Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở vùng cao Yên Bái

Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở vùng cao Yên Bái
Người dân xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Đức Tưởng-TTXVN
Người dân xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Đức Tưởng-TTXVN

Trình độ dân trí nhiều khu vực còn thấp do phần lớn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số và quen với lối sống lạc hậu, nhà cửa chưa gọn gàng, chăn nuôi gia súc thả rông, không có hệ thống công trình vệ sinh, hố rác; đặc biệt, bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng thường vứt bỏ bừa bãi ra môi trường.

Trong khi đó, người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp với tập quán canh tác còn lạc hậu, tư tưởng tự sản tự tiêu, trông chờ vào hái lượm vẫn nặng nề nên thu nhập thấp. Tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là ở hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải...

Để tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng cao, Yên Bái đã đưa ra và thực hiện bộ tiêu chí thôn nông thôn mới nhằm khuyến khích tinh thần người dân vùng cao. Tỉnh hướng dẫn chính quyền tập trung làm mô hình điểm, sau đó nhân rộng ra các thôn khác trong xã.

Nhờ đó, khuyến khích được người dân vùng cao Yên Bái tham gia vào phong trào xây dựng nông thôn mới, hướng đến xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống.

Đi đầu trong phong trào xây dựng thôn nông thôn mới phải kể đến Thôn Khuôn Bổ ở xã Hồng Ca (xã vùng cao đặc biệt khó khăn), huyện Trấn Yên. Hầu hết người dân trong thôn là đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Ông Nguyễn Đình Chiến - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết, để bắt tay vào xây dựng thôn nông thôn mới ở thôn Khuôn Bổ, huyện đã cử người hướng dẫn trực tiếp cho cán bộ tại thôn và cùng họ đến từng hộ dân vận động, hướng dẫn làm lại chuồng trại chăn nuôi, trồng trọt,  ao vườn, nhà ở nhằm tập trung phát triển kinh tế.

Đến nay, các thôn vùng cao khác của xã cũng đã hoàn thành nhiều tiêu chí thôn nông thôn mới; trong đó, xã Hồng Ca đang chờ tỉnh thẩm định, công nhận là xã nông thôn mới.

Bà Tráng Thị Nhà - Bí thư thôn Khuôn Bổ khẳng định, xây dựng thôn nông thôn mới đã giúp thôn Khuôn Bổ thay đổi. Cán bộ đến từng nhà vận động người dân thay đổi nếp sống, cải tạo vườn tạp, trồng tre măng Bát độ, trồng quế, trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm,… Thôn đã có nhà văn hóa khang trang, đường trục chính được bê tông hóa trên 70%, toàn bộ các hộ dân của thôn có điện thắp sáng, nhà dân trong thôn đã được xây sửa hợp lý có vệ sinh đang hoàng...

Tính đến hết năm 2018, thu nhập bình quân đã đạt 30 triệu đồng/người/năm, không còn hộ đói, hộ nghèo giảm xuống dưới 10%. Hiện nay Khuôn Bổ đang được lựa chọn để xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Cùng đó, tỉnh cũng có những chính sách hỗ trợ sản xuất cho người dân. Thông qua các doanh nghiệp, tỉnh đầu tư phân bón, giống cây trồng vật nuôi cho người dân thực hiện các mô hình liên kết sản xuất đồng thời bao tiêu đầu ra sản phẩm.

Hiện Yên Bái tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy tiềm năng đất đai và khí hậu từng vùng để phát triển kinh tế.

Đặc biệt, tỉnh ưu tiên phát triển thế mạnh của từng vùng về cây ăn quả, dược liệu, cây đặc sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, lâm nghiệp,... Thu nhập của người dân được đảm bảo ổn định sẽ góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần.

Yên Bái đồng thời chú trọng việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân vùng cao, vùng dân tộc thiểu số nêu cao ý thức vệ sinh môi trường; chủ động và tự giác hơn trong việc thu gom rác thải, chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà và không thả rông gia súc. Kết hợp với giữ gìn vệ sinh môi trường, các địa phương cũng cải tạo môi trường, phát triển mô hình thôn, bản xanh, sạch tạo tiền đề cho phát triển du lịch cộng đồng tại một số khu vực thu hút khách du lịch tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải.

Ngọc Anh
TTXVN

Có thể bạn quan tâm