10 năm xây dựng nông thôn mới: Thay đổi diện mạo cho nông thôn ở Đắk Nông

10 năm xây dựng nông thôn mới: Thay đổi diện mạo cho nông thôn ở Đắk Nông
Trung tâm xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, một trong những xã đi đầu cả tỉnh Đắk Nông về xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN
 Trung tâm xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, một trong những xã đi đầu cả tỉnh Đắk Nông về xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN
Tỉnh nghèo xây dựng nông thôn mới Năm 2010, cùng với cả nước, Đắk Nông hưởng ứng, tham gia xây dựng nông thôn mới với một nền kinh tế có xuất phát điểm thấp. Hầu hết các xã trong tỉnh chưa có quy hoạch phát triển chung, tổng thể; cơ sở hạ tầng thiết yếu còn hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm gần 30%... Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Đắk Nông vào thời điểm đó chỉ gần 15 triệu đồng/người/năm. Đắk Nông cũng là tỉnh có mật độ dân cư thưa thớt nhất Tây nguyên và có hệ thống cơ sở hạ tầng nghèo nàn nhất cả khu vực. Kết quả rà soát, đánh giá theo bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới vào năm 2011 cho thấy, bình quân mỗi xã của Đắk Nông chỉ đạt 3,1 tiêu chí. Nhiều xã trong tỉnh không đạt tiêu chí nào trong 19 tiêu chí nông thôn mới. Thêm nữa, nhiều tiêu chí nông thôn mới thiết yếu như giao thông, cơ sở vật chất, văn hóa… không có xã nào đạt.
Niềm vui được mùa của đồng bào đồng bào M’Nông tại bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN
Niềm vui được mùa của đồng bào đồng bào M’Nông tại bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Nông, sau khi hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới cùng với các địa phương khác trong cả nước, việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm tại Đắk Nông lại gặp nhiều khó khăn do chủ trương siết chặt cơ chế quản lý đầu tư công. Nhiều mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới không thể đạt được như dự kiến. Thêm nữa, do dân cư phân bố thưa thớt, tỉ lệ hộ nghèo cao, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nên việc huy động đóng góp của người dân để xây dựng cơ sở hạ tầng cũng khó khăn hơn các địa phương khác. Việc thực hiện nhiều tiêu chí hầu như “giậm chân tại chỗ”. Nhìn chung, giai đoạn 2011 – 2015, kết quả xây dựng nông thôn mới tại Đắk Nông đạt thấp. Cuối năm 2015, Đắk Nông mới có xã đầu tiên được công nhận là xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’Lấp. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, Đắk Nông đã có nhiều cách làm mới, hiệu quả trong thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Tháng 5/2016, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành nghị quyết về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Hội đồng nhân dân tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng về xây dựng nông thôn mới với nhiều ưu đãi, khuyến khích kịp thời. Nhiều chỉ tiêu nông thôn mới được cụ thể hóa trong các nghị quyết về kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh. Hệ thống ban chỉ đạo các cấp được kiện toàn và hoạt động hiệu quả rõ rệt. Theo ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Đắk Nông, tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 16/61 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 15 xã so với năm 2015. Bình quân mỗi xã tham gia xây dựng nông thôn mới đạt 13,44 tiêu chí, tăng 10,34 tiêu chí so với năm 2011. Sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, Đắk Nông đã huy động được gần 92.000 tỷ đồng cho chương trình; trong đó, riêng giai đoạn 2016 - 2019, tổng số vốn đầu tư cho nông thôn mới đạt hơn 51.000 tỷ đồng.Lồng ghép các chương trình Mục tiêu mà Trung ương và Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông giao cho Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Đắk Nông là tới năm 2020 có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông cũng giao đến năm 2020, toàn tỉnh có 1 huyện được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Đắk Nông, với sự hỗ trợ từ trung ương và sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng và chính quyền các cấp, dự kiến đến năm 2020, Đắk Nông sẽ có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cao hơn 7 xã so với nhiệm vụ được giao. Tỉnh cũng dự kiến đến năm 2020 sẽ có 2 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Nông dân trồng sầu riêng quy mô trang trại tại xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Hưng Thịnh –TTXVN
Nông dân trồng sầu riêng quy mô trang trại tại xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Hưng Thịnh –TTXVN
So với năm 2010, thu nhập bình quân đầu người tỉnh Đắk Nông hiện nay đã tăng gần 3 lần (hiện ở mức 45,24 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hiện còn hơn 14%, giảm gần 50% so với cách đây 10 năm. Toàn tỉnh có 42/61 xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập của bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, 36/61 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo… Theo ông Lê Trọng Yên, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, từ điện, đường, trường, trạm cho tới nhà ở dân cư, cơ sở vật chất văn hóa ngày càng được hoàn thiện đã góp phần trực tiếp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Nhiều mô hình sản xuất, cách làm kinh tế hay, mới đã giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu. Đắk Nông coi việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới. Đây vừa là mục tiêu và cũng là nền tảng để xây dựng nông thôn mới ngày càng bền vững hơn. Trong giai đoạn tới đây, tỉnh sẽ chú trọng hơn tới việc xây dựng các văn bản pháp lý, các mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ chú trọng hơn đến yếu tố liên kết vùng, gắn với thích ứng biến đổi khí hậu. Tỉnh sẽ lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, tổ hợp tác – hợp tác xã theo chuỗi giá trị. Đồng thời chú trọng hơn đến xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với các khu vực đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng sâu vùng xa… Cũng theo ông Lê Trọng Yên, bên cạnh việc kiến nghị các ngành chức năng sớm ban hành khung văn bản pháp lý cho việc xây dựng nông thôn mới sau năm 2020, Đắk Nông mong muốn được tự nghiên cứu, ban hành các tiêu chí cụ thể, phù hợp hơn với đặc điểm, điều kiện thực tế, phát huy được nét đặc trưng, bản sắc vùng miền và của từng dân tộc tại địa phương. Tỉnh cũng kiến nghị trung ương sớm bố trí vốn để hoàn thành các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống lưới điện nông thôn theo như kế hoạch đầu tư đã được phân bổ.
Hưng Thịnh

Có thể bạn quan tâm