Nuôi bò sữa - Hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân vùng biển ở Bến Tre

Mô hình nuôi bò sữa đang rất phát triển ở Bến Tre. Ảnh:daidoanket.vn
Mô hình nuôi bò sữa đang rất phát triển ở Bến Tre. Ảnh:daidoanket.vn

Hiện chăn nuôi bò tại Bến Tre phát triển mạnh với tổng đàn hơn 230 nghìn con, chủ yếu chăn nuôi bò cái sinh sản và nuôi lấy thịt. Những năm gần đây, nông dân các huyện ven biển tại tỉnh Bến Tre được hướng dẫn thêm nuôi bò sữa, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, tăng thu nhập cho hộ dân.

Gắn liền với con bò sữa từ khi triển khai dự án Phát triển đàn bò sữa tại Bến Tre vào cuối năm 12/2016, đến nay ông Võ Văn Lai, xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri, Bến Tre đã nâng tổng đàn bò sữa của gia đình lên 22 con, trong đó có 6 con đang cho sữa, 7 con đang chuẩn bị sinh sản.

Nuôi bò sữa - Hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân vùng biển ở Bến Tre ảnh 1Mô hình nuôi bò sữa đang rất phát triển ở Bến Tre. Ảnh:daidoanket.vn

Ông Lai cho biết, trước đây gia đình có 5.000m2 đất trồng lúa, ông nuôi thêm 3 con bò vàng sinh sản. Tuy nhiên, thu nhập từ trồng lúa thấp, nuôi bò vàng một năm cho thu nhập 1 lần. Khi nghe triển khai dự án nuôi bò sữa ông Lai mạnh dạn đăng ký tham gia. Nhờ chăm học hỏi, chịu khó áp dụng đúng kỹ thuật hướng dẫn, đàn bò sữa của ông Lai luôn phát triển tốt, cho sữa chất lượng. Mỗi ngày 6 con bò cho thu hơn 90 kg sữa, mỗi tháng ông Lai thu nhập hơn 20 triệu đồng (sau khi trừ chi phí vật tư, không tính công chăm sóc). Ông Lai so sách, nếu như nuôi bò vàng sinh sản 1 năm mới có thu nhập, trong khi đó nuôi bò sữa tạo nguồn thu nhập hàng ngày ổn định cho gia đình.

Ông Lai cho hay, nhận thấy hiệu quả từ nuôi bò sữa ông Lai mạnh dạn chuyển đất trồng lúa của gia đình sang trồng cỏ nuôi bò. Bên cạnh đó, ông Lai thuê thêm 5.000m2 đất trồng cỏ nuôi bò, đầu tư thêm chuồng trại tăng số lượng đàn bò để tạo thu nhập tốt hơn cho gia đình. Ông Lai chia sẻ, lợi nhuận từ chăn nuôi bò sữa giúp kinh tế gia đình thu nhập ổn định, có điều kiện lo cho con đi học. Cuối năm 2021 ông Lai xây dựng được căn nhà khang trang cho gia đình.

Từ 6 con bò sữa ban đầu khi tham gia Dự án phát triển đàn bò sữa được triển khai nhân rộng tại xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú vào tháng 7/2020, đến nay anh Trần Văn Cường, xã Mỹ Hưng đã phát triển đàn bò sữa lên 27 con.

Anh Cường chia sẻ, trước đây anh chăn nuôi bò vàng, nuôi dê lấy thịt cũng cho thu nhập hiệu quả. Tuy nhiên, khi Dự án Phát triển đàn bò sữa tỉnh mở rộng sang huyện biển Thạnh Phú, anh Cường mạnh dạn đăng ký tham gia. Với 6 con bò sữa từ dự án hỗ trợ, cùng với vốn tích lũy từ chăn nuôi bò, dê trước đây, anh Cường đầu tư chuồng trại, thức ăn... học hỏi thêm kinh nghiệm từ các hộ nuôi trước đó, học hỏi qua mạng đến nay anh Cường nắm vững kỹ thuật chăn nuôi bò sữa.

Theo anh Cường, nuôi bò sữa cần nhiều công chăm sóc đầu tư chuồng trại, kỹ thuật, nhưng đổi lại thu nhập từ nuôi bò sữa cho hiệu quả cao hơn chăn nuôi bò vàng. Anh Cường cho biết, luợng sữa mỗi ngày anh thu được dao động từ 80 - 100 lít, có con bò cho sữa lúc cao điểm lên tới 27 lít mỗi ngày.

Hiện nay, Trạm trung chuyển sữa Vinamilk tại huyện Ba Tri đang tiêu thụ sữa của anh và các thành viên tham gia dự án với giá khoảng 14 nghìn đồng/kg. Bình quân mỗi tháng, chỉ riêng phần sữa anh đã thu về từ 35 - 40 triệu đồng.

Bà Trần Thị Tuyết Anh, Giám đốc Hợp tác xã Bò sữa Bến Tre cho biết, hiện hợp tác xã có 110 xã viên tham gia nuôi bò sữa, tổng đàn bò sữa hiện nay hơn 2.500 con; trong đó, ký kết bán sữa với Công ty sữa Vinamilk 1.500 con ( 900 con, 600 chuẩn bị khai thác). Năng suất bình quân 10 tấn sữa/ngày. Các hộ nuôi bò sữa có khai thác sữa không ngừng mở rộng quy mô, bình quân 12 con/hộ. Có 2 hộ nuôi trên 50 con, bán sữa trên 200kg/ngày.

Hiện nay, đàn bò sữa đã được nhân rộng sang xã Mỹ Hưng ( huyện Thạnh Phú), với tổng đàn khoảng 120 con, đã có 9 hộ có bò đang cho khai thác sữa. Bà Trần Thị Tuyết Anh chia sẻ, Hợp tác xã tạo mọi điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn con giống chăn nuôi bò sữa, liên kết hợp tác với công ty sữa Vinamilk bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người nông dân, để người nông dân an tâm chăn nuôi. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi bò sữa đã thành lập 65 nhóm để liên kết, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn kỹ thuật nuôi bò sữa. Đồng thời, thành lập quỹ để giúp những hộ khó khăn mượn vốn trồng cỏ, tạo sinh kế ban đầu khi chưa có thu nhập. Ngoài ra, hợp tác xã kết nối công ty tổ chức Hội thảo kỹ thuật chăn nuôi bò sữa; tổ chức lớp dạy nghề chuyên sâu kỹ thuật thú y chăn nuôi bò sữa cho hộ nuôi bò sữa nhằm giúp hộ xử lý kịp thời, đúng kỹ thuật và tiết kiệm chi phí nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi bò sữa.

Ông Đoàn Văn Đảnh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, với lợi thế nông dân am hiểu chăn nuôi bò vàng từ nhiều năm qua, khi triển khai đưa bò sữa vào chăn nuôi tại Bến Tre được các hộ nông dân áp dụng mang lại hiệu quả rất cao. Ông Đoàn Văn Đảnh cho hay, chăn nuôi bò sữa là ngành nghề mới, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, giúp cải thiện thu nhập hộ tham gia, chuỗi sản xuất kết nối bền vững từ đầu vào với thị trường tiêu thụ.

Cũng theo ông ông Đoàn Văn Đảnh, đây là mô hình sản xuất được khuyến cáo nhân rộng trong hoạt động chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Từ hiệu quả tại huyện Ba Tri, hiện nay nuôi bò sữa được nhân rộng sang huyện Thạnh Phú, các nơi khác trong tỉnh.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh tế hợp tác thông qua hoạt động của hợp tác xã bò sữa Bến Tre bước đầu đã chứng minh được hiệu quả mang lại cho xã viên. Sắp tới, ngành chức năng tiếp tục tăng cường hỗ trợ nông dân nuôi bò sữa để đảm bảo đàn bò sữa phát triển tốt về số lượng, đảm bảo về chất lượng.

Đặc biệt, mở rộng dự án sang các địa phương khác có đủ điều kiện nuôi bò sữa để góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre. Đồng thời, vận động, khuyến khích các hộ tăng quy mô đàn và xây dựng trang trại bò sữa với quy mô lớn, góp phần phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững hơn. 

Huỳnh Phúc Hậu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm