Nước sạch với người dân thành phố Hồ Chí Minh

Nước sạch với người dân thành phố Hồ Chí Minh
Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng diễn ra gay gắt trên diện rộng như những ngày vừa qua, dự báo nhu cầu sử dụng nước trong những tháng mùa khô năm 2019 tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tăng khoảng 10%.​​ Việc đảm bảo cung cấp nguồn nước an toàn, liên tục cho người dân, kể cả trong những ngày oi bức, khi nhu cầu sử dụng nước tăng mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành cấp nước thành phố. Cùng với đó, trong năm 2019, TP.HCM cũng phấn đấu hoàn thành và duy trì việc cung cấp nước sạch cho 100% hộ dân trên địa bàn.
Dự báo nhu cầu sử dụng nước trong những tháng mùa khô năm 2019 tại TP.HCM tăng khoảng 10% trong bối cảnh thời tiết nắng nóng diễn ra gay gắt trên diện rộng ở thời điểm hiện nay. Ảnh: TTXVN
Dự báo nhu cầu sử dụng nước trong những tháng mùa khô năm 2019 tại TP.HCM tăng khoảng 10% trong bối cảnh thời tiết nắng nóng diễn ra gay gắt trên diện rộng ở thời điểm hiện nay. Ảnh: TTXVN
Đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn trong mùa khô  Để đủ nước sạch cung cấp cho người dân, việc đảm bảo chất lượng nguồn nước thô là  yêu cầu tiên quyết. Vì vậy, từ đầu mùa khô, chất lượng nguồn nước thô trên địa bàn thành phố đã được ngành chức năng lưu tâm về tình hình ô nhiễm, nhiễm mặn... để có thể kịp thời lên các kịch bản ứng phó. 
Nhà máy nước Thủ Đức (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) hiện đang cấp nước cho nhiều quận, huyện của TP.HCM. Ảnh: An Hiếu - DT&MN/TTXVN
Nhà máy nước Thủ Đức (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) hiện đang cấp nước cho nhiều quận, huyện của TP.HCM. Ảnh: An Hiếu - DT&MN/TTXVN
Đánh giá tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể làm ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng nước, Ban giám đốc Sawaco đã yêu cầu các đơn vị, phòng ban trực thuộc xây dựng các phương án đảm bảo cung cấp nước được ổn định, liên tục. Đặc biệt là các phương án ứng phó, xử lý kịp thời các sự cố xảy ra trên hệ thống cấp nước thành phố, để ngăn ngừa các sự cố lớn làm yếu, thiếu nước trên diện rộng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng nước.
Công nhân Sawaco thi công đường ống dẫn nước sạch đến các hộ gia đình trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: An Hiếu - DT&MN/TTXVN
Công nhân Sawaco thi công đường ống dẫn nước sạch đến các hộ gia đình trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: An Hiếu - DT&MN/TTXVN
Trong mùa khô, việc sử dụng nguồn nước ngầm sẽ gặp nhiều khó khăn hơn; đồng thời, thời tiết nắng nóng cũng làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước sạch. Tuy Nhà máy nước Tân Phú đang phải giảm sản lượng khai thác nước ngầm theo lộ trình kế hoạch nhưng một số nhà máy khác trên địa bàn thành phố đã được đầu tư, nâng công suất, tăng sản lượng nên đảm bảo đủ khả năng cung cấp nước, đáp ứng nhu cầu của người dân. Các nhà máy nước đã xây dựng các phương án, thực hiện các biện pháp cụ thể để điều tiết lượng nước nhằm tăng áp lực và lưu lượng cho các khu vực nước yếu, thiếu, đặc biệt là khu vực cuối nguồn. Từ việc xây dựng kịch bản, kế hoạch cụ thể, đến thời điểm hiện nay và hết mùa khô 2019, Sawaco đảm bảo cung cấp nguồn nước an toàn, liên tục cho người dân TP.HCM, kể cả trong những ngày oi bức, nhu cầu sử dụng nước tăng mạnh.
Lắp đặt đồng hồ nước tại các hộ gia đình trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: An Hiếu - DT&MN/TTXVN
Lắp đặt đồng hồ nước tại các hộ gia đình trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: An Hiếu - DT&MN/TTXVN
Tăng sản lượng, cấp nước sạch đến 100% hộ dân Theo Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), trong năm 2018, tổng sản lượng nước sản xuất của công ty đạt trên 683 triệu m3 với công suất cấp nước bình quân đạt 1,87 triệu m3/ngày, đảm bảo cung cấp cho gần 99,7 % hộ dân trên địa bàn TP.HCM với tổng lượng nước tiêu thụ gần 524 triệu m3, tỉ lệ thất thoát nước được kéo giảm xuống còn 23,31%, giảm sâu nhất từ trước đến nay.
Công nhân kiểm tra đường nước sạch sau khi lắp đặt ở các hộ dân trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: An Hiếu - DT&MN/TTXVN
Công nhân kiểm tra đường nước sạch sau khi lắp đặt ở các hộ dân trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: An Hiếu - DT&MN/TTXVN
Công tác phát triển mạng lưới năm 2018 của ngành cấp nước TP.HCM có chậm hơn so với kế hoạch, xuất phát từ nhiều nguyên nhân: công tác khảo sát thiết kế và thỏa thuận hướng tuyến kéo dài do danh sách các hộ dân có thay đổi bổ sung; nhiều khu vực dân cư rải rác, hạ tầng chưa hoàn chỉnh nên phải chờ phối hợp với các công trình hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, khoảng 5.000 hồ sơ cấp nước tại huyện Bình Chánh chưa đủ điều kiện về pháp lý theo Quyết định số 20 năm 2007 của UBND thành phố nên chưa thể gắn đồng hồ.
Hệ thống bơm nước của nhà máy nước Thủ Đức (Sawaco) hoạt động liên tục để đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân thành phố. Ảnh: An Hiếu - DT&MN/TTXVN
Hệ thống bơm nước của nhà máy nước Thủ Đức (Sawaco) hoạt động liên tục để đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân thành phố. Ảnh: An Hiếu - DT&MN/TTXVN
Một góc hệ thống xử lý nước tại Nhà máy nước Thủ Đức (quận Thủ Đức, TP.HCM). Ảnh: An Hiếu - DT&MN/TTXVN
Một góc hệ thống xử lý nước tại Nhà máy nước Thủ Đức (quận Thủ Đức, TP.HCM). Ảnh: An Hiếu - DT&MN/TTXVN
Theo kế hoạch, với tổng vốn đầu tư trong năm 2019 lên đến gần 2.867 tỷ đồng, Sawaco dự kiến tiếp nhận và tiêu thụ nguồn nước mới của Nhà máy nước Thủ Đức 3 và Nhà máy nước Tân Hiệp 2 với cùng công suất 300.000 m3/ngày, nâng tổng công suất cấp nước đạt 1,88 triệu m3/ngày với sản lượng nước đạt trên 700 triệu m3, sản lượng nước tiêu thụ đạt khoảng 550 triệu m3. Qua đó, đảm bảo chất lượng nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và dịch vụ với mức cấp nước sinh hoạt bình quân đầu người 152 lít/người/ngày cho 100% hộ dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, trong năm 2019, Sawaco phấn đấu giảm tỷ lệ nước thất thoát xuống còn dưới 21,8%.
Hệ thống điều khiển, kiểm tra, phân tích chất lượng nước hiện đại của Nhà máy nước Thủ Đức (TP.HCM). Ảnh: An Hiếu - DT&MN/TTXVN
Hệ thống điều khiển, kiểm tra, phân tích chất lượng nước hiện đại của Nhà máy nước Thủ Đức (TP.HCM). Ảnh: An Hiếu - DT&MN/TTXVN
Theo bà Dương Hồng Phương, Chánh Văn phòng Sawaco, với định hướng quản lý vận hành hệ thống cấp nước theo hướng tự động hóa, hiện đại hóa, nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục, đáp ứng đủ nhu cầu dùng nước cho TP.HCM với chất lượng nước uống trực tiếp tại vòi nước khách hàng vào năm 2025, Sawaco đang triển khai thực hiện các phương án cấp nước an toàn trong kế hoạch tổng thể đảm bảo cấp nước an toàn; triển khai nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện về nguồn nước trên địa bàn thành phố; đảm bảo chất lượng ổn định an toàn, hướng đến việc uống nước trực tiếp tại vòi của khách hàng; đề xuất điều chỉnh quy hoạch hệ thống cấp nước; xây dựng, lắp đặt hệ thống thiết bị theo dõi, giám sát chặt chẽ chất lượng, lưu lượng áp lực trên mạng lưới cấp nước để chủ động, kịp thời ứng phó sự cố xảy ra…
Các em học sinh sử dụng nước sạch tại trường THCS Linh Trung (quận Thủ Đức, TP.HCM) từ công trình thanh niên cấp nước sạch miễn phí. Ảnh: An Hiếu - DT&MN/TTXVN
Các em học sinh sử dụng nước sạch tại trường THCS Linh Trung (quận Thủ Đức, TP.HCM) từ công trình thanh niên cấp nước sạch miễn phí. Ảnh: An Hiếu - DT&MN/TTXVN
Người dân TP.HCM sử dụng nước sạch trong sinh hoạt thường ngày. Ảnh: An Hiếu - DT&MN/TTXVN
Người dân TP.HCM sử dụng nước sạch trong sinh hoạt thường ngày. Ảnh: An Hiếu - DT&MN/TTXVN
Mới đây, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh quy hoạch cấp nước thành phố đến năm 2025 phù hợp tình hình thực tế hiện nay, đảm bảo an toàn cấp nước, bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời, đảm bảo duy trì 100% người dân nông thôn trên địa bàn thành phố được cung cấp nước sạch. Việc tiếp tục bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân các huyện vùng ven được xác định là một trong những tiêu chí và nhiệm vụ quan trọng trong định hướng xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt.
Thu Hương - DT&MN/TTXVN
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm