Nông thôn mới trên vùng tái định cư thủy điện Sơn La

Nông thôn mới trên vùng tái định cư thủy điện Sơn La

Xã Nậm Tăm có gần 850 hộ dân với khoảng 4.100 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Lự được phân bố ở 14 bản, thu nhập của nhân dân chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Để triển khai có hiệu quả chương trình nông thôn mới, ngay từ đầu, Đảng ủy, chính quyền xã Nậm Tăm đã xác định công tác tuyên truyền, huy động sức dân là rất quan trọng để đạt được thành công. Vì vậy, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua việc phổ biến các mô hình kinh tế, các chương trình hỗ trợ con giống, cây trồng, kỹ thuật mới vào sản xuất, phát triển kinh tế. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã thông qua đội ngũ trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đã đổi mới nội dung tuyên truyền theo hướng gần dân, sát dân, lắng nghe, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giúp người dân hiểu mình là chủ thể được hưởng lợi nhiều nhất từ xây dựng nông thôn mới. 

Cán bộ điện lực hướng dẫn người dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La cách sử dụng điện an toàn. Ảnh: TTXVN
Cán bộ điện lực hướng dẫn người dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La cách sử dụng điện an toàn. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch UBND xã Nậm Tăm Cà Văn Nguyên cho biết: Nậm Tăm là xã điểm về xây dựng nông thôn mới của huyện Sìn Hồ. Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đã phân công từng phần việc cụ thể đến các thành viên trong Ban như tuyên truyền, giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; việc xây dựng kết cấu hạ tầng; công tác vận động hội viên, tích cực tham gia hiến đất làm đường giao thông, kênh mương nội đồng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giải quyết việc làm...Để hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới, xã Nậm Tăm đã chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các thế mạnh của địa phương. Đến nay, Nậm Tăm đã triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả như: Mô hình trồng cam Nậm Lò, nuôi mạ lồng, trồng mía và ngô lai... Ngoài ra, tận dụng chu kỳ mực nước lên xuống vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, nhiều hộ dân xung quanh khu vực bị ảnh hưởng đã chủ động thâm canh, tăng vụ gieo trồng các loại cây nông nghiệp phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để giúp người dân phát triển kinh tế, chính quyền xã Nậm Tăm cũng chủ động phối hợp phòng, ban chuyên môn của huyện để hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp đến nông dân. 

Chị Tao Thị Hăn, dân tộc Lự ở bản Pậu, xã Nậm Tăm cho biết: "Nhiều người dân chúng tôi còn thả lưới, cất vó để đánh bắt tôm, cá. Như tôi, trung bình mỗi ngày cũng kiếm thêm được 100.000 - 150.000 đồng từ việc bán tôm, cua, cá. Nhờ vậy, cuộc sống được cải thiện, đỡ khó khăn hơn vì có đồng ra, đồng vào hàng ngày”. 

Bằng những việc làm sáng tạo và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Nậm Tăm đã vận động nhân dân đóng góp ngày công quy ra tiền mặt ước tính trên 1,6 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, nội bản. Nậm Tăm đã có 9/14 bản có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng. Hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu dân sinh và sản xuất của đồng bào với trên 28 km kênh mương được kiên cố hóa; 92% dân số của xã là đồng bào dân tộc thiểu số, tất cả đều có bảo hiểm y tế và thường xuyên đến trạm khám chữa bệnh. Hệ thống giao thông liên bản với gần 30 km luôn đảm bảo đi lại thuận tiện cả bốn mùa; xã có 5 trường học, trong đó có trường Trung học cơ sở Nậm Tăm và trường Tiểu học số 2 Nậm Tăm đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất, trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào... Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 12,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 17,8%. 

Xã Nậm Tăm có 14 bản; trong đó có 6 bản tái định cư thủy điện Sơn La. Do vậy, những bản trên đã được hưởng lợi rất nhiều từ những chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội do chương trình tái định cư mang lại, góp phần giúp xã Nậm Tăm hoàn thiện được một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. 

Ông Tao Văn Lả, trưởng bản Tái định cư Nậm Ngập, xã Nậm Tăm chia sẻ: "Là bản tái định cư được di vén từ năm 2008, khi về nơi ở mới này, người dân trong bản được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước. Các hộ gia đình của bản trước kia ở phân tán, nay đã được sinh hoạt tập trung lại. Ngoài việc thụ hưởng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa được xây mới, người dân còn được hỗ trợ về chăn nuôi và trồng trọt. Nhiều hộ đã biết cách chăn nuôi tập trung, mở rộng quy mô chuồng trại để ổn định đời sống tái định cư. Vì vậy, số hộ có đời sống khá cũng ngày một tăng lên". 

Chủ tịch UBND xã Nậm Tăm Cà Văn Nguyên cho biết thêm: Hiện xã Nậm Tăm còn một số tiêu chí chưa đạt chuẩn nông thôn mới như chợ; giao thông; hộ nghèo; môi trường; nhà ở dân cư; hệ thống chính trị và cơ sở vật chất văn hóa. Do xã có điểm xuất phát thấp, nguồn ngân sách hàng năm hạn chế và việc huy động sức dân gặp một số khó khăn nhất định đã ảnh hưởng phần nhiều đến tiến độ hoàn thành các tiêu chí. Thời gian tới, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Nậm Tăm sẽ tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ chính sách của Đảng và Nhà nước; chính sách tái định cư thủy điện… để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, phấn đấu đến hết năm 2016 Nậm Tăm được công nhận là xã nông thôn mới./. 

 

Có thể bạn quan tâm