Nuôi dưỡng tình yêu ca trù cho lớp trẻ

Nuôi dưỡng tình yêu ca trù cho lớp trẻ
"Luồng gió" mới 

Tại chương trình giao lưu ca trù tỉnh Hải Dương lần thứ VIII năm 2018 mới đây, ai cũng bị cuốn hút bởi gương mặt và giọng ca của ca nương nhí An Nguyễn Thủy Tiên (xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) với tiết mục “Ca ngợi công ơn thầy” nói về Thầy giáo Chu Văn An. Tiết mục nhận được những tràng vỗ tay không dứt ngợi khen của hàng trăm người xem, trong đó có những nghệ nhân lớn tuổi. 

Ca nương An Nguyễn Thủy Tiên, 9 tuổi (quê ở xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện) là thành viên câu lạc bộ ca trù Trung tâm văn hóa tỉnh Hải Dương. Ảnh: Mạnh Minh-TTXVN
Ca nương An Nguyễn Thủy Tiên, 9 tuổi (quê ở xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện) là thành viên câu lạc bộ ca trù Trung tâm văn hóa tỉnh Hải Dương. Ảnh: Mạnh Minh-TTXVN

Dưới hàng ghế khán giả, mắt không rời cô cháu gái đang biểu diễn say sưa trên sân khấu, ánh mắt bà Đoàn Thị Toàn lấp lánh niềm tự hào. Bà Đoàn kể, hồi trẻ cũng yêu ca trù lắm, nhưng không có điều kiện để theo học. Có lẽ một phần ảnh hưởng từ tình yêu của bà nội đối với môn nghệ thuật này, Thủy Tiên từ bé cũng đã rất thích ca trù. “Năm 2017, một hôm tôi chở cháu đi đăng ký 1 lớp đàn nguyệt ở Trung tâm Văn hóa tỉnh và thấy có lớp dạy ca trù, hai bà cháu đã đăng ký cho Thủy Tiên theo học”, bà Đàm kể. Từ sau hôm đó, đều đặn mỗi tuần hai buổi thứ bảy và chủ nhật, bà Đàm đảm nhiệm đưa đón cháu gái tới lớp. Thủy Tiên hiện nay là thành viên câu lạc bộ ca trù Trung tâm Văn hóa tỉnh Hải Dương. Có năng khiếu đàn hát, em vừa học ca trù vừa học đàn nguyệt. Được bố mẹ ủng hộ, bà nội tiếp sức, chỉ sau một thời gian theo học, cô gái nhỏ đã tự tin biểu diễn bài “Ca ngợi công ơn thầy” và “Hồng hồng tuyết tuyết”. Thủy Tiên cho biết rất thích nghe nghệ nhân Quách Thị Hồ hát, về nhà hai bà cháu thỉnh thoảng cùng mở nghe. “Thấy cháu đi học ở trung tâm về, biểu diễn, nhiều bạn cũng mong muốn được có lớp để theo học”, Thủy Tiên chia sẻ. 

Tiết mục của câu lạc bộ ca trù xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN
Tiết mục của câu lạc bộ ca trù xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN

Đến nay, Hải Dương có 6 câu lạc bộ ca trù. Không riêng câu lạc bộ Trung tâm văn hóa tỉnh mà các câu lạc bộ Nam Sách, Bình Giang đều có những nhân tố trẻ tương tự. Những gương mặt ca nương, kép trống “nhí” hiện diện tại các chương trình giao lưu ca trù ở Hải Dương trong mấy năm gần đây như một luồng gió mới đối với ca trù. Đây là những tín hiệu vui với những người yêu nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, với những người quản lý văn hóa. 

Phát hiện được các nhân tố trẻ đã khó, việc nuôi dưỡng được nhân tố này cũng có nhiều thách thức. Theo một thành viên câu lạc bộ ca trù Dân Chủ (huyện Tứ Kỳ), ca trù khó học, muốn học phải rất công phu và nhiều thời gian. Trong khi đó, các thành viên câu lạc bộ không có nhiều thời gian tập luyện. Kinh phí lại hạn hẹp. Cũng có người đã bỏ dở giữa chừng, chỉ những ai thật say mê mới theo được. Bà Đoàn Thị Toàn cho rằng, muốn lớp trẻ quan tâm và hứng thú với ca trù, cần biểu diễn ca trù nhiều hơn, rộng rãi hơn, giới thiệu nhiều hơn về ca trù cho các cháu, có vậy các cháu mới có thể hiểu được cái hay, nét đẹp của môn nghệ thuật cổ này. Các cháu cũng cần sự khích lệ, động viên từ gia đình. 

“Quyết không để ca trù mai một” 

Những khóa truyền dạy ca trù ngắn hạn tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hải Dương được tổ chức mỗi năm một lần đã giúp phát hiện, bồi dưỡng “mầm non ca trù”. Bên cạnh đó, hoạt động của các câu lạc bộ, với vai trò quan trọng là các nghệ nhân cao tuổi đã duy trì môi trường để những người yêu ca trù nói chung, trong đó có lớp trẻ có điều kiện thực hành di sản. 

Câu lạc bộ ca trù Dân Chủ hiện có gần 20 thành viên thường xuyên. Theo các thành viên, câu lạc bộ được như ngày hôm nay có công không nhỏ của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú Đẹ và nghệ nhân Trương Quang Hiến. Bà Nguyễn Thị Phượng (50 tuổi) thành viên của câu lạc bộ ca trù Dân Chủ cho biết: “Câu lạc bộ mới ra đời khoảng chục năm nay, nhưng chúng tôi đã rủ nhau đến nhà cụ học từ rất lâu rồi. Cụ dạy chủ yếu lời cổ. Học ca trù rất khó, không phải cứ thuộc là hát được, còn phải biết nghe tiếng đàn, tiếng phách”. Vừa kén người nghe, lại kén người học là vậy, nhưng sự hấp dẫn riêng có của di sản văn hóa ca trù, cộng với tài năng và tâm huyết của nghệ nhân cao tuổi, biết bao người ở Dân Chủ gắn bó và xem ca trù là một món ăn tinh thần trong đời sống làng xã nơi đây. 

Trao tặng hoa và cờ lưu niệm cho các câu lạc bộ tham gia chương trình giao lưu. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN
Trao tặng hoa và cờ lưu niệm cho các câu lạc bộ tham gia chương trình giao lưu. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN
Giờ đây, khi nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ đã bước qua tuổi 95 với điều kiện sức khỏe không thể tham gia các hoạt động nghệ thuật nữa thì nghệ nhân Trương Quang Hiến là nghệ nhân cao tuổi nhất đang tiếp nối những công việc đầy trách nhiệm góp phần gìn giữ ca trù. Người nghệ nhân 85 tuổi này luôn tự nhủ mình có trọng trách để giữ gìn, phát triển di sản quý của cha ông. “Tôi cũng là một người yêu thi ca, yêu thơ và yêu ca trù. Ca trù giúp con người ta yêu quê hương, gia đình. Là một người cao tuổi, tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm giữ gìn di sản này, nếu không làm việc này thì tôi có lỗi với các bậc tiền nhân. Tôi quyết tâm không thể để mai một di sản quý này được”, cụ Hiến bộc bạch những lời gan ruột. Hiện nay câu lạc bộ còn tham gia tích cực vào việc đưa ca trù vào trường tiểu học để thêm nhiều học sinh được làm quen, biết đến ca trù. 

Chương trình hành động Bảo vệ di sản hát ca trù giai đoạn 2010-2020 đã được tỉnh Hải Dương phê duyệt và triển khai. Những năm qua, nhiều lớp tập huấn, truyền dạy ca trù đã được tổ chức như tập huấn về nâng cao thể cách hát ca trù cho học viên các câu lạc bộ, đồng thời mở lớp đào tạo đàn hát ca trù cho lớp trẻ. Cùng với đó là những chương trình giao lưu ca trù thường niên được tổ chức. Hải Dương quan tâm tạo điều kiện kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ, hỗ trợ trực tiếp cho một số nghệ nhân nhằm khuyến khích, hỗ trợ truyền dạy ca trù và sinh hoạt câu lạc bộ tại địa phương… Hy vọng rằng, với tình yêu và quyết tâm của những nghệ nhân cao tuổi, sự quan tâm hơn nữa của ngành văn hóa, của các cấp chính quyền địa phương, thêm nhiều “mầm non ca trù” sẽ được tìm thấy, đào tạo bài bản, được khuyến khích để có thể theo đuổi đam mê, kế thừa phát huy những giá trị di sản của cha ông.
Mạnh Minh 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm