Cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới ở xã Tân An

Cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới ở xã Tân An
Nông dân Tân Châu thực hiện xây dựng nếp sống văn minh đô thị và xây dựng Nông thôn mới. Ảnh: angiang.gov.vn
Nông dân Tân Châu thực hiện xây dựng nếp sống văn minh đô thị và xây dựng Nông thôn mới. Ảnh: angiang.gov.vn
Ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân An (thị xã Tân Châu) cho biết, Tân An có diện tích tự nhiên khoảng 1.476 ha; trong đó, diện tích nông nghiệp là 1.140 ha. Toàn xã có 3.551 hộ với 13.624 nhân khẩu. Địa hình bị chia cắt bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt, so với các xã khác trong tỉnh, Tân An là địa phương gặp nhiều khó khăn với xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới ở mức thấp (chỉ đạt 8/19 tiêu chí vào năm 2010, năm 2016 mới chỉ đạt 11/19 tiêu chí), hạ tầng nông thôn phát triển chưa đồng bộ, cơ sở vật chất còn thiếu và yếu… Khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tân An gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo so với mặt bằng chung của toàn tỉnh còn cao (chiếm trên 4,15% năm 2011); khó huy động vốn trong dân để xây dựng nông thôn mới… Thế nhưng, các cấp chính quyền và nhân dân cùng vào cuộc đã đưa chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào thi đua sâu rộng toàn xã. Tân An đã vận dụng linh hoạt các nội dung tuyên truyền, vận động nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; giúp thay đổi tư duy để người dân thấy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới cũng như lợi ích từ Chương trình. Do đó, người dân tin và tự nguyện làm theo. Ông Phước chia sẻ, để chương trình phát huy tính ưu việt, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải gương mẫu đi đầu trong tất cả các phong trào xây dựng nông thôn mới; thường xuyên bám sát địa bàn, tuyên truyền, giải thích, vận động để tự người dân thấy được những lợi ích do nông thôn mới mang lại. Nếu không được sự ủng hộ của người dân; thiếu đi sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở xã Tân An khó mà thành hiện thực. Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới xã Tân An đã có những chính sách, lộ trình, phương án hợp lý, hợp lòng dân và “sát sườn” với điều kiện của địa phương. Tân An xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới là hướng đến người dân; gây dựng niềm tin, vị trí chủ thể và gắn trách nhiệm của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới; lấy nông nghiệp làm nền tảng để phát triển kinh tế cũng như xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và thương mại, Bên cạnh đó, đề cao vai trò chủ động và là trung tâm của người dân trong Chương trình xây dựng nông thôn mới; với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ngay từ cơ sở, để người dân thấy được những lợi ích mà nông thôn mới mang lại cho bà con từ những công trình, dự án... cụ thể là phát huy giá trị, sự hiệu quả của từng chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.  Với phương châm "gần dân, sát dân”, xã Tân An đã “mạnh bạo” hơn trong “chiến lược” thực thi bản quy hoạch tổng thể của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xã đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giống cây trồng, vật nuôi đúng theo hướng gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp; hình thành các hợp tác xã kiểu mới. Đồng thời, kêu gọi nông dân và doanh nghiệp thực hiện chuỗi liên kết, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế tăng lợi nhuận cho nông dân phát triển bền vững… Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Tân An năm 2018 đạt xấp xỉ 43,5 triệu đồng/người/năm, tăng gần 17 triệu đồng so với năm 2015 và tăng khoảng 32 triệu đồng so với năm 2011. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư, thời gian tới, Tân An cần duy trì, nâng chất các chỉ tiêu, tiêu chí đã đạt được; phấn đấu năm 2020 thực hiện đạt 19 tiêu chí 35 chỉ tiêu của Bộ Tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 – 2020. Cùng đó, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất cần được tăng cường, nhất là công nghệ cao; xây dựng nền nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao. Xã cần khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dạy nghề hoạt động thường xuyên; tạo điều kiện để phát triển thêm các dịch vụ khác góp phần giải quyết việc làm cho số lao động nhàn rỗi tại địa phương; củng cố hoạt động chợ trung tâm xã để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, để giảm nghèo bền vững, thời gian tới, Tân An phải thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp chính sách giúp đỡ người nghèo làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Cùng đó, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo; phân công đảng viên phụ trách hộ nghèo để vận động họ không trông chờ, ỷ lại. Ngoài ra, tư vấn giới thiệu việc làm, giới thiệu mô hình hay, cách làm hiệu quả để các hộ làm ăn. Tân An phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 2%.
Công Mạo

Có thể bạn quan tâm