Ninh Thuận nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động trong xây dựng nông thôn mới

Ninh Thuận nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động trong xây dựng nông thôn mới
Dạy may công nghiệp cho lao động địa phương tại trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận. Ảnh: Công Thử - TTXVN
 Dạy may công nghiệp cho lao động địa phương tại trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình, công tác đào tạo nghề và đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được tỉnh quan tâm, triển khai hiệu quả. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Nếu như năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 43,7%, đến năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở địa phương đạt khá cao với 56,86%. Chất lượng và hiệu quả đào tạo được nâng lên đáng kể, góp phần giải quyết việc làm, hướng đến giảm nghèo bền vững tại khu vực nông thôn. Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục phát huy hiệu quả, ngoài việc lồng ghép các chương trình, đề án, dự án của Trung ương, tỉnh sẽ huy động nguồn lực tập trung phát triển các ngành, nghề đào tạo, bổ sung danh mục đào tạo nghề gắn với quy hoạch, chiến lược phát triển của địa phương. Từ đó, giúp người lao động sau khi được đào tạo có việc làm và thu nhập ổn định. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ được chuyển hóa mạnh mẽ từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động, phù hợp với điều kiện kinh tế và trình độ học vấn của người lao động cũng như yêu cầu của thị trường lao động hiện nay.
Nhiều lao động sau khi đào tạo đã được doanh nghiệp may Tiến Thuận Ninh Thuận bố trí việc làm ổn định. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Nhiều lao động sau khi đào tạo đã được doanh nghiệp may Tiến Thuận Ninh Thuận bố trí việc làm ổn định. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh Ninh Thuận đang huy động tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, hợp tác xã có đăng ký hoạt động dạy nghề tập trung đào tạo nghề một cách đa dạng, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, lấy thực hành là chính, đảm bảo chất lượng và hiệu quả đầu ra cho học viên sau khóa học. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận Trần Văn Trưa cho biết, Sở đã phối hợp với các ngành liên quan rà soát, lựa chọn cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện tham gia dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; ưu tiên lựa chọn các cơ sở có kinh nghiệm dạy nghề nông nghiệp, có cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy tốt để tham gia đào tạo. Qua đó, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Ninh Thuận hiện có gần 20 cơ sở tham gia đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho lao động nông thôn, chủ yếu các ngành, nghề như: Kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên đi biển; đào tạo nghề may, đan len công nghiệp; lái xe ô tô; kỹ thuật xây dựng… Năm 2018, tỉnh Ninh Thuận đã huy động kinh phí hơn 5,3 tỷ đồng từ các chương trình, dự án của tỉnh để hỗ trợ và đào tạo được 2.902 lao động. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, với kết quả đã đạt được cũng như mục tiêu đào tạo đưa ra, dự kiến giai đoạn 2019 - 2020, toàn tỉnh có 65/65 xã, phường và thị trấn đạt tiêu chí “tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới theo Quyết định 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
 Công Thử       

Có thể bạn quan tâm