Người Hà Nhì “bốn nhất” ở Sín Thầu

Người Hà Nhì “bốn nhất” ở Sín Thầu
Đuổi thuốc phiện ra khỏi bản làng

Trước năm 1990, nhà nào ở Sín Thầu cũng trồng thuốc phiện. Cả xã khi đó có hơn 1.300 người thì đã có tới gần 110 người nghiện. Thuốc phiện đã khiến sức khỏe của bà con suy yếu, trở nên lười biếng, bỏ hoang nương rẫy, nghèo đói bủa vây khắp bản làng. Lúc dân bản khốn khó nhất, ông Sinh là một trong những người tiên phong ở Sín Thầu tuyên truyền, vận động và giúp bà con cai nghiện thành công.

Để bà con nghe theo những lời mình nói, ông Pờ Dần Sinh đã vận động, thuyết phục mẹ vợ là bà Pờ Lồng Sừ, người đã nghiện suốt mấy chục năm và người em vợ Sừng Khai thực hiện cai nghiện tại nhà trước. Với mong muốn bà Pờ Lồng Sừ từ bỏ được thuốc phiện, vợ chồng ông đã đưa bà về nhà ông để cai nghiện. Hàng ngày vợ ông sẽ chăm sóc, động viên bà vượt qua những cơn thèm thuốc. Do sức khỏe yếu, tuổi đã cao nên bà Pờ Lồng Sừ phải cai đến 3 lần mới thành công. Từ đây, ông lần lượt vận động những người nghiện khác trong xã tham gia cai.
 
Ông Pờ Dần Sinh cùng trao đổi với bộ đội biên về việc giữ gìn, bảo vệ an ninh biên giới .
Ông Pờ Dần Sinh cùng trao đổi với bộ đội biên về việc giữ gìn, bảo vệ an ninh biên giới .
“Người có độ tuổi trên 35 tuổi, chúng tôi giữ lại tại Ủy ban nhân dân xã lao động công ích, mục đích là để họ cách ly với thuốc phiện. Người dưới 35 tuổi, cai nghiện bằng cách cho tham gia làm nhà giúp bà con khu vực biên giới. Sau 3 tháng kiên trì cai, dưới sự giám sát của lãnh đạo xã, những người có uy tín, hầu hết bà con ở Sín Thầu đã từ bỏ được thuốc phiện” - ông Pờ Dần Sinh chia sẻ.

Đóng góp lớn lao của ông Pờ Dần Sinh đã giúp Sín Thầu ngày nay vươn lên trở thành địa phương tiêu biểu với “bốn không”. Đó là xã duy nhất trong huyện Mường Nhé không có người nghiện, không phá rừng, không di cư và không có truyền đạo trái phép.

Bảo tồn văn hóa dân tộc

Đời sống bà con dần ổn định, kinh tế gia đình ngày một khấm khá, ông Pờ Dần Sinh nhận thấy, nhiều nét văn hóa của người Hà Nhì đang dần bị mai một. Vì thế, ông luôn trăn trở là làm sao để có thể lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của người Hà Nhì, gìn giữ cho các thế hệ con cháu.

Nghĩ là làm, ông bắt tay vào việc sưu tầm những câu chuyện kể truyền miệng của người Hà Nhì; những phong tục tập quán tốt đẹp, những câu hát, điệu lý Hà Nhì cổ... Nghe nói bản nào có người am hiểu sâu sắc một nét văn hóa nào của người Hà Nhì là ông lặn lội tìm đến để nghe, rồi ghi chép cẩn thận vào một cuốn sổ nhỏ.

Khi đã am hiểu sâu sắc về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, ông Pờ Dần Sinh tuyên tuyền lại cho bà con trong các buổi họp bản để mọi người hiểu và noi gương thế hệ trước trong việc thực hiện nếp sống mới và dần từ bỏ các tập tục lạc hậu… Năm 2016, Chủ tịch nước đã trao tặng ông danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa dân gian vì có công nắm giữ, truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống.
 
Nhờ có những nghệ nhân như ông Pờ Dần Sinh, bản sắc văn hóa của người Hà Nhì được lưu giữ tới thế hệ sau.
Nhờ có những nghệ nhân như ông Pờ Dần Sinh, bản sắc văn hóa của người Hà Nhì được lưu giữ tới thế hệ sau.
Với lối sống giản dị, cần cù, sáng tạo, gương mẫu nên uy tín của ông trong cộng đồng rất cao. Nhiều gia đình trong xã muốn cho con cái đi học cũng đến nhà hỏi ý kiến ông. Hay như các đội văn nghệ thôn, bản khi có chương trình biểu diễn cũng thường tìm ông để nhờ hướng dẫn, góp ý thêm...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, ông Lê Thành Đô cho biết: Ông Pờ Dần Sinh là một trong những lãnh đạo xã có uy tín nhất; giúp địa phương xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn hóa mới. Pờ Dần Sinh là một minh chứng sống động cho vai trò, ý nghĩa lớn lao của già làng, trưởng bản, nghệ nhân có uy tín trong phong trào xây dựng nếp sống mới; đồng thời bảo tồn và phát huy văn hóa cộng đồng.
 
 Với nhiều năm chăm chỉ, cần cù lao động, đến nay ông Pờ Dần Sinh đã nắm giữ trong tay 6000 m2 ao nuôi cá; 50 con trâu, bò; 7 ha sa nhân bắt đầu cho thu hoạch và vài chục con lợn thịt… Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, ông có thu nhập vài trăm triệu đồng. Để giảm thiểu sức lao động trong sản xuất, ông tiên phong mua sắm các máy móc: máy xay xát; công nông làm đất, chở hàng; mua xe máy để đi lại cho thuận tiện…

Theo Langvietonline.vn
langvietonline.vn (Làng Văn hóa Du lịch Các dân tộc Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm