Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ:

Nữ thương binh hết lòng tri ân đồng đội đã hy sinh

Nữ thương binh hết lòng tri ân đồng đội đã hy sinh
Việc làm của cựu nữ biệt động thành này xuất phát từ tâm nguyện muốn được đền đáp sự hy sinh của những đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Được lập bàn thờ khi còn sống 
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Đức Hòa (Long An), ngay từ năm 15 tuổi, bà Lại Thị Kim Túy đã tham gia cách mạng, thường xuyên cùng nhân dân tham gia đấu tranh trực diện với địch thông qua các cuộc diễu hành, biểu tình lên án tội ác của giặc.  
 
Đầu năm 1967, bà Kim Túy tham gia vào tổng động viên với nhiệm vụ xây dựng cơ sở Phân khu 2 thuộc Biệt động vùng 3 cánh Tây Nam, hoạt động ở vùng ven Sài Gòn. Bà thường xuyên đóng vai người buôn bán nhỏ lẻ hoặc người đi tìm việc làm ở Sài Gòn để làm nhiệm vụ liên lạc và dẫn đường cho cán bộ, chiến sỹ cách mạng vào hoạt động trong thành phố. 
 
Tham gia cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, đêm 30 Tết Nguyên đán năm 1968, bà Kim Túy cùng 43 chiến sĩ trong đơn vị  tham gia đánh vào Phú Thọ Hòa (nay là phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh), với mục tiêu “đánh đồn diệt ác phá kiềm”. Trước sự tấn công dồn dập, của các chiến sỹ cách mạng, giặc đã phải bỏ địa bàn rút ra ngoài. Trong trận này, đơn vị của bà Kim Túy đã bắn cháy 3 xe bọc thép và bắn rơi 1 trực thăng địch.  
 
Ngày 13 tháng Giêng năm 1968, địch tổ chức phản công với số lượng đông gấp bội cùng sự yểm trợ của pháo binh, không quân, thiết giáp, khiến 38 đồng đội của bà hy sinh. 6 chiến sỹ còn lại vẫn quyết tâm chiến đấu với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Sau nhiều lần phá vây không thành, bà cùng 5 đồng đội được người dân địa phương che chở dẫn ra ngoài, vượt qua chốt kiểm soát của địch để trở về căn cứ. 
Bà Túy bên những tấm bằng Tổ quốc ghi công thân nhân trong gia đình . Ảnh: Xuân Khu - TTXVN
Bà Túy bên những tấm bằng Tổ quốc ghi công thân nhân trong gia đình . Ảnh: Xuân Khu - TTXVN
Ba tháng sau, khi về lại nhà ở Long An, bà Kim Túy sững sờ khi thấy ảnh mình trên bàn thờ của gia đình. Bà Túy nhớ lại: Sau đợt Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, gia đình không thấy bà trở về và nghe nói tất cả các chiến sỹ tham gia trận đánh với bà đã hy sinh, nên gia đình bà đã lập bàn thờ bà từ mấy tháng nay. Trong cảnh đoàn viên, bà Kim Túy vừa cảm thấy may mắn khi được sống nhờ sự che chở, bảo bọc của người dân, vừa xúc động, tiếc thương những đồng đội đã hy sinh vì đất nước.  
 
Hiếu nghĩa thay đồng đội đã hy sinh  
Tâm niệm phải làm những gì mà đồng đội đã hy sinh chưa kịp thực hiện, bà Kim Túy đã lặn lội đi tìm, rồi đón một số người thân của đồng đội về chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo. Bà đã phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Cúc - mẹ của một người đồng đội đã hy sinh .  
 
Trước đây, khi bà Kim Túy làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Mỹ (huyện Đức Hòa, Long An), con trai thứ ba của mẹ Cúc là Hoàng Đình Minh, lúc đó mới 17 tuổi đã đến gặp bà Kim Túy để xin theo bà tham gia cách mạng, chiến đấu ở địa phương. Bà Túy băn khoăn vì hai anh của Minh đã hy sinh (liệt sỹ Hoàng Đình Tha và liệt sỹ Anh hùng Lực lượng Vũ trang Hoàng Đình Nghĩa), nhưng Minh cương quyết đòi đi chiến đấu. Trước tinh thần, nhiệt huyết cách mạng của Minh, bà Túy đã đồng ý cho Minh tham gia chiến đấu. Nhưng chỉ một tuần sau đó thì Minh hy sinh. Cảm phục sự hy sinh dũng cảm của người con trai cuối cùng của gia đình mẹ Cúc, bà Túy nguyện sẽ làm thật tốt những gì mà Minh cùng 2 người anh trai chưa kịp làm cho gia đình.   
 
Sau ngày thống nhất đất nước, bà Túy đã nhiều lần đi tìm thông tin về gia đình liệt sỹ Minh, nhưng chỉ biết cha của liệt sỹ Minh đã mất còn mẹ của liệt sỹ đã chuyển chỗ ở nhiều lần. Đến năm 1995, qua thông tin của đồng đội, bà Túy biết mẹ Cúc lúc đó đang ở Tây Ninh với con gái. Qua mấy ngày dò tìm ở nhiều nơi, bà Túy đã tìm được mẹ Cúc lúc đó đã 80 tuổi, đang chữa bệnh tại bệnh viện Chương Dương, Tân Biên (Tây Ninh). Trước tình cảnh mẹ Cúc ốm đau, nằm liệt giường con cháu không có điều kiện chăm sóc do kinh tế khó khăn bà Cúc đã xin phép chính quyền đưa mẹ Cúc về Thành phố Hồ Chí Minh để chữa bệnh và chăm sóc mẹ. 
 
Sau khi mẹ Cúc khỏe lại, bà Túy đón mẹ Cúc cùng con gái của mẹ và 2 cháu ngoại bị nhiễm chất độc  da cam về chăm sóc tại nhà mình. Bà Túy nhập hộ khẩu và dành cả lầu 2 căn nhà của gia đình mình cho mẹ Cúc và con cháu ăn nghỉ, lo toan chu toàn như người thân ruột thịt trong gia đình. Suốt năm năm sau đó, bà Kim Túy như một người con hiếu hạnh, dành trọn tình cảm, thời gian chăm sóc mẹ Cúc, nâng giấc lúc đêm hôm, chăm sóc mẹ Cúc những lúc ốm đau, bệnh tật tuổi già. Mẹ Cúc vốn tuổi già lại thêm bệnh tật, thường xuyên rơi vào cảnh “ ba ngày khỏe, bảy ngày đau”, nên thời gian bà Túy ở bệnh viện bên mẹ Cúc còn nhiều hơn thời gian ở nhà.  
 
Nói về tấm lòng hiếu nghĩa đối với mẹ Cúc, bà Túy chia sẻ: Tôi chỉ muốn làm hết sức mình, bằng tấm lòng của mình đối với mẹ Cúc như đối với mẹ mình, để bù đắp những thiếu thốn mất mát của mẹ sau khi tiễn những người con trai lên đường chiến đấu rồi mãi mãi không trở về. Gia đình tôi có tới 6 liệt sỹ (cha ruột, chồng và 3 anh trai, một em gái của bà Túy là liệt sỹ), nên con cháu cũng thông hiểu, ủng hộ và chia sẻ với những việc làm của tôi đối với gia đình mẹ Cúc. 
 
Năm 2000, mẹ Cúc mất trong cảnh viên mãn tuổi già bên con cháu. Bà Túy tiếp tục cưu mang con cháu của mẹ Cúc, chăm sóc, lo công ăn việc làm, đưa đi chữa bệnh. Khi con gái mẹ Cúc (chị Hoàng Thị Ghì) có ý nguyện về quê, bà Túy đã vận động đóng góp xây dựng một căn nhà tình nghĩa, tạo điều kiện  để chị Ghì xây dựng cuộc sống ổn định. Đến nay, các con cháu mẹ Cúc vẫn luôn kính trọng, coi bà Túy là người trong gia đình.  
 
Năm nay đã ở tuổi 69, sức khỏe đã giảm sút, bà Kim Túy vẫn trông nom việc trùng tu đình Cầu Sơn- một ngôi đình có hơn 100 năm tuổi ở địa phương và cùng là là nơi từng nuôi giấu các cán bộ, chiến sỹ hoạt động cách mạng trong hai cuộc kháng chiến. Bà còn tiếp tục công việc tìm hiểu thông tin, tìm kiếm hài cốt các đồng đội đã hy sinh./.  
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm