Thừa Thiên - Huế huy động thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Thừa Thiên - Huế huy động thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: nongthonmoithuathienhue.vn
Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng nông thôn mới.
Ảnh: nongthonmoithuathienhue.vn
Điển hình là thị xã Hương Thủy cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; các huyện Nam Đông, Quảng Điền đạt 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để tăng thêm nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh đã huy động tổng các nguồn lực hơn 2.156 tỷ đồng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó, vốn đầu tư phát triển 541,607 tỷ đồng, còn lại là vốn sự nghiệp. Đến đầu tháng 9/2019, khối lượng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đạt tỉ lệ khoảng 40% so với kế hoạch. Đáng chú ý, khối lượng giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 53,2%; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt 50%. Thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị định 161 về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện nhiều công trình đường bê tông nông thôn. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành và phát huy hiệu quả, công trình đảm bảo chất lượng, mỹ thuật; công tác lựa chọn đấu thầu qua mạng đạt tỉ lệ 40% tổng số công trình. Trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, trong điều kiện khó khăn về huy động nguồn lực, tỉnh đã tăng cường huy động, đa dạng hóa các nguồn vốn, bố trí nguồn vốn hợp lý, đảm bảo hiệu quả đầu tư thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực xây dựng nông thôn mới, huy động nguồn lực tại chỗ, nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Phương khẳng định, thời gian tới, tỉnh tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng; nghiên cứu, điều chỉnh theo hướng "mềm hóa" một số tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Cụ thể như tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất để phù hợp với điều kiện địa phương; các tiêu chí về xây dựng thiết chế ở nông thôn như: nghĩa trang liên xã, nhà văn hóa, khu thể thao liên xã, liên thôn… cần quy định rõ để sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, phát huy hiệu quả các thiết chế nông thôn mới trên địa bàn, tránh lãng phí. Thực tế, tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới được xác định là một trong những tiêu chí quan trọng, có vai trò đầu tàu thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các địa phương. Song ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là ở các xã nông thôn mới, tiêu chí này lại đang là khó khăn, thách thức đối với hầu hết các địa phương hiện nay. Đó là, nội dung của tiêu chí số 13 nêu rõ, để đạt tiêu chí này mỗi xã phải có ít nhất một hợp tác xã hoặc tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, số hộ nông dân tham gia là xã viên và có góp vốn chiếm 50% tổng số hộ nông dân trên địa bàn, để từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, theo quy định, một hợp tác xã hiệu quả phải thực hiện được các dịch vụ cơ bản như: thủy lợi, cung cấp cây trồng, con giống và tiêu thụ nông sản; hoạt động ổn định, làm ăn có hiệu quả trong 3 năm liên tiếp; đồng thời phải thực hiện được chế độ kế toán thống kê, báo cáo tài chính… Để thỏa mãn được trọn vẹn các yêu cầu trên, ngay cả các địa phương đã hoàn thành tiêu chí này cũng vẫn còn nhiều băn khoăn. Bởi đa số các xã trên địa bàn tỉnh hiện nay có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, lợi nhuận ít, hiệu quả hoạt động không cao. Nhiều thành viên sau khi tham gia chưa thật sự thiết tha với mô hình này...
Quốc Việt

Có thể bạn quan tâm