Thừa Thiên-Huế xã hội hóa để tạo thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Thừa Thiên-Huế xã hội hóa để tạo thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Xã Quảng Phước là một trong 3 xã của huyện Quảng Điền đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Ảnh: thuathienhue.gov.vn
Xã Quảng Phước là một trong 3 xã của huyện Quảng Điền đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Ảnh: thuathienhue.gov.vn
Điển hình, Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm trong các năm từ 2017 -2019 đã tài trợ Thừa Thiên - Huế gần 5.500 tấn xi măng xây dựng nông thôn mới. Ông Phạm Quyền, Phó Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp; trong đó tiên phong là Công ty Xi măng Đồng Lâm là những việc làm thiết thực, làm giảm gánh nặng ngân sách và đóng góp của nhân dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là các địa phương vùng sâu vùng xa và miền núi. Nổi bật, A Lưới là một trong 2 huyện miền núi còn rất khó khăn về kinh tế và đường giao thông, nhưng sau nhiều năm được Công ty cổ phàn xi măng Đồng Lâm tài trợ, nhiều tuyến đường huyện đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Điển hình, xã Phú Vinh (huyện A Lưới) đã được Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm hỗ trợ 260 tấn xi măng để làm 7 con đường dài 3km. Chính từ sự hỗ trợ kịp thời này đã giúp xã Phú Vinh, là xã thứ 3 của huyện miền núi A Lưới đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài xã Phú Vinh, tại A Lưới còn nhiều xã khác như Sơn Thủy, Bắc Sơn, Hiệp Sơn… cũng đã được công ty hỗ trợ hàng trăm tấn xi măng để xây dựng, nâng cấp các trục đường, hệ thống trạm bơm, kênh mương, trung tâm thương mại xã, giúp các địa phương này hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Xã hội hóa nguồn vốn xây dựng nông thôn mới ở Thừa Thiên - Huế hiện đang góp phần huy động nguồn lực, đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công ngày càng hạn hẹp, thu hút cộng đồng doanh nghiệp, người dân tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng hạ tầng xã hội. Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong tỉnh lựa chọn các tiêu chí phù hợp để thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới. Là một huyện điểm về xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Quảng Điền đã có 5/10 xã đạt xã nông thôn mới. Quảng Điền đang phấn đấu xây dựng thành huyện nông thôn mới vào cuối năm 2020. Kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới của huyện là thực hiện các tiêu chí "dễ làm trước khó làm sau"; các tiêu chí không cần hoặc cần ít nguồn lực đầu tư thì tập trung triển khai trước; các tiêu chí có nguồn đầu tư lớn như hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, trường học, nhà văn hóa,…phải đặt mục tiêu lâu dài và có bước đi phù hợp để bảo đảm cân đối nguồn lực, tránh lãng phí trong đầu tư. Theo ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, với quan điểm xây dựng nông thôn mới là một quá trình liên tục, không có điểm kết thúc, huyện đã chọn 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Quảng Thọ và Quảng Phú) để xây dựng xã điểm nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng các mô hình thôn kiểu mẫu, vườn mẫu; đồng thời, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... Xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền đã chọn tiêu chí nâng cao thu nhập bình quân đầu người làm "đòn bẩy" trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Để nâng cao thu nhập, đời sống người dân, cùng với kết cấu hạ tầng xã biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội. Các cấp, ngành tổ chức vận động, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các hộ gia đình mua máy cày đất, thu hoạch nông sản nhằm giảm chi phí đầu tư trong khâu sản xuất và thu hoạch. Xã đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ với một số doanh nghiệp sản xuất lúa giống, rau má. Năm 2019, xã Quảng Thọ đã xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm an toàn, mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng đến nâng cao thu nhập của người dân địa phương từ nông nghiệp... Hiện nay, mức thu nhập bình quân của người dân xã Quảng Thọ là 36 triệu đồng/người/năm, thu nhập chính từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở khu vực nông thôn. Vì vậy, cùng với triển khai các chính sách theo các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất; nhất là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp và nông thôn toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm đầu tư và hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất trên cơ sở các đề án, dự án của địa phương; trong đó ưu tiên các mô hình, dự án hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị), các mô hình nhằm thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" để nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo... Năm 2019, tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu có thêm 10 -14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên từ 54- 58 xã/104 xã, tương đương tỷ lệ 51,9% - 55,7%. Thị xã Hương Thủy phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Quảng Điền và Nam Đông có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Quốc Việt 

Có thể bạn quan tâm