OCOP Nam Trung bộ - Vùng đất muôn vàn sản vật

OCOP Nam Trung bộ - Vùng đất muôn vàn sản vật

Nam Trung bộ, nơi dãy Trường Sơn nhoài ra biển để tạo nên nhiều đảo, vũng, vịnh và đầm phá. Cùng với hệ thống sông dốc và ngắn, vùng đất này đã hội tụ đủ núi, sông, đồng bằng và biển. Sự đa dạng về tự nhiên đã sản sinh nhiều loài động, thực vật độc đáo và trở thành là sản vật đặc trưng cho các tỉnh Nam Trung bộ.

Khi nói đến “rừng trầm, biển yến”, hiển nhiên gợi đến Khánh Hòa; lại bàn đến “sò huyết Ô Loan”, cá ngừ đại dương… là thay cho cách gọi Phú Yên trong tiềm thức. Còn gợi đến “cá bống sông Trà”, “cúm núm Sa Huỳnh”…, người ngoại tỉnh vẫn hình dung được là đất Quảng Ngãi. Chẳng vừa, Bình Định đã có dừa Tam Quan, cua huỳnh đế… để thành danh.

Bên cạnh đó, người Nam Trung bộ vốn siêng năng, cần cù, sáng tạo. Trong suốt quá trình lao động từ đời này sang đời khác, họ đã tạo ra rất nhiều sản phẩm không chỉ ngon, lạ để lưu truyền thành đặc sản của quê nhà, mà còn lan tỏa khắp bốn phương để xa gần nhắc đến. Tất cả đã giúp Nam Trung bộ không hổ danh là vùng đất của muôn vàn sản vật. Đây cũng là lợi thế không nhỏ để phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong toàn vùng.

OCOP Nam Trung bộ - Vùng đất muôn vàn sản vật ảnh 1Cơ sở nước mắm nhĩ Tân Lập, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu Phú Yên sản xuất nước mắm truyền thống OCOP 3 sao. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN


Bài 1: Lợi thế của vùng


Bốn tỉnh Nam Trung bộ gồm Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa trải dài trên một dải đất hẹp nằm về phía Nam của Duyên hải miền Trung. Đây là vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa, với nhiệt độ cao và mưa nhiều. Vượt ra ngoài những nét tương đồng của cả vùng, sự phân chia địa giới hành chính cho mỗi tỉnh dựa trên những điều kiện địa lý tự nhiên và những nét đặt trưng về giọng nói, thổ ngữ và các giá trị văn hóa khác, giúp cho mỗi tỉnh có những đặc sản riêng biệt, song hành cùng những giá trị truyền thống của cả vùng nói chung.

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018– 2020. Có thể nói, đây là cơ hội cho các làng nghề, các tổ chức sản xuất, kinh doanh của Nam Trung bộ “chớp lấy” cơ hội đầu tư sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Đã từ lâu, Phú Yên được biết đến với những cánh đồng trồng lúa trù phú, trải dài như bất tận. Nhưng rộng lớn hơn, nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái khá đa dạng, gồm núi, cao nguyên, đồng bằng, sông, đầm, vịnh, biển đảo thuận lợi cho phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản mang tính đặc trưng của địa phương.

Vùng đất Phú Yên lôi cuốn bởi “bức tranh” sản vật, đặc sản nức tiếng, được người tiêu dùng biết đến và sử dụng rộng rãi như cá ngừ đại dương, sò huyết Ô Loan, tôm hùm, gạo đỏ, bò một nắng, sản phẩm của các làng nghề truyền thống… Trong số đó, cá ngừ đại dương và sò huyết Ô Loan được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận top 10 đặc sản biển ngon nhất Việt Nam. Phú Yên có 159 Hợp tác xã, 17 làng nghề được công nhận; trong đó, phải kể đến như làng nghề truyền thống lâu đời như làng gốm Quảng Đức; làng nước mắm với nhiều thương hiệu như Gành Đỏ, Mỹ Quang Nam, Ba Lò…

Du lịch Phú Yên những năm gần đây đã tạo được tiếng vang, với các bãi biển đẹp vịnh Xuân Đài, Vũng Rô, Bãi Xép... kết hợp với nguồn tài nguyên nước khoáng phong phú ở phía Tây, nhiều tiềm năng cho phát triển các loại hình du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, Phú Yên còn có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 20 di tích quốc gia và 72 di tích cấp tỉnh; 31 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên những sắc thái văn hóa phong phú, đa dạng.

Nằm về phía Bắc, tỉnh Quảng Ngãi đất đai màu mỡ, thích hợp với cây công nghiệp dài ngày, cây đặc sản, dược liệu, chăn nuôi gia súc… Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có nhiều ao hồ, sông suối, xa hơn là biển khơi, là nơi sinh sống, trú ngụ của nhiều loài thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao. Chính lợi thế đó đã tạo ra vô số đặc sản trứ danh, mang “thương hiệu” quốc gia mà những nơi khác không có được, như cá bống sông Trà, chè Minh Long, hành tỏi Lý Sơn, nếp ngự Sa Huỳnh, quế Trà Bồng, cốm rang Xuân Nhạn…

Quảng Ngãi có khoảng 113 sản phẩm là các đặc sản ở nhiều địa phương khác nhau. Hiện đã có 37 sản phẩm đã đăng ký công bố chất lượng, trong số này có 10 sản phẩm đã đăng ký sở hữu trí tuệ. Đây là các sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường và được sản xuất với quy mô lớn.

Còn ở Bình Định, tỉnh này hiện có 91 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP. Trong số đó, có 71 tổ chức kinh tế với 81 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Đặc biệt đã có 5 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 11 sản phẩm 4 sao.

Thị xã Hoài Nhơn được mệnh danh là xứ dừa nổi tiếng miền Trung với nhiều làng nghề truyền thống. Đến nay, từ nguồn nguyên liệu dừa có vị ngọt thanh, tươi mát, người dân đã làm ra nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng địa phương như bánh hồng, bánh tráng, dầu dừa và các sản phẩm mỹ nghệ khác. Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc An (phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) là một trong những cơ sở đầu tiên tận dụng nguồn nguyện liệu dừa để xây dựng thành những sản phẩm nổi tiếng, có sản phẩm tinh dầu dừa Ngọc An đạt chứng nhận OCOP 5 sao.

Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc An cho biết, để đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn OCOP, hợp tác xã đã xây dựng vùng nguyên liệu dừa sạch, gắn mã QR truy xuất nguồn gốc và có chứng nhận quản lý an toàn thực phẩm. Không chỉ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, mà còn liên tục cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh đã chỉ đạo cho các địa phương đánh giá, lựa chọn sản phẩm lợi thế của từng xã để xúc tiến triển khai các bước theo chu trình OCOP, từ đó hỗ trợ các sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ, chứng nhận nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch.

So với các tỉnh bạn, Khánh Hòa được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên hơn cả. Nhờ đất đai màu mỡ, biển đảo và núi rừng rộng lớn, nhất là khí hậu ôn hòa quanh năm, nên tạo điều kiện thuận lợi để người dân canh tác và cho ra đời nhiều sản phẩm có chất lượng vượt trội. Diện tích các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao ở Khánh Hòa, như xoài gần 8.170 ha, sầu riêng 1.700 ha, bưởi da xanh xấp xỉ 1.400 ha, dừa 1.766 ha, chuối hơn 3.800 ha, tỏi 439 ha… Sản lượng nông sản chủ yếu sản xuất hàng năm bao gồm 110.000 tấn thủy sản; 70.000 tấn thịt gia súc gia cầm; 276.000 tấn lương thực; 100.000 tấn quả các loại.

Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, cho biết, giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản của Khánh Hòa đạt 800 triệu USD mỗi năm; trong đó, xuất khẩu thủy sản trên 600 triệu USD. Khánh Hòa có nhiều tiềm năng để “triển khai sâu rộng chương trình OCOP theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị”.

Trong giai đoạn 2018-2020, tỉnh Khánh Hòa triển khai xây dựng kế hoạch tập trung chuẩn hóa 52 sản phẩm đã có trên địa bàn tất cả các xã có sản phẩm chủ lực của địa phương, như sầu riêng, chuối, mía tím (Khánh Sơn), xoài (Cam Lâm) và bưởi da xanh (Khánh Vĩnh)…

Nhìn chung, thông qua chương trình OCOP, các sản phẩm của mỗi tỉnh Nam Trung bộ đã có nhiều chuyển biến, nâng cao về chất lượng, bao bì nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu, quy mô sản xuất, thị trường cũng được rộng mở. Nếu trước đây sản phẩm OCOP chủ yếu chỉ tiêu thụ loanh quanh trong huyện, trong xã hoặc bán cho các thương lái thì nay đã có mặt tại thị trường nhiều tỉnh, thành trên cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Nhóm phóng viên thường trú Nam Trung bộ



Bài 2: "Cuộc chơi" dành cho sự năng động

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm