Nuôi đà điểu - hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao ở Hòa Bình

Nuôi đà điểu - hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao ở Hòa Bình

Sau một lần được tham quan mô hình chăn nuôi đà điểu của một người bạn ở Ba Vì (Hà Nội), nhận thấy đây là mô hình phát triển kinh tế có tiềm năng lớn, phù hợp với điều kiện diện tích đất nuôi của gia đình, anh Phan Sỹ Hải ở xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình (Hòa Bình) đã quyết tâm làm trang trại nuôi đà điểu. Từ đó, tạo ra một hướng đi mới mang lại nhiều kinh tế cho gia đình và bà con tại địa phương.

Nuôi đà điểu - hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao ở Hòa Bình  ảnh 1 Trại nuôi đà điểu phải đáp ứng được môi trường và tập tính của đà điểu đó là có sân rộng, sạch và rải cát khô để đà điểu chạy, tắm cát. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Sau quá trình tự học tập, nghiên cứu về tập tính của đà điểu, anh Hải bắt tay vào xây dựng mô hình chuồng trại từ nguồn vốn tích góp của hai vợ chồng. Ban đầu, anh Hải mua 30 con đà điểu giống về nuôi thử với tổng chi phí khoảng 75 triệu đồng và sau một năm xuất bán thịt thương phẩm anh thu lãi được gần 40 triệu đồng. Những tín hiệu tích cực đó đã tăng thêm niềm tin để anh tiếp tục đầu tư, mở rộng chuồng trại quyết tâm gắn bó với mô hình nuôi loài chim khổng lồ đà điểu.

Nuôi đà điểu - hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao ở Hòa Bình  ảnh 2 Anh Phan Sỹ Hải cho đà điểu ăn tại trang trại ở thôn Mỵ, xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Anh Hải chia sẻ, sau 6 năm kinh nghiệm, cuộc sống lăn lộn với chuồng trại, người dân ở xã Yên Mông gọi anh với cái tên thân thiện Hải đà điểu. Việc nuôi đà điểu thành công trước tiên người nuôi phải hiểu rõ về tập tính và môi trường sống của đà điểu để từ đó làm chuộng trại tạo không gian sống cho đà điểu.

Nuôi đà điểu - hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao ở Hòa Bình  ảnh 3Đà điểu non mới nở có cân nặng từ 2 - 3kg tại trại nuôi của anh Phan Sỹ Hải, xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Đà điểu là loài chim dễ nuôi, lớn nhanh, ít dịch bệnh, thức ăn của đà điểu dễ kiếm, chủ yếu là rau lang, rau muống, cỏ hoa trắng... sẵn có, dễ trồng, dễ mua tại địa phương.

Nuôi đà điểu - hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao ở Hòa Bình  ảnh 4 Những chú đà điểu trưởng thành có cân nặng khoảng 100 - 150kg và giá bán dao động khoảng 100 - 120 nghìn đồng/kg. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Đà điểu có nguồn gốc từ sa mạc, chính vì thế tạo được môi trường sống tương tự cho đà điểu rất quan trọng. Sân, chuồng nuôi phải sạch và có diện tích ưu tiên chiều dài để đà điểu chạy, chuồng nuôi phải được rải cát khô và sạch, bởi việc tắm cát thường xuyên giúp làm sạch cơ thể, loại bỏ các loại ký sinh trùng ngoài da giúp đà điểu khoẻ mạnh. Tuy nhiên, đà điểu lại rất sợ tiếng ồn, nên trang trại phải tách biệt với khu dân cư.

Nuôi đà điểu - hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao ở Hòa Bình  ảnh 5 Những con giống tại trang trại của anh Hải chuẩn bị xuất chuồng. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hai năm trở lại đây nhu cầu về mua giống đà điểu của bà con nhân dân địa phương và các tỉnh lân cận tăng, gia đình anh Hải đã đầu tư dây chuyền máy ấp trứng để cung ứng đà điểu giống. Một con đà điểu nuôi sinh sản sau khoảng 2 năm thì bắt đầu đẻ trứng, trung bình khoảng từ 40 - 45 quả trứng/năm.

Đà điểu giống có trọng lượng khoảng từ 5 - 6kg/con được tiêm phòng vaccine đầy đủ có giá bán 2,5 triệu đồng/con. Thông thường thời gian sinh trưởng của đà điểu thương phẩm từ 8 - 10 tháng, đạt trọng lượng từ 100 - 150 kg/con có giá bán giao động khoảng từ 100 - 120 nghìn đồng/kg thịt. Hiện tại, trang trại của gia đình anh Hải đang có khoảng hơn 300 con đà điểu và 2/3 trong số đó là những con non, con giống đã được đặt hàng. Doanh thu hàng năm sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt khoảng 600 triệu/năm.

Nuôi đà điểu - hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao ở Hòa Bình  ảnh 6Anh Phan Sỹ Hải, xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình là người tiên phong làm trang trại nuôi đà điểu phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Từ những kết quả đã đạt được, anh Hải mong muốn sẽ cố gắng để thương hiệu đà điểu Yên Mông sẽ được nhiều người biết đến, đồng thời vận động những hộ gia đình khó khăn ở địa phương tạo lập phát triển kinh tế theo mô hình chăn nuôi đà điểu để tăng thêm thu nhập, thoát nghèo và nâng cao giá trị sản phẩm địa phương.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Yên Mông, ông Nguyễn Hữu Minh cho biết, mô hình trang trại chăn nuôi đà điểu, cung cấp thịt và con giống của anh Phan Sĩ Hải là mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả thu nhập cao. Đây là hướng đi mới thành công và cần được nhân rộng trên địa bàn xã.

Nuôi đà điểu - hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao ở Hòa Bình  ảnh 7Hiện trang trại của Hải đang có khoảng hơn 300 con đà điểu, 2/3 trong số đó là những con non, con giống đã được đặt hàng. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Song song với phát triển kinh tế, anh Hải luôn sẵn sàng chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi đà điểu, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y tới các hộ dân. Cùng đó, bao tiêu đầu ra giúp các hộ chăn nuôi yên tâm, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Hiện tại, xã Yên Mông đã có 5 hộ dân đầu tư chuồng trại nuôi đà điểu thương phẩm.

Mô hình trang trại nuôi đà điểu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Phan Sĩ Hải mà còn góp phần thay đổi tư duy, mở lối cho người dân địa phương xã Yên Mông và trong tỉnh Hòa Bình về khởi nghiệp phát triển kinh tế trên trên chính mảnh đất quê hương.

Trọng Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm