Ô nhiễm tiếng ồn có thể gây tác động lâu dài đến sự đa dạng sinh học

Muốn phòng chống ô nhiễm tiếng ồn, cộng đồng người dân phải tự giác. Ảnh: impe-qn.org.vn
Muốn phòng chống ô nhiễm tiếng ồn, cộng đồng người dân phải tự giác. Ảnh: impe-qn.org.vn

Kết quả một nghiên cứu công bố ngày 14/4 cho thấy ô nhiễm tiếng ồn đặt ra mối đe dọa dài hạn đối với quần thể cây cối và sự đa dạng của thực vật. Điều này có thể xảy ra ngay cả khi các nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn được loại bỏ.

Ô nhiễm tiếng ồn có thể gây tác động lâu dài đến sự đa dạng sinh học ảnh 1Muốn phòng chống ô nhiễm tiếng ồn, cộng đồng người dân phải tự giác. Ảnh: impe-qn.org.vn

Các loại tiếng ồn nhân tạo từ hoạt động công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống đã gia tăng đáng kể từ giữa thế kỷ trước, và các nhà sinh học ngày càng quan ngại về tác động của các loại tiếng ồn này đối với động, thực vật.

Trong khi các nghiên cứu trước đây đã ghi nhận tác động ngắn hạn của tiếng ồn đối với quần thể cây cối như xua đuổi các loài giúp thụ phấn như côn trùng và động vật, nhưng có rất ít nghiên cứu tập trung vào những ảnh hưởng lâu dài. Các nhà khoa học tại Mỹ đã theo dõi quần thể cây cối ở bang New Mexico tiếp xúc với mức độ tiếng ồn nhân tạo cao trong 15 năm. Họ phát hiện ra rằng những nơi nhiều tiếng ồn, tỷ lệ cây thông con ít hơn 75% so với những nơi yên tĩnh hơn. Sau đó, các nhà nghiên cứu theo dõi các khu vực mà tiếng ổn được bổ sung hoặc giảm bớt để kiểm tra các quần thể cây cối phục hồi như thế nào.

Nhóm nghiên cứu cho rằng các quần thể cây cối, trong trường hợp này là cây bách xù và cây thông, sẽ phục hồi khi những con chim giẻ cùi vốn là loài giúp nhân giống các loại cây này quay trở lại sau khi tiếng ổn biến mất. Nhưng trong dài hạn, họ phát hiện ra rằng số lượng cây con đã giảm vì nhiều con chim giẻ cùi đã không quay lại các khu vực trên.

Đồng tác giả của nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B, bà Jennifer Phillips cho biết phát hiện này đã cho thấy tác động của tình trạng ô nhiễm tiếng ồn có thể khiến các loài động vật thụ phấn ngừng hoạt động như thế nào ngay cả khi tiếng ồn được loại bỏ. Theo nhà khoa học này, có thể mất thời gian để các loài động vật khám phá lại những khu vực bị ô nhiễm tiếng ồn trước đó và các nhà nghiên cứu hiện chưa biết có thể mất bao lâu. Nhà khoa học này cũng cho rằng khi đối mặt với ngày càng nhiều các bằng chứng về những thiệt hại đối với thiên nhiên do quá trình đô thị hóa gây ra, các chính phủ cũng cần tính đến vấn đề tác động ô nhiễm tiếng ồn trong các quyết định quy hoạch.

Bà Phillips nhấn mạnh nghiên cứu trên có thể giúp cảnh báo các chính phủ về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn có thể tác động gián tiếp đến sự đa dạng sinh học do tác động "tương hỗ" hoặc sự liên kết giữa các loài.

Trần Quyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm