Nứt nhiều nhà dân ở cạnh đập hạ lưu sông Dinh

Căn nhà của bà Hà Thị Đỏ (thôn An Thạnh 1, xã An Hải, huyện Ninh Phước) bị nứt do ảnh hưởng của thi công công trình đập hạ lưu sông Dinh. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Căn nhà của bà Hà Thị Đỏ (thôn An Thạnh 1, xã An Hải, huyện Ninh Phước) bị nứt do ảnh hưởng của thi công công trình đập hạ lưu sông Dinh. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Hiện hàng chục hộ dân thôn An Thạnh 1, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đang phải sống trong những ngôi nhà bị nứt do ảnh hưởng của việc thi công dự án đập hạ lưu sông Dinh.

Nứt nhiều nhà dân ở cạnh đập hạ lưu sông Dinh  ảnh 1Căn nhà của chị Nguyễn Thị Dung (thôn An Thạnh 1, xã An Hải, huyện Ninh Phước) bị nứt do ảnh hưởng của việc thi công công trình đập hạ lưu sông Dinh. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Sau khi người dân phản ánh, chủ đầu tư, đơn vị thi công cùng chính quyền địa phương đã kiểm tra, đánh giá mức độ hư hỏng. Tuy nhiên, hơn 3 năm nay người dân vẫn chưa nhận được kinh phí bồi thường, hỗ trợ để sửa chữa lại nhà ở.

Chị Nguyễn Thị Dung cho biết, bắt đầu từ năm 2018 trong quá trình thi công đóng chân cầu ngăn nước mặn và lăn đường dẫn lên cầu đã gây rung chấn rất mạnh làm rung chuyển nhà cửa và đồ đạc trong gia đình, khiến tường nhà xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài từ gian nhà chính, gác xép xuống phòng bếp, phòng vệ sinh, có những chỗ vết nứt tường rộng tới 9cm, nền móng bị sụt lún. Do đây là công trình trọng điểm của tỉnh nên gia đình vẫn tạo điều kiện cho đơn vị thi công triển khai công việc.

Chị cho biết thêm, sau nhiều lần phản ánh, ngày 22/8/2019, đại diện các bên gồm có cán bộ UBND xã An Hải, chủ đầu tư là Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cùng liên danh nhà thầu thi công đã đến nhà kiểm tra, đo đạc và lập biên bản hiện trạng vị trí các vết nứt. Tuy nhiên, đến nay việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ kinh phí sửa chữa nứt nhà cho gia đình vẫn bặt vô âm tín. Nhà càng ngày càng xuống cấp, vết nứt càng rộng ra trong khi mùa mưa bão đã đến mà gia đình rất khó khăn chưa có điều kiện sửa lại căn nhà.

Nứt nhiều nhà dân ở cạnh đập hạ lưu sông Dinh  ảnh 2Căn nhà của hộ gia đình bà Hà Thị Đỏ (thôn An Thạnh 1, xã An Hải, Ninh Phước) bị rạn nứt do máy móc của đơn vị thi công đập hạ lưu sông Dinh, sau thời gian dài không được bồi thường sửa chữa đến nay tình trạng xuống cấp càng nặng hơn. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Căn nhà của bà Hà Thị Đỏ bị hư hỏng nghiêm trọng hơn. Phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn, nhà vệ sinh đều bị nứt làm đảo lộn cuộc sống và sinh hoạt của 6 thành viên trong gia đình.

Bà Đỏ cho hay, đon vị thi công chạy máy móc liên tục cả ngày khiến cửa, tường nhà rung lắc, cả bàn thờ cũng rung rinh luôn, gia đình phản ánh thì các chú bên thi công, chính quyền có xuống đo đạc, chụp ảnh, lập biên bản nói sẽ đền bù nhưng mấy năm nay vẫn không thấy hỗ trợ kinh phí. Gia đình rất mong các cấp lãnh đạo quan tâm, xem xét giúp đỡ cho gia đình chứ sống trong căn nhà nứt như thế này không biết đổ sập khi nào.

Bà Trương Thị Thanh Vân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết, Chi cục cùng đơn vị thi công, chính quyền địa phương đã tiến hành các đợt khảo sát hiện trạng, lập biên bản các hộ dân có nhà cửa bị nứt do ảnh hưởng tác động trong quá trình thi công công trình đập, tuyến kè bờ nam bảo vệ đập hạ lưu sông Dinh. 

Nứt nhiều nhà dân ở cạnh đập hạ lưu sông Dinh  ảnh 3 Căn nhà của bà Hà Thị Đỏ (thôn An Thạnh 1, xã An Hải, huyện Ninh Phước) bị nứt do ảnh hưởng của thi công công trình đập hạ lưu sông Dinh. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Qua thống kê, hiện có 24 hộ có nhà và công trình kiến trúc bị ảnh hưởng với tổng số tiền hỗ trợ, bồi thường là 1,2 tỷ đồng. Vừa qua, Chi cục Thủy lợi đã họp với đơn vị thi công để xem xét phương án, tính toán đơn giá và mức độ từng nhà bị thiệt hại, theo kế hoạch sẽ chi trả kinh phí hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân có nhà bị nứt ngay trong quý IV năm nay.

Công trình đập hạ lưu sông Dinh được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt với tổng mức đầu tư 691,5 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương và nguồn vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và các nguồn khác. Đây là đập vừa ngăn mặn vừa giữ nước ngọt, kết hợp làm cầu đường nối khu vực phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang- Tháp Chàm và xã An Hải, huyện Ninh Phước.

Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 3/2017 và khánh thành vào tháng 10/2020, do Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận làm chủ đầu tư, phối hợp Liên danh Viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam; Trung tâm Tư vấn khoa học công nghệ phát triển tài nguyên nước, Hội Đập lớn Việt Nam làm đơn vị tư vấn thiết kế. Liên danh Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản miền Nam 389, Công ty cổ phần Hassyu Việt Nam và Công ty cổ phần Cầu 14 thi công xây lắp.

Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm