Cô gái Nùng làm công nhân thi đậu hai trường đại học

Cô gái Nùng làm công nhân thi đậu hai trường đại học
Hỏi thăm từ chập tối, mãi đến 19 giờ chúng tôi mới tới được xóm trọ nghèo ở thôn Đa Cấu, xã Nam Sơn, huyện Quế Võ (Bắc Ninh), lúc này Phương Thị Hảo cũng mới vừa làm tăng ca về. Quên đi sự mệt nhọc của cả một ngày làm tăng ca, Hảo cho biết, em là con cả trong một gia đình nghèo. Tuổi thơ của em gắn liền với sự lam lũ, vì vừa đi học, em còn phải về nhà giúp bố mẹ làm việc nhà. Để theo học cấp 3, hằng ngày Hảo phải đạp xe gần 20 km đến trường THPT Hòa Bình (huyện Chi Lăng). Những hôm trời mưa, không đi được xe đạp, phải cuốc bộ mất gần 3 tiếng đồng hồ mới tới trường. 
Cô gái Nùng làm công nhân thi đậu hai trường đại học ảnh 1
Mặc dù đã đỗ vào đại học nhưng Hảo vẫn dành thời gian học tập.

Mặc dù khó khăn là thế, nhưng thành tích học tập của Hảo rất đáng nể. Ngay từ khi học THCS, Hảo đã “dính” chặt với môn Sử và đã đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Lên THPT, bảng tổng sắp huy chương của em càng ngày lại càng nhiều. Năm học lớp 10 em đã đạt 2 giải học sinh giỏi cấp tỉnh (giải Nhì tỉnh môn Sử dành cho học sinh lớp 10 và lớp 11). Lên lớp 12, em còn được nằm trong danh sách đội tuyển thi học sinh giỏi cấp quốc gia và xuống ôn thi 2 tháng tại trường THPT chuyên Chu Văn An (thành phố Lạng Sơn). Với bề dầy thành tích ấy, nhưng tiếc rằng năm đầu tiên thi vào Đại học Luật Hà Nội, Hảo lại không đạt được ước mơ của mình.
Không vì thất bại mà nản lòng, Hảo đã quyết định đi làm công nhân và tiếp tục ôn luyện để tiếp tục theo đuổi ước mơ vào đại học của mình. Tháng 9/2015, Hảo một mình đến phỏng vấn xin việc tại Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh và cô gái dân tộc Nùng bắt đầu vào cuộc sống mới. Vừa mưu sinh, Hảo vừa dành gần 2 giờ đồng hồ tự ôn tập. Hảo chia sẻ: “Có hôm đi làm về em gần như kiệt sức, những lúc ấy em cũng rất nản chuyện học hành. Mỗi lần như thế em lại phải tự làm công tác tư tưởng cho mình là phải cố lên”. 
Cô gái Nùng làm công nhân thi đậu hai trường đại học ảnh 2
Xóm trọ nghèo, nơi Hảo thuê ở.

Phương Thị Hảo cho biết sẽ theo học Trường đại học Luật Hà Nội, vì đó là ước mơ của em để bảo vệ chân lý, công bằng xã hội, chống lại những bất công trong xã hội. 
“Khi thi đỗ Đại học em lo lắng lắm, bởi hiện nay nhiều cử nhân ra trường thất nghiệp. Nhưng em lại nghĩ, nếu quyết tâm thì sẽ được ghi nhận. Ví như bản thân em là một cô gái miền núi sinh ra trong nghèo khó, đã từng phải vất vả làm 10 - 12 tiếng trong nhà máy, nhưng vẫn thi đỗ đại học. Vậy thì trong những năm tháng sau này, khi ra trường em vẫn tin mình sẽ kiếm được việc làm như mong muốn”, Hảo chia sẻ.
Gần 1 năm làm công nhân không chỉ giúp Hảo tích trữ được một khoản kinh phí để học đại học, mà còn giúp cho em tự tin, chững chạc hơn khi bước vào môi trường sinh viên. 
Câu chuyện của Phương Thị Hảo như một luồng gió mát êm dịu, chứa đựng niềm tin, sự khát khao, sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ giữa những cám dỗ của cuộc sống hiện đại.

Có thể bạn quan tâm