Nuôi lợn bằng thảo dược cho hiệu quả cao

Ông Nguyễn Văn Thục phối trộn thảo dược vào thức ăn cho lợn. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN
Ông Nguyễn Văn Thục phối trộn thảo dược vào thức ăn cho lợn. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Thục ở xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đã có 26 năm gắn bó với nghề chăn nuôi lợn. Tại tỉnh Nam Định, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông nổi tiếng, được nhiều người biết đến và đạt hiệu quả kinh tế cao với phương pháp sử dụng thảo dược làm thức ăn trong chăn nuôi. Năm 2021, ông được tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Nuôi lợn bằng thảo dược cho hiệu quả cao ảnh 1Ông Nguyễn Văn Thục phối trộn thảo dược vào thức ăn cho lợn. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

 Phương pháp chăn nuôi tiên tiến

Ông Thục “khởi nghiệp” nuôi lợn với số lượng 30 - 40 con từ năm 1996. Ban đầu, ông sử dụng cám gạo, bột ngô, cá khô và các loại rau làm thức ăn cho con nuôi. Ông vừa nuôi, vừa tích lũy kinh nghiệm, mở rộng quy mô trang trại, tăng số lượng đàn lợn.

Năm 2004, để phát triển chăn nuôi, ông thuê lại 8.000m2 đất công ích của xã xây dựng trang trại theo mô hình vườn - ao - chuồng; đồng thời tăng số lượng đàn lợn lên 200 - 300 con, có thời điểm 500 con.

Đặc biệt, ông Thục đã dành thời gian tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, phương pháp chăn nuôi từ nhiều mô hình, trang trại trong và ngoài tỉnh để áp dụng cho gia đình.

Việc phối trộn một số loại thảo dược bắt đầu được ông Thục thực hiênh từ năm 2015, qua nghiên cứu tài liệu, sách báo cùng việc học hỏi thực tế. Ông quyết định phối trộn các loại thảo quả, quế chi, tía tô… xay nhuyễn, trộn cùng cám gạo, bột ngô, cá khô và men vi sinh theo tỷ lệ nhất định cho lợn ăn từ lúc con nuôi còn nhỏ tới khi xuất chuồng. Với 300 con lợn, 1.000kg thức ăn sẽ dùng trong khoảng 3 - 4 ngày.

Ông Thục cho biết, khi dùng cám trộn cùng thảo dược làm thức ăn, lợn ăn tốt hơn, sức đề kháng được nâng lên. Đàn lợn ít khi bị bệnh dịch dù không sử dụng bất kỳ loại kháng sinh nào trong suốt quá trình chăm sóc. Sử dụng thảo dược làm thức ăn giúp cho thịt lợn khi giết mổ có màu đỏ tươi, lượng thịt nạc và thịt mỡ cân đối, thịt thơm ngon.

Tuy nhiên, để chất lượng thịt đảm bảo, thời gian nuôi mỗi lứa lợn khoảng 7 - 8 tháng, gấp đôi thời gian nuôi lợn theo phương pháp cho ăn bằng cám công nghiệp, nhất là mỗi con phải đạt trọng lượng từ 130 - 140kg mới đủ điều kiện xuất chuồng.

Ngoài việc sử dụng thảo dược trộn vào thành phần thức ăn cho con nuôi, chuồng trại của gia đình ông được xây theo công nghệ chuồng kín; áp dụng các phương pháp xử lý chất thải thân thiện với môi trường nhằm hạn chế tác động của dịch bệnh.

Ông Thục chia sẻ, trang trại của gia đình ông là một trong 5 trang trại đầu tiên của cả nước áp dụng giải pháp xử lý nước thải phân tán (DEWATS) năm 2016. Năm 2019, ông cũng áp dụng phương pháp đệm lót sinh học vào xử lý chất thải chăn nuôi. Đây đều là những phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả, tiết kiệm, thân thiện với môi trường, giúp trang trại không còn mùi hôi thối.

Nhờ áp dụng các phương pháp chăn nuôi tiên tiến, trang trại của gia đình ông Thục được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh động vật đối với các bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn vào năm 2021. Đây là một trong số ít những trang trại chăn nuôi tại tỉnh Nam Định không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, trong khi nhiều trang trại, hộ chăn nuôi tại địa phương điêu đứng vì dịch bệnh này...

Nuôi lợn bằng thảo dược cho hiệu quả cao ảnh 2 Chăm sóc đàn lợn tại trang trại của ông Nguyễn Văn Thục ở xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Xây dựng thương hiệu thịt lợn sạch

 Không dừng lại ở việc chăn nuôi, gia đình ông Thục đã chủ động tìm hiểu nhu cầu của thị trường, từ đó xây dựng dây chuyền khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến các sản phẩm từ thịt lợn đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều năm qua, sản phẩm mang tên “Thịt lợn thảo dược Hiền Thục” của gia đình ông đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, được nhiều tổ chức, đơn vị đặt hàng.

Ông Thục cho hay, để đảm bảo quy trình chăn nuôi khép kín, an toàn vệ sinh thực phẩm, gia đình đã đầu tư hơn 200 triệu đồng mua máy nghiền cám và xây dựng lò mổ công suất giết mổ 80 con/tháng, tương tương khoảng 6 tấn thịt.

Hiện tại, gia đình ông đang cung ứng các sản phẩm thịt lợn cho 13 trường học trên địa bàn huyện Trực Ninh; 10 cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Ngoài thịt lợn tươi, gia đình ông còn chế biến các sản phẩm từ thịt lợn như xúc xích, ruốc thịt phục vụ nhu cầu của khách hàng. Ước tính, doanh thu của gia đình đạt khoảng 600 triệu đồng/tháng.

Gia đình ông là một trong số ít cơ sở chăn nuôi tại Nam Định có 3 sản phẩm (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) OCOP 3 sao cấp tỉnh đó là: thịt lợn, ruốc thịt và xúc xích.

Để quảng bá sản phẩm thịt lợn sạch, gia đình ông thường xuyên tham gia các chương trình, hội chợ xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như Voso, Postmart nhằm giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng. Ngoài ra, gia đình ông Thục cũng thành lập cửa hàng nông sản an toàn tại địa phương để giới thiệu, cung cấp trực tiếp sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Bà Phạm Thị Thoa, Trạm trưởng Trạm Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản thuộc Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Nam Định đánh giá, trang trại chăn nuôi của gia đình ông Thục là điểm sáng trong việc áp dụng các giải pháp chăn nuôi tiên tiến, an toàn cho hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, chăn nuôi theo hướng an toàn đang là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển. Các sản phẩm nông sản sạch, an toàn; trong đó, có thịt lợn, các sản phẩm từ thịt lợn đang được người tiêu dùng ưa chuộng, biết đến và ngày càng có chỗ đứng trên thị trường.

Nguyễn Lành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm