Khánh Hòa xây dựng nông thôn mới từ phát triển các loại cây chủ lực

Khánh Hòa xây dựng nông thôn mới từ phát triển các loại cây chủ lực
Mô hình vườn rừng kết hợp tại xã Sông Cầu cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phan Sáu – TTXVN
Mô hình vườn rừng kết hợp tại xã Sông Cầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: Phan Sáu – TTXVN
Nằm trên quốc lộ 27C nối liền Nha Trang – Đà Lạt, Sông Cầu có vị trí rất thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Về nơi đây, sẽ thấy những ngôi nhà mái ngói, mái bằng nhấp nhô giữa những vườn sầu riêng, bưởi da xanh tươi tốt. Tốc độ phát triển kinh tế ở đây khá nhanh, nên các con đường làng, ngõ xóm đều được bê tông hóa; mạng lưới điện, thông tin liên lạc, sóng truyền hình đã phủ sóng rộng khắp; hệ thống nước sạch đã đến được với người dân toàn xã. Tổng diện tích đất nông nghiệp của cả xã là 850ha; trong đó, cây hoa màu và mía hơn 480ha. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, những năm gần đây, người dân Sông Cầu đã dần chuyển sang trồng bưởi da xanh và sầu riêng cùng với mít và xoài đây là hai cây trồng chủ lực của huyện Khánh Vĩnh. Ông Lê Văn Chung, trú tại thôn Nam cho biết, sau khi nhận được thông tin của cán bộ ở xã về đề án cây trồng chủ lực của huyện và quyết định của tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, ông cùng các hộ dân khác liên kết tạo thành vùng sản xuất 5ha để chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng xoài.
Rừng keo của người dân xã Sông Cầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phan Sáu – TTXVN
Rừng keo của người dân xã Sông Cầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: Phan Sáu – TTXVN
Xã Sông Cầu có 3 thôn Đông, Tây, Nam với 356 hộ; trong đó, có hơn 40 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tập trung ở thôn Nam. Toàn xã có 13 hộ nghèo; trong đó có 7 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với 7 hộ này, xã bố trí 7 nhóm hỗ trợ, mỗi nhóm gồm 2 người là cán bộ xã hay cán bộ thôn giúp đỡ trực tiếp cho 1 hộ. Các cán bộ sẽ là người trực tiếp đến nhà quan tâm, hướng dẫn cho các hộ sản xuất, đồng thời tháo gỡ khó khăn, kịp thời cho người dân. Ông Lê Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Cầu cho biết, đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương đã bóc tách 7ha đất cho 7 hộ nghèo. Mỗi hộ 1 ha đất và sẽ được giao quyền sử dụng đất trong thời gian tới. Ngoài ra, lãnh đạo xã đã làm việc trực tiếp với các hộ để người dân phát dọn, trồng trọt đúng thời vụ. Xã đã hướng dẫn người dân trồng trọt cho hiệu quả trên diện tích đã có, bằng cách trồng xen keo và bắp để lấy ngắn nuôi dài.
Nông dân xã Sông Cầu chăm sóc bưởi da xanh. Ảnh: Phan Sáu – TTXVN
Nông dân xã Sông Cầu chăm sóc bưởi da xanh. Ảnh: Phan Sáu – TTXVN
Có thể thấy những nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương xã Sông Cầu trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp, chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy xã sớm hoàn thành các tiêu chí đặt ra trong xây dựng nông thôn mới.  Hiện nay, Sông Cầu đã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để hoàn thành vào năm 2019, xã Sông Cầu đang tập trung cho 3 tiêu chí còn lại là thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất và hệ thống tổ chức chính trị. Về tiêu chí thu nhập, năm 2017, thu nhập người dân của xã mới đạt 26,5 triệu đồng/người; mục tiêu năm 2019 phải đạt 37 triệu đồng/người. Ông Lê Ngọc Thảo cho biết, để đạt tiêu chí này, xã đề ra các giải pháp tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng không có hiệu quả theo hướng chọn các loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng như: sầu riêng, bưởi da xanh, xoài thái xanh, keo...; Xã cũng chủ động phối hợp tổ chức dạy nghề, đào tạo lao động để người dân địa phương có cơ hội việc làm khi Cụm công nghiệp Sông Cầu đi vào hoạt động...
Phan Sáu

Có thể bạn quan tâm