Người “giữ lửa” cho nghề truyền thống ở Gò Công

Người “giữ lửa” cho nghề truyền thống ở Gò Công
Năm 18 tuổi, ông Nam chính thức học nghề dưới sự chỉ dạy của người cha. Nhờ sự yêu nghề, cầu tiến, ham học hỏi chỉ trong một thời gian ngắn, ông Nam đã có tay nghề thành thạo và có thể tự tay đóng những chiếc tủ thờ tinh xảo, có giá trị kinh tế. Sau khi học nghề xong, đến năm 24 tuổi, ông Nam mở cơ sở mộc “Hai Á”, chuyên sản xuất tủ thờ và bàn ghế bằng gỗ các loại. 

Nhớ về những ngày đầu chập chững vào nghề, ông Nam chia sẻ, “thời điểm đó, mặt hàng tủ thờ chủ yếu là sản xuất nhỏ, mấy tháng mới hoàn thành một sản phẩm, hàng bán mang tính trao đổi. Cũng có thời điểm, nghề này mai một vì không đem lại nguồn sống cho người làm ra sản phẩm”. 

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Tuy vậy, với lòng yêu nghề, ông Nam vẫn kiên trì đeo đuổi nghề cho đến ngày nay. Ông Nam cho biết, nghề đóng tủ thờ độc đáo ở chỗ là không ai học hỏi được. Bởi mỗi chiếc tủ thờ có nhiều công đoạn, mỗi người thợ chuyên về một công đoạn. Trước đây, khi người thợ đóng tủ thờ bằng thủ công sau vài ba tháng mới hoàn thành một cây tủ thờ. Còn hiện nay, máy móc hiện đại và sản xuất theo dây chuyền, tốp thợ làm chỉ mười ngày là xong cây tủ. 

Ðiều đặc biệt nhất của chiếc tủ thờ Gò Công là các mối nối đều sử dụng mộng bằng gỗ, chốt gỗ để ráp lại vừa khít, không sử dụng cây đinh sắt, thép đóng vào thân tủ. Giá trị của tủ thờ nằm ở các chi tiết như trụ, ốc, xà cừ và chất liệu gỗ. Tủ càng nhiều trụ càng đắt tiền bởi phải sử dụng nhiều gỗ quý và xà cừ. Tuy máy móc làm thay người, nhưng tủ thờ đòi hỏi phải kỳ công nhất là sự khéo léo đôi tay và tinh mắt của người thợ. 

Đến nay, ông Phạm Văn Nam đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề đóng tủ thờ truyền thống. Hiện cơ sở đóng tủ thờ Hai Á, do ông Nam làm chủ đã phát triển được 4 cơ sở, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động, với thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi năm cơ sở của ông Nam đóng khoảng 250 - 300 chiếc tủ thờ, phổ biến nhất là loại tủ thờ từ 9 - 21 trụ, cá biệt có loại tủ thờ lên đến 30 trụ. Doanh số mỗi năm của cơ sở đạt khoảng 10 tỷ đồng. Giá các loại tủ thờ dao động từ 15 - 400 triệu đồng/cái, tùy theo yêu cầu của khách hàng. 

Ông Nam tâm sự: “Sở dĩ tủ thờ Gò Công ngày càng được nhiều người yêu thích là do ở hình thức trang nhã, tôn nghiêm, bền đẹp theo thời gian, đồng thời chiếc tủ như một tác phẩm nghệ thuật. Chiếc tủ thờ Gò Công được đóng bằng các loại gỗ tốt như: gõ, mun, cẩm lai,... Họa tiết, hoa văn, hình ảnh chạm trỗ, cẩn trên mặt tủ, thân tủ đều làm bằng ốc trai, xà cừ, đánh véc-ni bóng lộn. Thân tủ lấp lánh hình ảnh những linh vật, các tích xưa, phong cảnh non sông, tứ quý... Chiếc tủ thờ Gò Công bao gồm 16 chi tiết và phải mất 5 kíp thợ riêng biệt gồm cưa, mộc, cẩn, tiện, sơn mới làm thành phẩm. 

Để làm ra được chiếc tủ thờ được người tiêu dùng ưa chuộng, cơ sở của ông Nam luôn tìm cách cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm trước sự canh tranh ngày càng gay gắt của các sản phẩm cùng loại. Ngoài đóng tủ thờ, cơ sở Hai Á còn mở rộng sản xuất thêm các sản phẩm bàn, ghế salon gỗ. Gần đây, cơ sở đã đầu tư lắp đặt thiết bị lò sấy gỗ dùng để sấy khô gỗ thay cho cách phơi gỗ thủ công trước đây. 

Không những chăm lo phát triển sản xuất cơ sở đóng tủ thờ của gia đình, ông Nam còn tìm cách để duy trì và phát triển bền vững nghề đóng tủ thờ của làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công. Năm 2009, Hợp tác xã Mộc tủ thờ truyền thống Gò Công tại làng nghề ấp Ông Non, xã Tân Trung được thành lập và ông Nam được tín nhiệm bầu làm Giám đốc hợp tác xã cho đến nay.Với cương vị này, ông Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho các xã viên, đặc biệt là vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm của xã viên. 

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Cụ thể, khi cơ sở Hai Á có đơn đặt hàng nhưng không đủ sản phẩm để giao cho khách hàng thì ông Nam trực tiếp liên hệ với các xã viên để thực hiện. Theo ông Nam, làng nghề tủ thờ Gò Công hiện có khoảng 50 hộ kinh doanh lớn nhỏ, mỗi năm đóng từ 1.000 đến 1.500 cây tủ thờ, tạo công ăn việc làm cho 1.000 lao động. Tùy vào thời điểm, đôi lúc đầu ra của sản phẩm tủ thờ khá trầm lắng, nhưng không vì thế mà người dân ở làng nghề tỏ ra thờ ơ với nghề mà ông cha đã tạo hàng trăm năm nay.Theo thời gian, thế hệ này nối bước thế hệ khác bền bỉ gắn bó với nghề truyền thống này như là một bản sắc văn hóa của địa phương. 

“Tuy nhiên, cái khó trong nghề đóng tủ thờ là nguồn nguyên liệu đang bị khan hiếm do Việt Nam đóng của rừng tự nhiên, Lào cũng thực hiện việc này...; đồng thời thị trường xuất khẩu cũng cũng chưa được mở rộng cần sự quan tâm của nhà nước"- ông Nam trăn trở. 

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trung cho biết, ông Phạm Văn Nam có nhiều đóng góp trong việc đưa làng nghề này phát triển ngày càng vững mạnh. Dành nhiều nhiệt huyết cho nghề đóng tủ thờ Gò Công “độc nhất vô nhị”, ông Phạm Văn Nam xứng đáng là tấm gương sáng cho các thệ hệ sau của làng nghề noi theo trong việc giữ gìn và phát huy nét độc đáo của nghề đóng tủ thờ. 

Với những đóng góp của mình, năm 2013, ông Nam được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhiều năm liền./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm