn mức đất sản xuất bình quân khoảng từ 0,5 đến 1 héc ta/hộ, khuyến khích các hộ dân tự khai hoang đất sản xuất theo quy hoạch. Huyện Nam Trà My đang dần hoàn thiện xây dựng 14 khu dân cư mới đầu tiên và sẽ tổ chức rút kinh nghiệm để đẩy mạnh triển khai trong những năm tiếp theo./. 
Đỗ Trưởng 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm