Nuôi artemia ở Vĩnh Châu để xuất sang Mỹ giá 50 triệu/kg

Nuôi artemia  ở Vĩnh Châu để xuất sang Mỹ giá 50 triệu/kg
Ông Đinh Hoàng Vũ – Chủ nhiệm Liên hiệp Hợp tác xã artemia Vĩnh Châu đang giới thiệu về artemia. Ảnh: danviet.vn
Ông Đinh Hoàng Vũ – Chủ nhiệm Liên hiệp Hợp tác xã artemia Vĩnh Châu đang giới thiệu về artemia. Ảnh: danviet.vn
Artemia là động vật giáp xác phù du của vùng biển mặn, giai đoạn trứng mới nở được dùng làm thức ăn cho tôm, cá con, được xem như là một bí quyết dẫn đến thành công của các nhà sản xuất, ươm nuôi giống tôm, cá. Sau ngày miền Nam giải phóng (30-4-1975), bắt tay xây dựng đất nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đặc biệt nhu cầu giống tôm, cá nuôi càng trở nên rất bức thiết. Kỹ thuật sản xuất giống tôm, cá được ứng dụng rộng rãi; nhu cầu sử dụng artemia trong nước càng nhiều, trong khi đó giá nhập khẩu rất cao và rất hiếm. Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Kim Quang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ đã liên hệ với thân nhân Việt kiều, cùng với các nhà khoa học trong và ngoài nước đã đi nhập dòng artemia từ Mỹ về Việt Nam nuôi thử nghiệm. Mọi khảo sát, trao đổi về con giống cũng như quy trình kỹ thuật nuôi được ông Quang bàn bạc thống nhất với phía Mỹ… và đất ruộng muối Vĩnh Châu đã rất thích hợp cho sản xuất artemia sau những thử nghiệm khoa học thành công. Đầu năm 1980, tại xã Vĩnh Phước (nay là phường Vĩnh Phước) được chọn làm nơi nuôi thí điểm; phía Mỹ cử chuyên gia đến cùng phối hợp thực hiện. Hình thức nuôi là kết hợp với nghề làm muối truyền thống. Artemia nuôi trên lô Sa Kề, Dì Kề, vì nơi đó có độ mặn thích hợp. Việc đưa artemia vào nuôi không những không làm ảnh hưởng đến mô hình muối – tôm mà còn làm gia tăng chất lượng muối, do artemia là loài ăn lọc, nước làm muối trở nên trắng hơn.
Trứng artemia Vĩnh Châu được đánh giá tốt nhất thế giới. Ảnh: danviet.vn
Trứng artemia Vĩnh Châu được đánh giá tốt nhất thế giới. Ảnh: danviet.vn
Diện tích, năng suất nuôi artemia tăng dần: từ 100ha (năm 1992 với năng suất trên 20kg/ha) lên 380ha (năm 2000 với năng suất 40kg/ha) và từ đó đến nay con số trên giữ ổn định hàng năm. Về kỹ thuật nuôi artemia thật sự không giản đơn, nước nuôi phải được bón phân gây màu thích hợp, khử trùng triệt để mới tiến hành thả giống nuôi. Trứng artemia nhỏ như cát mịn được đem ấp nở thành con, làm giống để thả nuôi trong ruộng muối. Các công đoạn chăm sóc artemia trong ruộng nuôi tiến hành theo một quy trình đòi hỏi thực hiện các thao tác kỹ thuật phải đúng như: cào đáy ruộng, bơm nước, cho ăn, bón phân và theo dõi môi trường… nhằm tránh những biến động bất ngờ gây chết làm giảm mật độ. Khi đến giai đoạn trưởng thành, người quản lý ruộng nuôi artemia phải biết kỹ thuật kích thích để artemia đẻ trứng, thay vì đẻ con; vì trứng mới là sản phẩm thu hoạch mong muốn để đưa vào chế biến, bảo quản bằng các thiết bị hiện đại chuyên dùng, máy quay ly tâm, đóng hộp và thành phẩm. Artemia sản xuất tại ruộng muối thị xã Vĩnh Châu được nhà sản xuất sử dụng trong và ngoài nước đánh giá cao, được xem là chất lượng tối ưu, giá cả rất cao, mỗi ký gần 50 triệu đồng. Thương hiệu artemia Vĩnh Châu đã và đang xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, nhiều nhất là ở Mỹ. Từ đó mà kích thích dân mở rộng diện tích, gia tăng sản lượng, góp phần quan trọng nâng cao mức sống người dân nơi đây.

Theo danviet.vn

Có thể bạn quan tâm