Đất Mũi Cà Mau xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu - Bài 1

Đất Mũi Cà Mau xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu - Bài 1
Tính đến tháng 10/2019, toàn tỉnh Cà Mau đã có 30/82 xã được công nhận xã nông thôn mới. Đời sống người dân nơi đây đã được cải thiện đáng kể, việc làm ngày càng ổn định hơn. Tỉnh Cà Mau cũng đang tiến tới xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu để tiếp tục hoàn thành mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2020 – 2030. Phóng viên TTXVN phản ánh những nỗ lực này qua chùm 2 bài viết về Cà Mau phát triển sản xuất để xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu.
Tuyến đường giao thông nông thôn tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đạt chuẩn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Kim Há - TTXVN
Tuyến đường giao thông nông thôn tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đạt chuẩn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Kim Há  - TTXVN

Bài 1: Cải thiện thu nhập tạo động lực 
Một trong những vấn đề nhức nhối và mang tính quyết định của người dân khu vực nông thôn tỉnh Cà Mau chính là nguồn thu nhập, kinh tế ổn định để người dân bám đất, phát triển nông thôn. Vì vậy, trong suốt thời gian qua, chính quyền tỉnh Cà Mau, đã không ngừng nỗ lực, đưa ra nhiều chính sách thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp, phát triển khoa học công nghệ để nâng cao kĩ năng sản xuất, cải thiện thu nhập cho người dân vùng nông thôn.
 
Phát triển "mỗi xã một sản phẩm tiêu biểu" 
Ngọc Hiển là một huyện tận cùng của tổ quốc, cách trung tâm tỉnh Cà Mau gần 100km hướng ra biển Đồng đang dần đổi thay nhờ có con đường Hồ Chí Minh chạy dài ra tận xã Đất Mũi. Tiếp xúc với người dân nơi đây, chúng tôi được chia sẻ, mười năm trước đây, khách phương xa muốn đến huyện Ngọc Hiển phải đi bằng phà, vỏ lãi, tàu cao tốc..., vì vậy, phát triển kinh tế rất khó khăn. Từ khi đường Hồ Chí Minh thông xe vào đầu tháng 1/2016, giao thông thuận lợi, giao thương trở nên dễ dàng hơn, người dân Ngọc Hiển vốn làm kinh tế phụ thuộc vào tự nhiên cũng có thể chủ động sản xuất và tiêu thụ, nâng cao thu nhập. 

Ông Lê Ngọc Thạnh, sống ở ấp Ông Định, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển chia sẻ, huyện Ngọc Hiển có địa danh Đất Mũi, nhiều người phương xa từng đến đây rất tò mò về vùng đất cực Nam Tổ quốc và nhận xét nơi đây có nhiều sản vật như tôm trong rừng đước, con ba khía … có thể phát triển thành sản phẩm đặc trưng của địa phương như bánh phồng tôm, mắm ba khía, tôm khô, mắm tôm chua, mắm tôm bằm....

Cùng với sự kêu gọi, đầu tư của chính quyền địa phương và giao thông ngày càng thuận lợi, những người dân như ông Thạnh bắt đầu thay đổi cách suy nghĩ, cũng như phương thức sản xuất, đưa sản vật của Đất Mũi đi khắp cả nước và vươn ra thế giới.

Nhắc đến Đất Mũi, "con tôm ôm cây đước" trở thành biểu tượng đặc trưng và là câu cửa miệng của du khách khi tìm đến đây. Chính lợi thế này khiến nhiều hộ dân Đất Mũi sử dụng con tôm, phát triển thành lợi thế trong chế biến sản phẩm, phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh Cà Mau, cải thiện bộ mặt nông thôn hơn.

Ông Võ Minh Hổ, Phó chủ tịch UBND xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển chia sẻ, toàn huyện có khoảng 15 hộ sản xuất bánh phồng tôm; trong đó, xã Tân Ân Tây và Tam Giang Tây sản xuất nhiều nhất. Do đó, chính quyền địa phương đã đề xuất lấy sản phẩm bánh phồng tôm làm sản phẩm tiêu biểu của địa phương trong chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", thúc đẩy xây dựng nông thôn mới của tỉnh Cà Mau. Hầu hết các hộ sản xuất bánh phồng tôm đều sử dụng thương hiệu chung "Bánh phồng tôm Đất Mũi" để quảng bá sản phẩm địa phương. Đây là cách để các hộ không xảy ra tranh chấp thương hiệu, tranh giành khách hàng, tạo nên sự đoàn kết trong phát triển sản phẩm của tỉnh.

Cho đến nay, sau 13 năm phát triển sản xuất bánh phồng tôm, 10 năm đi cùng chương trình xây dựng nông thôn mới, hộ sản xuất bánh phồng tôm của ông Lê Ngọc Thạnh có thể cung cấp 30 tấn bánh/tháng, đi khắp cả nước và phục vụ cho du khách Hàn Quốc, Nhật Bản làm quà trở về nước. Với mô hình sản xuất này, gia đình ông thu lợi nhuận 30% trên giá bán, một phần dùng để tái đầu tư sản xuất, phần còn lại trang trải cho gia đình, nên không phải bươn chải, kiếm việc làm ở nơi khác, ông Lê Ngọc Thạnh chia sẻ.
 
Thu hút đầu tư về khu vực nông thôn 
Muốn phát triển nông thôn mới, trước hết đời sống người dân phải được ổn định, nhu cầu việc làm, mưu sinh được giải quyết. Chính vì vậy, UBND tỉnh Cà Mau đã có nhiều chính sách kêu gọi, thu hút cộng đồng doanh nghiệp về tỉnh đầu tư vào khu vực nông thôn, gắn với vùng nguyên liệu. Để từ đó, người dân nông thôn được tiếp xúc với những tiến bộ kĩ thuật, ứng dụng vào sản xuất hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, tính đến tháng 10/2019, Cà Mau có khoảng 339 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký hơn 2.500 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, Cà Mau đã thu hút được 25 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký hơn 21.600 tỷ đồng; trong đó, có 2 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn hơn 1.800 tỷ đồng. Các dự án đầu tư này trải rộng khắp các huyện, tỉnh Cà Mau. Đây là điểm nhấn để chính quyền địa phương phối hợp cùng doanh nghiệp giải quyết lao động nông thôn, ổn định thu nhập tại chỗ cho người dân.

Tỉnh Cà Mau xác định rõ, xây dựng nông thôn mới là một quá trình liên tục, nhưng các tiêu chí phải được thực hiện từng bước, cuốn chiếu để tránh làm "đuối sức" người dân. Các địa phương có lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện và nguồn lực hiện có trong từng tiêu chí cụ thể.
 
Theo ông Phan Mộng Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau, tỉnh đã và đang quan tâm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đầu tư, phát triển các trung tâm thương mại và các chợ nông thôn. Không chỉ dừng lại ở khâu khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm... mà các doanh nghiệp còn tham gia tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, phân phối đến người tiêu dùng nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh được công nhận nhãn hiệu tập thể. Đó là các sản phẩm như: chuối khô Trần Hợi, tôm khô Rạch Gốc, bánh phồng tôm Mũi Cà Mau, dưa bồn bồn Cái Nước, cua biển Năm Căn, khô khoai Cái Đôi Vàm, mắm lóc Thới Bình, mật ong U Minh, cá bổi Ba Đức…

Không chỉ khuyến khích phát triển các sản phẩm địa phương kể trên, hiện chính quyền tỉnh Cà Mau cũng khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng, chuyển đổi hình thức canh tác nông nghiệp để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe con người. Người nông dân trồng lúa hữu cơ ở xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình chia sẻ, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu làm cho sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn hơn.

Ông Trương Minh Sơn, nông dân sản xuất lúa hữu cơ tại xã Tân Lộc Bắc cho biết, trong 2 năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã mời gọi được hai doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo liên kết với hơn 40 hộ sản xuất lúa của xã Tân Lộc Bắc để sản xuất lúa hữu cơ. Các doanh nghiệp này đã đưa kĩ sư nông nghiệp về hướng dẫn nông dân cách sản xuất lúa hữu cơ. Đồng thời, người dân cũng học hỏi cách thức sản xuất xen canh 2 tôm - 1 lúa, vừa giúp giảm sâu bệnh hại cho lúa, doanh nghiệp liên kết lại thu mua lúa với giá cao. Nhờ đó, đời sống của người dân trong xã cũng cải thiện dần. (còn tiếp)./.
 Hồng Nhung - Thanh Trà
Bài 2: Xây dựng hạ tầng ổn định
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm