Nữ sinh khuyết tật ước mơ làm cô giáo ngoại ngữ

Nữ sinh khuyết tật ước mơ làm cô giáo ngoại ngữ
Mặc dù Kỳ thi THPT quốc gia 2016 đã kết thúc, nhưng Thắm vẫn khá hồi hộp và lo lắng, bởi đây chính là dấu mốc quan trọng sau 12 năm nỗ lực, miệt mài với bao mồ hôi và những giọt nước mắt của cả gia đình cô bé giàu nghị lực này. Do bị cong vẹo cột sống bẩm sinh, lại phải ngồi viết nhiều, nên trong những ngày thi vừa qua sức khỏe của Thắm không được tốt, toàn thân đau nhức, thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt. Tuy nhiên, không vì thế mà cô bé từ bỏ ước mơ, em đã nỗ lực hoàn thành tốt từng môn thi, với sự hỗ trợ, chăm sóc tận tình của người mẹ hiền, tần tảo…   
Nhớ lại chặng đường đồng hành cùng con đến trường hơn 10 năm qua, chị Nguyễn Thị Tình (mẹ Thắm) cho biết: Thắm sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa. Thương con, chị nuốt nước mắt vào trong, cố gắng làm tất cả những gì có thể để bù đắp lại những thiệt thòi của con. Chăm một đứa trẻ bình thường đã khó, Thắm lại không có cả hai cánh tay, nên chị gần như phải bỏ mọi công việc đồng áng để ở nhà chăm sóc con.   
 
Nữ sinh khuyết tật ước mơ làm cô giáo ngoại ngữ ảnh 1
Lê Thị Thắm (trái) quyết tâm học tập để thực hiện ước mơ làm cô giáo. Ảnh: Trịnh Duy Hưng - TTXVN

Khi Thắm lên 4 tuổi, do điều kiện kinh tế quá khó khăn, chị Tình đành gửi con tới lớp mẫu giáo để đi làm thuê kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Dù khiếm khuyết đôi tay, nhưng Thắm vẫn từng ngày lớn lên trong sự hồn nhiên, vô tư như bao bạn bè cùng trang lứa. Những lúc không may vấp ngã, Thắm phải nhờ sự trợ giúp của người khác mới có thể đứng dậy được. Nhưng dần dần bằng ý chí, nghị lực, em đã tự đứng dậy bằng chính đôi chân của mình. Không những thế, Thắm còn tự đánh răng, rửa mặt, gấp chăn màn, dọn dẹp bàn học, đánh máy vi tính và giúp mẹ việc nhà.    
Gạt những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn khắc khổ, chị Tình cho biết thêm: Khoảng thời gian vất vả nhất của hai mẹ con là khi Thắm lên 5 tuổi, thấy các bạn tập viết, Thắm cũng đòi mẹ dạy viết. Luyện chữ cho đứa trẻ lành lặn đã khó, Thắm phải viết bằng chân nên càng gian nan bội phần. Bàn chân khô cứng lâu nay chỉ dùng để đi lại, giờ tập viết vô cùng khó khăn. Hai ngón chân kẹp bút để viết bị phồng rộp, tê cứng. Đau đớn nhưng Thắm vẫn cần mẫn nắn nót từng nét chữ. Sau thời gian khổ luyện, Thắm không những viết chữ đẹp mà còn biết thêu tranh để thư giãn những lúc rảnh rỗi. Nhìn những dòng chữ ngay ngắn, sạch đẹp và những bức tranh thêu sinh động được gia đình treo trang trọng trên tường mới thấy hết được nghị lực phi thường của cô nữ sinh khuyết tật.   
 
 Sự kiên trì của Thắm đã gặt hái được quả ngọt khi em liên tiếp dành được những danh hiệu khiến bạn bè nể phục. Từ lớp 1 đến lớp 12, Thắm đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và học sinh giỏi. Năm lớp 3 em đoạt giải Nhì cuộc thi vẽ tranh do Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Năm lớp 5 em đoạt giải Nhất thi viết chữ đẹp của huyện... Ngoài ra, Thắm còn nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của huyện Đông Sơn, của tỉnh Thanh Hóa…   

Em Lê Thị Thắm tham gia kỳ thi THPT Quốc gia 2016. Ảnh: Trịnh Duy Hưng - TTXVN
 Em Lê Thị Thắm tham gia kỳ thi THPT Quốc gia 2016. Ảnh: Trịnh Duy Hưng - TTXVN

Dù thuộc diện đặc cách xét tốt nghiệp nhưng Thắm vẫn quyết tâm và tự tin tham dự Kỳ thi THPT quốc gia 2016. Năm nay, em đăng ký vào khoa Ngoại Ngữ, Trường Đại học Hồng Đức Thanh Hóa. Thắm cho biết: Em ước mơ trở thành cô giáo dạy ngoại ngữ cho các em nhỏ tại quê nhà.  

Thầy giáo Lương Hữu Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Sơn I, Thanh Hóa cho biết: Thắm là một học trò đặc biệt của nhà trường. Mặc dù khiếm khuyết cơ thể, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng vượt lên trên số phận em vẫn khát khao được học và nỗ lực hết mình để đạt được ước mơ. Nhà trường và các tổ chức, đoàn thể xã hội của huyện Đông Sơn và tỉnh Thanh Hóa luôn dành cho em sự quan tâm đặc biệt cả về vật chất và tinh thần.   
 
Cánh cửa vào đại học vẫn đang rộng mở đối với Thắm. Tuy nhiên, do điều kiện sức khỏe và hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chặng đường phía trước của em còn nhiều chông gai, vất vả. Thắm vẫn đang rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội để em có thể đến gần hơn với ước mơ của mình...

Có thể bạn quan tâm