Cuộc sống mới của người Si La ở thượng nguồn sông Đà

Cuộc sống mới của người Si La ở thượng nguồn sông Đà
“Áo mới” của bản

Bản Sì Thâu Chải, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu hôm chúng tôi vào thăm vắng hoe người. Đi một vòng xung quanh bản chỉ thấy vài hộ có người già và trẻ em ở nhà. Em Hù Cố Chối, người Si La, cán bộ văn hóa xã Can Hồ đi cùng đoàn xuống bản giải thích: “Thời điểm này đang là mùa măng nên bà con lên rừng hái măng đến tối mới về. Người Si La chịu khó lao động lắm. Nếu các anh chị vào bản mà không báo trước thì khó gặp đấy, vì ban ngày bà con đều đi rừng, đi nương cả”.
Đường vào bản Seo Hai khang trang sạch đẹp.
Đường vào bản Seo Hai khang trang sạch đẹp.

Tuy nhiên, nhân vật chúng tôi “quan tâm” nhất là ông Trưởng bản Hù Chà Hù thì may sao hôm ấy lại có ở nhà. Ông Hù vừa đi kiểm tra lại đường ống dẫn nước bị vỡ sau trận mưa đêm trước khiến hơn một nửa số hộ trong bản bị mất nước. Nói về cuộc sống của người Si La hôm nay, Trưởng bản Hù thừa nhận, so với thời điểm ở bản cũ bên kia sông Đà (từ năm 2013 về trước), cuộc sống của người Si La đã đổi thay nhiều lắm. Bản Sì Thâu Chải bây giờ đã có đường cho xe ô tô vào tận ngõ. Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, Trụ sở UBND xã đều nằm sát bên “hông”. Mỗi khi có họp hành, trưởng bản chỉ đi bộ 5 phút là tới trụ sở xã. Không như thời còn ở bản cũ, mỗi khi ra xã họp, ông phải đi bè, mảng qua sông rồi cuốc bộ mất vài tiếng đồng hồ mới tới xã.

Bản Sì Thâu Chải hiện có 75 hộ dân với 292 nhân khẩu, trong đó người Si La 67 hộ, 219 nhân khẩu. So với thời điểm ở bản cũ thì số khẩu dân tộc Si La không tăng lên, thậm chí còn giảm đi 13 người (năm 2013, bản cũ có 234 khẩu). Lý giải về sự tụt giảm nhân khẩu trong bản, Trưởng bản Hù Chà Hù giải thích: “Một số con em người Si La trong bản đi học nghề hoặc đi làm ăn ở xa, lập gia đình nơi khác nên đã chuyển khẩu ra khỏi xã. Vài năm trở lại đây, người Si La được Đảng và Nhà nước khuyến khích đẻ thêm con để tăng dân số nhưng các gia đình trẻ không thích đẻ nhiều đâu. Mỗi nhà chỉ sinh 2 đứa thôi!”.
Đội văn nghệ bản Si Thâu Chải giữ gìn làn điệu dân ca truyền thống.
Đội văn nghệ bản Si Thâu Chải giữ gìn làn điệu dân ca truyền thống.

Bảo tồn nét đẹp văn hóa

Trước khi lên Mường Tè để tìm hiểu văn hóa của tộc người Si La, chúng tôi đã tiếp cận nhiều kênh thông tin khác nhau để có một cái nhìn khái quát về dân tộc này. Đi xe khách trên quãng đường dài gần 500 km từ Hà Nội lên huyện Mường Tè, tôi ngồi tưởng tượng rồi suy nghĩ miên man về sự mai một bản sắc văn hóa một dân tộc chỉ có số dân chưa đầy 1.000 người. Nhưng trăn trở đó đã được “giải tỏa” qua các cuộc gặp gỡ, trao đổi với người dân, cán bộ chính quyền và một vài đại biểu chức sắc dân tộc Si La tiêu biểu.
Người Si La đã được tiếp cận với mạng internet.
Người Si La đã được tiếp cận với mạng internet.

Nói về vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa Si La, ông Đặng Thế Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Can Hồ giải thích, nếu tính mốc thời gian từ khoảng 15 năm trở về trước thì đúng là chính quyền xã Can Hồ đã rất lo lắng khi tộc người này ngày càng bị suy kiệt giống nòi, bản sắc văn hóa bị mai một. Trước kia, người Si La chỉ có khoảng trên 500 nhân khẩu, cư trú ở địa bàn bên kia sông Đà, đi lại khó khăn nên hầu như bà con bị tách biệt với thế giới bên ngoài. Tình trạng hôn nhân cận huyết, thiếu đói lương thực, ốm đau, bệnh tật… dẫn tới nhiều hệ lụy đáng buồn. Lo ngại nhất là tình trạng suy thoái nòi giống và mai một bản sắc văn hóa.
Nghề đan truyền thông của người Si La vẫn được bảo tồn.
Nghề đan truyền thông của người Si La vẫn được bảo tồn.

Tuy nhiên, từ khi có dự án “Hỗ trợ phát triển dân tộc Si La, giai đoạn 2005 - 2010” của Chính phủ và Dự án Di dân tái định cư Thủy điện Lai Châu ở xã Can Hồ (năm 2013), hơn 500 nhân khẩu Si La ở hai bản Seo Hai và Sì Thâu Chải được Nhà nước hỗ trợ di chuyển đến nơi ở mới thì việc bảo tồn bản sắc văn hóa đã được cả chính quyền và người dân lưu tâm. Hiện nay, đồng bào Si La vẫn giao tiếp hàng ngày bằng tiếng mẹ đẻ. Mỗi năm hai lần, tại nhà trưởng họ, con cháu người Si La tập hợp lại để tổ chức Tết năm mới và Cúng cơm mới với các lễ vật dâng cúng được mang về từ sông suối, núi rừng. Ngoài ra, đồng bào Si La vẫn bảo tồn các nghi lễ cúng tổ tiên tại bếp thiêng; cúng hồn lúa với các nghi thức đưa rước hồn lúa từ nương về bản, về nhà rồi cất trên bồ thóc. Nghi lễ này 7 năm mới diễn ra một lần.
Sản phẩm túi đeo của đồng bào Si La.
Sản phẩm túi đeo của đồng bào Si La.

Bản Seo Hai và Sì Thâu Chải hôm nay đều có đội văn nghệ của bản với 20 thành viên tham gia. Đội văn nghệ bản Seo Hai do nghệ nhân Hù Cố Xuân đứng ra truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ Si La. Còn đội văn nghệ bản Sì Thâu Chải do 2 em Hù Cố Chối và Pờ Cố Dừn, Chi hội trưởng Phụ nữ đứng ra dạy múa, hát. Nhiều năm nay, đội văn nghệ của hai bản Si La đã giành được nhiều giải cao trong các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc tỉnh Lai Châu tổ chức.
Toàn cảnh bản Sì Thầu Chải.
Toàn cảnh bản Sì Thầu Chải.

Năm 2015, đồng bào Si La ở bản Seo Hai đã được Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam mời về Hà Nội để tái hiện một số nghi lễ trong đám cưới, lễ cúng bản và giới thiệu các làn điệu dân ca, dân vũ. Điều đặc biệt là mấy năm nay, người Si La đã có thêm nhiều bộ trang phục dân tộc rất đẹp do chính bàn tay chị Pờ Hồng Vân (nguyên là Đại biểu Quốc hội khóa XIII) thiết kế, bảo tồn. Chị Pờ Hồng Vân là người con ưu tú của bản Seo Hai, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Tè.

Theo Langvietonline.vn
langvietonline.vn (Làng Văn hóa Du lịch Các dân tộc Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm