Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới
Theo đó, huyện cần phấn đấu 10/10 xã đạt 19 tiêu chí và huyện được Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trước ngày 30/4/2020.
Trao tặng Giấy khen của Ủy ban nhân huyện Hóc Môn(Thành phố Hồ Chí Minh) cho các tập thể có thành tích trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Trao tặng Giấy khen của Ủy ban nhân huyện Hóc Môn(Thành phố Hồ Chí Minh) cho các tập thể có thành tích trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN  
Theo ông Lê Thanh Liêm, trong giai đoạn 2011-2015, huyện Hóc Môn đã được công nhận huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, quá trình xây dựng nông thôn mới ở giai đoạn 2 cần có sự kế thừa và liên tục nhằm tiếp tục thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao thu nhập của người dân. Huyện cần đề ra các giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình thực tế cụ thể ở từng xã, từng khu vực.
  
Nông nghiệp đô thị là nông nghiệp sản sạch áp dụng công nghệ cao, huyện Hóc Môn đang có những mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả; trong đó, có các mô hình trồng cây cảnh, nấm, dưa lưới trong nhà màng, rau thủy canh, rau củ quả sạch, chăn nuôi bò sữa, cá cảnh.

Huyện cần duy trì, phát huy và nhân rộng các mô hình này, phấn đấu đi đầu về các mô hình nông nghiệp đô thị trong xây dựng nông thôn mới tại Thành phố Hồ Chí Minh.
  
Chia sẻ kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2017, bà Đỗ Thị Lâm Tuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, hiện 10 xã nông thôn mới của huyện đạt 7-11/19 tiêu chí, huyện đạt 5 tiêu chí nông thôn mới theo Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 51,9 triệu đồng/năm, huyện phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 63 triệu đồng/năm.
 
Huyện Hóc Môn đã xây dựng vùng sản xuất rau muống nước theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nhị Bình với diện tích canh tác gần 50 ha của 89 hộ, có thị trường tiêu thụ ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ dân.
 
Bên cạnh đó, huyện  cũng thường xuyên mở các lớp tập huấn và dạy nghề nông nghiệp cho người dân với các mô hình ứng dụng công nghệ hiện đại, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, tập trung vào trồng rau ăn lá, rau thủy canh, dưa lưới, nuôi bò sữa chất lượng cao, nuôi heo trên đệm lót sinh học.
 
Với những công tác này, trên địa bàn huyện Hóc Môn đã thành lập được 17 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, 1 hội làm vườn, 1 hội sinh vật cảnh và các câu lạc bộ ngành nghề hoạt động hiệu quả.
 
Đối với giải pháp thực hiện xây dựng nông thôn mới trong năm 2018, ông Nguyễn Cư, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Hóc Môn chia sẻ, xây dựng nông thôn mới đã nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thay đổi bộ mặt nông thôn ở các xã của huyện Hóc Môn.
 
Vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là các tiêu chí về thu nhập, tổ chức sản xuất, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Huyện cũng sẽ tăng cường tổ chức tập huấn, chuyển giao mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, xây dựng các mô hình hợp tác xã tiên tiến và thực hiện nhân rộng trên địa bàn huyện.
  
Ông Nguyễn Sĩ Phước, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hóc Môn cho biết, điểm mạnh trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Hóc Môn là các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị được đầu tư trang thiết bị hiện đại như các mô hình trồng lan chậu, trồng cây cảnh, trồng dưa lưới trong nhà màng, trồng rau thủy canh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Đặc biệt, mô hình trồng lan chậu của hộ bà Nguyễn Thị Hạ ở xã Xuân Thới Sơn rộng 4.000 m2, thu nhập mỗi tháng gần 70 triệu đồng, trại gà lớn nhất huyện của hộ bà Nguyễn Thị Lạc ở xã Tân Thới Nhì với số lượng lên đến 100.000 con, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng với diện tích 2.500 m2, thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng của hộ ông Lê Nguyễn Cẩm Tú tại xã Tân Hiệp.
 
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh tế nông nghiệp, ông Nguyễn Sĩ Phước đề xuất mỗi xã nông thôn mới ở Hóc Môn ngoài duy trì các mô hình sản xuất hiện có cần xây dựng thêm ít nhất một mô hình sản xuất mới theo hướng hiện đại, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của huyện như rau củ quả, nấm, trồng lan chậu, lan cắt cành, cây cảnh…
 
Hợp tác xã thương mại dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Mai Hoa là 1 trong 7 hợp tác xã được Thành phố Hồ Chí Minh chọn xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến, hiện đại giai đoạn 2016-2020. Với 20 xã viên, sản xuất trên diện tích 20 ha, doanh thu năm 2017 của Hợp tác xã Mai Hoa đã đạt 4 tỷ đồng.
 
Hợp tác xã chuyên sản xuất và cung cấp các loại rau ăn lá, cây ăn quả ngắn ngày với sản lượng 3,5 tấn/ngày, chế biến sản phẩm từ nông sản cung cấp cho hệ thống cửa hàng tiện lợi và siêu thị thuộc tập đoàn Vingroup cũng như cung cấp cho bếp ăn các công ty, trường học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Theo ông Trần Văn Thơm, Phó Giám đốc Hợp tác xã Mai Hoa, nhằm phát triển quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm, Hợp tác xã sẽ liên kết với các doanh nghiệp ở thành phố Đà Lạt để cung cấp rau củ quả tươi nhập từ Đà Lạt, liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện Hóc Môn sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP và ký hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ./.
  Nguyễn Xuân Dự

Có thể bạn quan tâm