Năm 2020, An Giang sẽ có 14 xã nông thôn mới nâng cao

Năm 2020, An Giang sẽ có 14 xã nông thôn mới nâng cao
An Giang phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Ảnh : kinhtevadubao.vn
An Giang phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Ảnh : kinhtevadubao.vn
Ông Phạm Thái Bình, Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh An Giang cho biết, thời gian tới, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh An Giang và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang sẽ tập trung tổ chức các hoạt động truyên truyền với hội viên phụ nữ nói riêng và các tầng lớp nhân dân nói chung về xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh An Giang sẽ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tập trung xây dựng các mô hình liên kết, liên doanh giúp phụ nữ tiếp cận với thị trường, sản xuất hàng hoá, chuyển đổi nghề cho phụ nữ nông thôn, góp phần thực hiện tiêu chí nông thôn mới chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất, tạo sản phẩm đặc thù của địa phương theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng cao thu nhập..., ông Phạm Thái Bình cho biết thêm. Bà Nguyễn Thị Liêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang cho biết: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang cũng sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc các cấp Hội thực hiện xây dựng nông thôn mới rõ nét hơn; phát động trong hệ thống Hội phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phát động cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang cũng sẽ tập trung hỗ trợ nguồn lực giúp cho hội viên, phụ nữ nông thôn nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống; đặc biệt quan tâm, tập trung nguồn lực và hỗ trợ các xã chưa đạt chuẩn xã nông thôn mới theo lộ trình của tỉnh. Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang, sau gần 10 năm triển khai khai thực hiện chương trình đến cuối tháng 5/2019, toàn tỉnh đã có 50/119 xã đạt xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 42,02%; số tiêu chí đạt bình quân của xã toàn tỉnh 14,50 tiêu chí/xã; không có xã đạt dưới 7 tiêu chí. Dự kiến, đến cuối năm 2019, tỉnh An Giang phấn đấu đạt thêm 7 xã nông thôn mới và đến năm 2020 số xã chuẩn nông thôn mới của An Giang là 61/119 xã và hoàn thành chỉ tiêu của Chương trình trước một năm. Hiện An Giang đã có 3 đơn vị cấp huyện gồm: thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc và huyện Thoại Sơn có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Song song với xây dựng các xã nông thôn mới, hiện tỉnh cũng đang thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, giai đoạn 2019-2020 tỉnh An Giang phấn đấu sẽ có 14 xã điểm đạt chuẩn nâng cao. Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, các cấp hội luôn xác định việc tuyên truyền, vận động hội viên tham gia xây dựng nông thôn mới luôn là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trong 10 năm qua, các cấp hội đã phối hợp tổ chức 184.688 cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức xây dựng nông thôn mới cho hội viên, phụ nữ và người dân; thông qua vận động, người dân cùng chính quyền chung tay thực hiện và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn. Qua tuyên truyền đã giúp cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân nhận thức rõ hơn về cơ chế, chính sách, hình thức hỗ trợ đầu tư của Nhà nước và trách nhiệm của địa phương, của các ngành và hộ gia đình trong xây dựng nông thôn mới với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Từ đó, hội viên, phụ nữ và người dân tỉnh An Giang đã nhiệt tình hưởng ứng, tham gia trực tiếp thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương,  bà Nguyễn Thị Tuyết Minh cho biết thêm. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang cũng tích cực phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh An Giang tham gia xây dựng nông thôn mới, gắn với các chương trình hoạt động của hội như: tăng cường cuộc vận động “Xây dựng gia đình không, 3 sạch” gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới; xây dựng nhiều mô hình thiết thực tại cơ sở, góp phần cùng chính quyền, địa phương đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các địa phương có đông đồng bào dân tộc khó khăn biên giới.
Thanh Sang

Có thể bạn quan tâm