Đòn bẩy xây dựng nông thôn mới ở xã đảo Tiên Hải

Đòn bẩy xây dựng nông thôn mới ở xã đảo Tiên Hải
Du khách tham quan, du lịch quần đảo Hải Tặc, xã Tiên Hải, thành phố Hà Tiên (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải-TTXVN
Du khách tham quan, du lịch quần đảo Hải Tặc, xã Tiên Hải,
thành phố Hà Tiên (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải-TTXVN
Tiên Hải là xã đảo gồm có 16 hòn đảo lớn nhỏ và 2 đảo chìm, cách trung tâm thành phố Hà Tiên theo đường biển khoảng 18 km. Xã đảo Tiên Hải có mặt biển tiếp giáp với Campuchia, huyện Phú Quốc và Kiên Lương. Người dân trên đảo sinh sống bằng nghề khai thác và nuôi trồng thuỷ sản, du lịch. Nhiều năm qua, từ phong trào xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng trên xã đảo có bước phát triển, góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tính đến tháng 6/2019, xã Tiên Hải đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó 4 tiêu chí chưa đạt gồm điện, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn và nhà ở dân cư. Những năm gần đây, kết cấu hạ tầng xã đảo ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thiện như: xây dựng đường giao thông bê tông quanh các đảo; đầu tư công trình lấn biển tại đảo Hòn Đốc khoảng 2ha; xây cầu cảng, cung cấp điện, nước sinh hoạt... tạo điều kiện cho du lịch và kinh tế thủy sản phát triển. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã đảo Tiên Hải luôn được chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện để người dân sinh sống và phát triển kinh tế bằng cách hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi; tổ chức các lớp tập huấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động ở địa phương. Xã đảo Tiên Hải hiện có 99 hộ nuôi cá lồng bè với 169 bè, chủ yếu là cá bóng mú, cá bóp, cá chẽm và một số loại cá khác. Bên cạnh đó, xã có 144 phương tiện đánh bắt thủy sản, sản lượng khai thác hải sản 1.352 tấn tương đương gần 34 tỷ đồng. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người tại xã đạt gần 60 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, người dân ở Tiên Hải đang dần chuyển hướng từ đánh bắt hải sản sang nuôi trồng thủy sản, chuyển dịch từ ngành sản xuất trực tiếp sang các lĩnh vực về dịch vụ - du lịch, phương thức sản xuất và phương tiện sản xuất ngày càng hiện đại, dần áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất, kinh doanh. Theo đó, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tiếp tục có bước phát triển, các loại cá nuôi bán ra dần được giá hơn, người dân nuôi cá có lợi nhuận cao hơn. Qua nhiều năm nuôi cá người dân cũng dần nắm được kỹ thuật nuôi cá, đặc tính tự nhiên, vùng nuôi, các yếu tố về thủy sinh, nguồn nước nên sản lượng cá thu được dần tăng lên. Thời gian tới, chính quyền xã Tiên Hải sẽ khuyến khích người dân đầu tư nâng cao công nghệ, trang thiết bị các ngành nghề hiện có như: sơ chế hải sản, các ngành nghề phục vụ nghề cá. Điển hình là mô hình nuôi ốc hương thương phẩm của ông Phạm Thiện Nhân, chủ cơ sở nuôi ốc hương ở ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải đang được chính quyền địa phương rất quan tâm phát triển. Tiên Hải đang đề nghị với Phòng Kinh tế thành phố Hà Tiên mở lớp tập huấn nuôi ốc hương cho người dân nhằm mục đích nhân rộng mô hình. Theo ông Nhân, mỗi vụ kéo dài 3 - 5 tháng, thu hoạch khoảng 20 tấn/vụ. Do tự sản xuất con giống nên sau khi trừ chi phí nhân công, thức ăn, mỗi vụ ông Nhân lãi khoảng 60% vốn ban đầu, lợi nhuận khoảng 3 tỷ đồng. Hiện giá bán bình quân của ốc hương trên thị trường là 300.000 đồng/kg, đầu ra ốc hương nuôi tại xã đảo Tiên Hải là trong nước, chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Phú Quốc. Ngoài thủy sản, Tiên Hải chú trọng phát triển du lịch và dịch vụ du lịch. Từ lâu, xã đảo còn được du khách và người dân khắp nơi biết đến tên gọi là quần đảo Hải Tặc với cảnh đẹp hoang sơ và nhiều điều bí ẩn cần khám phá. Theo Ủy ban nhân dân xã Tiên Hải, 6 tháng đầu năm 2019, tổng mức hàng hoá bán lẻ hàng hóa 26,775 tỷ đồng. Du lịch địa phương tiếp tục có bước phát triển, tổng lượt khách tham quan tại xã là 42.023 lượt người, đạt 59,14% kế hoạch năm, tổng lượt khách lưu trú qua đêm là 4.600 lượt người. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Tiên Hải Phan Hồng Phúc cho biết, để đạt chuẩn xã nông thôn mới, xã Tiên Hải nỗ lực hoàn thành các tiêu chí chưa đạt và chú trọng giữ vững các tiêu chí đã đạt; trong đó chú trọng tiêu chí môi trường. Xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn nên chính quyền địa phương chủ trương xây dựng hòn đảo không chỉ đẹp nhờ vào thiên nhiên ban tặng mà còn giữ gìn môi trường trong lành, sạch, đẹp. Chính quyền xã Tiên Hải thường xuyên chỉ đạo các ban ngành tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc bảo vệ môi trường, vệ sinh xung quanh khu vực sinh sống, thu gom rác đúng nơi quy định; phát động phong trào ra quân vệ sinh quanh đảo với sự tham gia của các cán bộ, công chức đoàn viên của xã, lực lượng đoàn viên tại các chi đoàn và chiến sĩ của các lực lượng đóng quân trên địa bàn. Xã tiếp tục hướng dẫn, củng cố và tạo điều kiện cho các hợp tác xã hoạt động; tiếp cận các doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản để nâng cao thu nhập người dân; khuyến khích, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập gia đình; triển khai các chương trình khuyến học, khuyến tài nhằm nâng cao tinh thần hiếu học, trình độ dân trí tại địa phương, nhất là phát triển du lịch, ứng dụng trình độ khoa học kỹ thuật cao nuôi trồng thủy sản. Đối với các tiêu chí chưa đạt, bên cạnh sự hỗ trợ của cấp trên, Ủy ban nhân dân xã Tiên Hải phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng trên địa bàn; vận động nhân dân góp sức xây dựng các công trình nông thôn vừa sức đảm bảo phục vụ lợi ích của gia đình và cộng đồng. Song song đó, xã kiến nghị đến cấp trên hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất văn hóa, giao thông nhằm sớm hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công xã nông thôn mới.
Hồng Đạt

Có thể bạn quan tâm