“Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”

“Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”
Hà Thị Thuận sinh năm 1984, trong gia đình dân tộc Tày có 7 anh chị em, tại xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Các anh chị em trong gia đình đều lập gia đình từ rất sớm và đều làm ruộng. Không chấp nhận “an phận” như vậy, Hà Thị Thuận ấp ủ mơ ước được trở thành cô giáo vùng cao. Có lẽ, vì cũng từng ở trong hoàn cảnh ấy, nên hơn ai hết Thuận có thể thấu hiểu được những vất vả, thiếu thốn của các em nhỏ nơi đây. Nghĩ vậy, Hà Thị Thuận luôn luôn nỗ lực hết mình trong học tập để sớm thực hiện được ước mơ của mình. Sau khi học xong THPT, cô theo học chuyên nghiệp tại Trường Trung cấp Thể dục - Thể thao Yên Bái, hệ cao đẳng và tốt nghiệp năm 2008. Năm 2009, ước mơ đã trở thành hiện thực khi Thuận nộp hồ sơ và được phân công về dạy tại Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Xéo Dì Hồ, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. 
“Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi” ảnh 1
Hà Thị Thuận miệt mài bên trang giáo án hằng đêm.
Trường PTDTBT tiểu học Xéo Dì Hồ có 23 lớp ở hai bậc tiểu học và mầm non, tổng số học sinh toàn trường là 731 em, trong đó, tiểu học là 541 em, mầm non là 190 em. Ngày đầu tiên đến nhận công tác, khó khăn mà cô giáo Thuận gặp phải sau khi bước chân từ xe khách xuống là quãng đường 8,5 km đến với trường học. Con đường do bà con dân bản mới khai thông còn quá nhiều đá to, gập ghềnh, khó đi. Vượt qua đoạn đường ấy, hiện ra trước mắt Thuận là ngôi trường bé nhỏ, đơn sơ với mấy phòng học bằng tre, nứa tạm bợ. Tất cả đều xa lạ với những gì mà Thuận tưởng tượng trước đó.  Thuận chia sẻ: “Đúng lúc tôi còn đang cảm thấy hoang mang, lo lắng thì tất cả như được rũ bỏ khi nhìn thấy các em học sinh và các thầy cô giáo ở điểm trường chính ra đón chờ tôi. Một cô giáo nói: “Các em học sinh đang chờ cô đấy”, tôi thực sự rất xúc động. Đó là hình ảnh in đậm trong tâm trí mà cho tới bây giờ và mãi mãi về sau tôi không bao giờ quên được”. Thuận được nhà trường phân công giảng dạy môn thể dục cho 11 lớp, tại 4 điểm trường. Các em học sinh nơi đây 100 % là dân tộc Mông, phần lớn đều khá nhút nhát và rụt rè, ít khi được giao tiếp với người Kinh, chính vì vậy mà việc nói tiếng phổ thông của các em còn rất hạn chế. Nhiều em còn không nói được tiếng phổ thông, số ít nói được thì lại nói ngọng như “em” thì thành “eng”. Có em còn chưa phân biệt được việc gọi “thầy”, “cô”. Thấy thầy giáo đi qua thì lại chào cô. Nhiều lúc các em còn ngại và không dám giao tiếp với các thầy, các cô vì không biết nói tiếng phổ thông. 
“Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi” ảnh 2
Cô giáo Thuận trong giờ lên lớp cùng các em học sinh.
“Tôi còn nhớ có lần đang trên đường đi dạy học về, nghe thấy tiếng “em chào cô”, nhưng nhìn xung quanh thì không thấy ai, nhìn kỹ thì hoá ra các em đang nấp ở trong bụi cây vì ngại và xấu hổ”, Thuận chia sẻ.  Cũng như nhiều trường học ở các xã, huyện vùng cao, điều kiện học tập, sinh hoạt của các em học sinh ở đây còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn như lớp học tạm bợ, sân bãi tập luyện không có, diện tích đất còn hạn hẹp, dụng cụ phục vụ cho việc học tập của các em thiếu thốn rất nhiều. Điều kiện học tập của học sinh đã vậy, điều kiện sinh hoạt của các thầy cô giáo cũng không khá hơn, các thầy cô giáo ở đây đều ở nhà tạm. Điểm trường Cáng Dông nơi Thuận ở lại chưa có điện lưới quốc gia, buổi tối chủ yếu dùng đèn dầu hoặc nến để thắp sáng. Vì đường sá đi lại khó khăn, từ nơi ở đến chợ cũng phải mất vài chục cây số, nên các thầy cô đều phải mua thức ăn dự trữ. Việc thông tin liên lạc cũng như cập nhật mọi thông tin từ người thân, bạn bè cũng bị hạn chế. Mỗi lần muốn gọi điện thoại, Thuận lại phải leo lên đỉnh đồi “vượt sóng”, cách chỗ ở vài trăm mét.  Chia sẻ về những kỷ niệm trong thời gian dạy học ở Lao Chải, Thuận nói: “Tôi còn nhớ như in mùa đông đầu tiên ở đây, thời tiết rất lạnh, sương mù dày đặc, chỉ cần đứng cách nhau khoảng 2m cũng không nhìn rõ mặt, các cành cây nước đóng băng trắng xoá. Gió lạnh buốt thấu da, thấu thịt, tôi phải vượt qua 7 - 8 km đường rừng để đến điểm trường. Khi đến nơi, đôi chân tôi tê cứng lại, mi mắt ướt đẫm sương, người run cầm cập, sau một lúc sưởi ấm và lấy lại tinh thần, mới có thể tiếp tục đứng lớp. Một kỷ niệm nữa mà có lẽ tôi không bao giờ quên, đó là vào tháng 9/2012, cả ngày phải lên lớp nên tôi không có thời gian, buổi tối hôm đó tôi phải đi xuống huyện mua vài dụng cụ phục vụ cho việc giảng dạy để ngày hôm sau tham gia hội giảng cấp trường.  Khi mua đồ xong đã 9 giờ tối, đang trên đường trở về điểm trường thì trời đổ cơn mưa tầm tã, đường trơn không thể đi xe máy, quay lại thì cũng cách xa huyện quá rồi, mà từ đó lên đến trường còn những 8 km nữa. Muốn gọi điện cho mọi người đón cũng không thể liên lạc được vì không có sóng. Sau một phút do dự, tôi quyết định khoá cổ xe lại, để xe giữa đường rồi đi bộ lên trường. Tôi bật đèn điện thoại lên và đi, trời thì mưa to, cả người ướt sũng, lạnh buốt. Lúc đó tôi vừa lo, vừa sợ, cảm giác bất an, khó tả. Tôi cố trấn tĩnh lại tinh thần để tiếp tục bước đi, vừa đi tôi vừa hát to cho đỡ sợ. Bàn chân không còn biết mình giẫm phải những thứ gì nữa, chỉ cố gắng bước đi thật nhanh để về đến trường. Khi nhìn thấy điểm trường hiện ra tôi mừng rơi nước mắt, bước vào phòng nhìn đồng hồ đã hơn 12 giờ đêm. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì dù sao mình cũng đã được an toàn”. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng Thuận chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ nghề. Cô và các đồng nghiệp của mình luôn tự nhủ cần phải nỗ lực hết mình để truyền đạt kiến thức cho các em. Bên cạnh đó, Thuận cũng luôn sáng tạo cho các em những trò chơi ngoài nội dung bài học để các em có điều kiện phát triển một cách tốt nhất. Nhờ những nỗ lực và thành tích đóng góp cho nhà trường, Thuận được nhận bằng khen của UBND tỉnh Yên Bái, hai năm liền là chiến sỹ thi đua, rồi lao động tiên tiến của trường, ngành. Năm 2013, Thuận vinh dự khi là giáo viên trẻ được kết nạp và đứng trong hàng ngũ của Đảng. Gác lại sau lưng niềm vui, nỗi buồn, Thuận vẫn miệt mài bên trang trang giáo án, cùng ngọn đèn leo lắt hằng đêm. Thuận chia sẻ, nhiều lúc bản thân cũng cảm thấy rất mệt mỏi và chán nản vì cuộc sống nơi đây thực sự vất vả và thiếu thốn về mọi thứ. “Nhưng cứ nghĩ đến những ánh mắt ngây thơ, nụ cười hồn nhiên của các em học sinh thân yêu mỗi ngày đang chờ, tôi lại có thêm động lực để tiếp tục cống hiến”. Cô nói, nguyện vọng thì nhiều lắm nhưng mong ước lớn nhất của cá nhân cũng như các thầy cô giáo và đồng bào vùng cao nơi đây là rất mong được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt hơn nữa. Làm sao để xây dựng con đường mới để việc đi lại thuận tiện hơn, xây dựng lớp học cho các em học sinh và giáo viên có nhà ở công vụ, có như vậy các em học sinh mới yên tâm học tập và các thầy cô giáo có thể yên tâm công tác.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm