Thay đổi diện mạo nông thôn mới ở Kiên Giang

Thay đổi diện mạo nông thôn mới ở Kiên Giang
Đường giao thông nông thôn ở ấp Ranh Hạt, xã Vĩnh Thuận được đổ bê tông, tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
 Đường giao thông nông thôn ở ấp Ranh Hạt, xã Vĩnh Thuận được đổ bê tông, tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chia sẻ: “Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới ở tỉnh thực sự đi vào cuộc sống, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân đồng thuận hưởng ứng tích cực, góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật - kinh tế xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thủy lợi… được đầu tư cơ bản, ngày càng đồng bộ và hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất, giá trị lao động cho lao động nông thôn và nâng thu nhập cho nông dân”. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, ước tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 của tỉnh này khoảng 29.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp, vốn tín dụng… Trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn, với 100% xã trong đất liền có đường ô tô đến trung tâm, đường ấp - liên ấp nhựa hóa, bê tông hóa. Đến nay, giao thông nông thôn trên địa bàn Kiên Giang đạt hơn 81% km đường nội xã, liên ấp đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Hệ thống giao thông này đã xóa đi những chiếc “cầu khỉ” khó đi, đường đất lầy lội vào mùa mưa, phục vụ việc đi lại của nhân dân thuận tiện, dễ dàng trong hai mùa mưa nắng, góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa quy mô lớn và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn. Tiếp đến, tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi theo hướng đồng bộ, hoàn chỉnh, đa mục tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, hiện nay, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản phục vụ tốt tưới tiêu, kiểm soát lũ, nước mặn xâm nhập và từng bước đáp ứng phục vụ nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp ở hai huyện Kiên Lương và Giang Thành. Cụ thể, tỉnh xây dựng hệ thống 117 cống thủy lợi trên đê sông, đê biển; kiên cố hóa hơn 2.700 km kênh mương; cải tạo, nâng cấp trên 600 công trình thủy lợi nội đồng; xây dựng, lắp đặt 1.252 trạm bơm… Hệ thống kênh thoát lũ, dẫn ngọt vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu đáp ứng tưới tiêu, ngăn mặn để sản xuất 2 vụ lúa ổn định và trên 90.000 ha có khả năng sản xuất lúa 3 vụ/năm. Nhờ vậy, tổng sản lượng lúa năm 2019 của Kiên Giang đạt trên dưới 4,3 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản hơn 256.000 tấn; trong đó có 78.000 tấn tôm nuôi. Ngoài ra, hệ thống điện được tỉnh đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp và đã có điện lưới quốc gia phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân vùng lõm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, đặc biệt là đảo Phú Quốc và một số xã đảo của huyện Kiên Hải, Kiên Lương, thành phố Hà Tiên và xây dựng các trạm phát điện trên các xã đảo chưa có điện lưới quốc gia. Hiện nay, Kiên Giang có 100% xã có điện sinh hoạt, với tỷ lệ hộ dân sử dụng điện an toàn đạt hơn 99%. Cùng với đó, hệ thống trường lớp, thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở được tỉnh đầu tư phát triển ngày càng khang trang, sạch đẹp. Việc phát triển hệ thống trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa cơ sở tại các xã nông thôn mới cùng với hệ thống đường giao thông, lưới điện khá đồng bộ đã hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên diện mạo mới nổi bật của nông thôn Kiên Giang. Đến thăm xã nông thôn mới Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), chúng tôi hòa vào niềm vui chung của bà con nơi đây. Hầu như đường làng, ngõ xóm trên địa bàn xã đều “cứng hóa”, các em học sinh đến trường và người dân đi lại thuận tiện, dễ dàng. Đêm về, từng xóm ấp, hộ gia đình ánh điện sáng rực thay cho ánh đèn dầu leo lét, nhất là những công trình “Thắp sáng đường quê” rực sáng như tiếp thêm sức sống mới cho vùng nông thôn Vĩnh Thuận. Ông Trần Văn Lộc ở ấp Ranh Hạt, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) phấn khởi nói: “Vĩnh Thuận là vùng chiến tranh tiếp giáp với hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu. Hơn 10 năm trước, ở đây làm gì có đường xi măng cho xe honda chạy; buổi tối người dân đốt đèn dầu sinh hoạt, xem ti vi trắng đen bằng bình ắc-quy làm gì có điện thắp sáng, xem ti vi màu; học trò đi học trường làng cất bằng cây lá tạm, làm gì có trường lớp học kiên cố, khang trang, sạch đẹp như bây giờ. Nhờ xây dựng nông thôn mới mà cuộc sống người dân vùng nông thôn Vĩnh Thuận không còn kém xa thành phố Rạch Giá hay trung tâm phố thị huyện, nhà cửa khang trang, bà con phấn khởi lắm !” Ông Lê Văn Cól, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cho biết: “Xây dựng nông thôn mới, xã vận động nhân dân thực hiện tốt 15 phần việc của hộ gia đình và 12 phần việc của ấp. Hiện nay, Vĩnh Thuận đã đạt xã nông thôn mới nên ngoài hưởng lợi về cầu, đường, trường, trạm… nông dân trong xã có điều kiện phát triển mạnh nuôi tôm càng xanh, mô hình tôm - lúa, sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn, trồng màu trong phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập. Bộ mặt nông thôn của xã khởi sắc và tiếp tục trên đà phát triển”. Thực hiện xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - kinh tế xã hội trên địa bàn; trong đó, chú trọng nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng nông thôn đảm bảo đồng bộ, phục vụ tốt hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Hạ tầng nông thôn này góp phần thu hút đầu tư vào nông thôn, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và làm chuyển biến mạnh mẽ diện mạo nông thôn, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của nhân dân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai An Nhịn nhấn mạnh.
Lê Huy Hải

Có thể bạn quan tâm