Khó mấy cũng phải giữ rối

Khó mấy cũng phải giữ rối
Tự hào rối nước làng Ra
Vừa nghe chúng tôi hỏi về rối nước làng Ra, nghệ nhân Nguyễn Hữu Lương đã kể một mạch đầy đủ, từ lịch sử ra đời của rối làng Ra, đến những thăng trầm của phường rối. Trong suốt câu chuyện dài, người nghệ nhân già lúc nào cũng thể hiện niềm tự hào, sự hãnh diện với nghề múa rối nước mà cha ông để lại.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Lương kể, theo truyền thuyết, rối nước làng Ra do pháp sư Từ Đạo Hạnh truyền nghề cho dân làng từ thế kỷ XI. Khi đó, pháp sư Từ Đạo Hạnh về ngự tại chùa Thầy (xã Sài Sơn - huyện Quốc Oai), pháp sư đã dạy dân làng Ra múa rối nước, rồi cấp cho làng Ra 3 mẫu ruộng, hàng năm thu hoa lợi để chăm lo, tổ chức biểu diễn rối nước tại hội chùa Thầy. Vì thế hằng năm, vào dịp lễ hội chùa Thầy (từ ngày mùng 5 đến mùng 7 tháng 3 âm lịch) phường rối làng Ra ra thủy đình nằm giữa hồ Long Trì ở chùa Thầy biểu diễn các tiết mục múa rối nước để tưởng nhớ ông tổ nghề múa rối, đã dạy nghề cho dân làng.
“Rối làng Ra chúng tôi khác với rối nước các làng khác nhiều đấy nhé”, cụ Nguyễn Hữu Lương khoe. Rồi cụ kể: Các phường rối nước khác điều khiển con rối bằng sào, còn các nghệ nhân rối làng Ra điều khiển con rối bằng dây nhiều hơn. Nếu ngắm kỹ, sẽ thấy, các tượng rối làng Ra có trang phục và gương mặt khá giống mặt tượng Phật trong chùa. Ở các địa phương khác, các nghệ nhân thường lấy chú Tễu làm nhân vật đầu trò, nhưng riêng các nghệ nhân rối làng Ra lại chọn ông Tướng Loa là nhân vật chủ đạo và giới thiệu chương trình cho từng buổi diễn.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Lương vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian (múa rối nước) trong đợt phong tặng danh hiệu đầu tiên. Ông Lương cho biết: Các cụ có câu “Một miếng ngoài làng bằng một sàng xó bếp”, nên khi được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý này, tôi vui lắm, hãnh diện lắm. Giờ tôi không mong gì hơn, chỉ mong trời cho khỏe để tiếp tục làm nghề, giữ nghề cha ông.
Mở đầu buổi diễn là lời giới thiệu làng xã. Hình ảnh một vị tướng cầm loa dõng dạc hô: Loa loa loa loa/ lạc thủy dã/ nghệ thuật cổ truyền/ bộ môn rối nước/ của làng rối nước làng Ra trình diễn. Tiếp đó là lời giới thiệu các tiết mục: Loa loa loa loa/nhớ xưa gốc cũ/từ Lý - Trần - Lê/luyện chắc tay nghề/ mua vui thủy hí/ có rồng có cá/ có cả thuồng luồng/ có ngựa ruổi rong/ có người bơi lội/ leo thang rước kiệu/ đu tiên bật cờ/ còn nhiều trò bất ngờ/ kể sao cho xiết/ trống lệnh đã dứt/kéo quân ra biểu diễn…
Đến nay, các nghệ nhân rối nước làng Ra đã biểu diễn nhiều tiết mục rối nước tiêu biểu, đặc sắc như: Vinh quy bái tổ; Tướng Loa, Tướng Trùy; Mời trầu, tặng hoa; Leo cột cắm cờ, đốt pháo bật cờ; Rước kiệu rời tượng; Múa rồng; Cày bừa, chọi trâu; Đi cấy, tát nước… Đa số các nghệ nhân làng rối là nông dân, thợ mộc, thợ nề trong làng, các nhân vật cũng như nội dung tích trò của rối làng Ra rất gần gũi với người nông dân, từ con nghé, con trâu đi bừa… Đặc biệt, để ghi nhớ công ơn Thành hoàng, làng là tướng Đào Khang, vốn là một bộ tướng trong đội quân Hai Bà Trưng, các nghệ nhân phường rối làng Ra đã xây dựng nên tích “Hai Bà Trưng đánh giặc”. Trong tích trò này, các tượng rối được phân làm hai phe, một bên là Hai Bà Trưng và các bộ tướng, bên kia là các tướng giặc. Đây là một tích trò chỉ riêng làng Ra mới có.
Còn khỏe, còn làm nghề
Khi nhắc đến truyền thống gia đình mình, nghệ nhân Nguyễn Hữu Lương tự hào lắm. Ông khoe: “Gia đình tôi đã có 5 đời làm rối nước rồi. Ông tôi, bố tôi đều là những người có tay nghề cừ khôi. Năm tôi 17 tuổi, ông nội đưa tôi vào phường rối. Lúc đầu chỉ làm chân “chạy vặt”, đi chăn trâu, cắt cỏ, cơm nước cho các cụ. Sau này các cụ mới dạy đục đẽo làm ra con rối, rồi dạy cách buộc dây điều khiển rối. Tôi vừa học vừa tập làm, vài năm sau đã có thể làm được tất cả công việc trên sân khấu múa rối".
Khi còn trẻ, khỏe, nghệ nhân Nguyễn Hữu Lương vừa tham gia điều khiển con rối, vừa tham gia làm rất nhiều việc khác trên sân khấu múa rối. Nay có tuổi, sức khỏe yếu dần, ông đảm nhiệm việc tạo hình con rối cho đoàn đi biểu diễn. Ông cho biết, để làm ra được những “chú rối” phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên, chất liệu làm nên con rối phải chọn loại gỗ sung - một loại gỗ dai, nhẹ, dẻo để con rối có thể nổi trên mặt nước và để người điều khiển dễ dàng biểu diễn. Quá trình tạo hình con rối tuy không quá phức tạp, nhưng rất tỉ mỉ, đòi hỏi bàn tay khéo léo của nghệ nhân… những năm qua, đã có hàng trăm con rối tinh xảo được nghệ nhân Nguyễn Hữu Lương tạo ra, trở thành nhân vật trong các tích trò do các nghệ nhân “nông dân” làng Ra biểu diễn.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Lương tâm sự: Gần 70 năm giữ nghề, ông đã theo phường rối bôn ba nhiều nơi. Đã từng có thời điểm, cách đây khoảng chục năm, rối làng Ra đã đi biểu diễn và tham gia nhiều sự kiện lớn, được mời đi biểu diễn ở Italy, đi dự triển lãm rối nước ở Áo, Singapore, Trung Quốc... Những lần xuất ngoại ấy cũng để lại trong ông nhiều kỷ niệm. Ông kể: “Lần đó, phường rối được mời sang Đài Loan (Trung Quốc) biểu diễn, khán giả bên đó thích lắm, có người còn tìm gặp bằng được người điều khiển rối để tặng quà, có người thì tìm đến hỏi mua con rối về làm kỷ niệm… những tình cảm yêu mến của khán giả đã khiến chúng tôi rất xúc động”.
Ngày nay, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, rối nước làng Ra không còn “tưng bừng” như trước nữa, khách về xem ít dần, các nghệ nhân đi biểu diễn nhiều khi chỉ vì đam mê, vì giữ nghề cha ông. Có buổi đi biểu diễn không đủ tiền mua quà cho con. Thậm chí, có không ít lần, ông và các thành viên trong đoàn phải mang tiền nhà ra để chi phí cho việc ăn ở đi lại. Nhọc nhằn là thế, nhưng bởi tâm huyết với nghệ thuật truyền thống mà cha ông để lại, nghệ nhân Nguyễn Hữu Lương và các thành viên trong phường rối nước làng Ra vẫn kiên quyết bám nghề, giữ nghề. "Chúng tôi lớn lên cùng múa rối nước, múa rối đã ngấm vào máu rồi, nên dù khó thế nào, chúng tôi cũng phải giữ nghề cha ông. Dù nhà nước không cho tiền thì chúng tôi cũng vẫn giữ. Dù đi biểu diễn không có tiền chúng tôi vẫn phục vụ”, nghệ nhân Nguyễn Hữu Lương khảng khái nói.
Được biết, hiện nay ông vẫn đang truyền nghề cho con, cho cháu và chắt của mình, tâm nguyện của ông cũng rất đơn giản: Chỉ mong các con, cháu có thể duy trì, bảo tồn, không để nghệ thuật truyền thống của cha ông bị mai một mà thôi.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm