Nông nghiệp xanh (Bài 3)

Gian trưng bày giới thiệu sản phẩm nước mắm đạt tiêu chuẩn Ocop đến từ tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Gian trưng bày giới thiệu sản phẩm nước mắm đạt tiêu chuẩn Ocop đến từ tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Có tới gần 80% dân số tham gia sản xuất, nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu mà còn là ngành gây ra phát thải khí nhà kính rất lớn. Với trách nhiệm giảm phát thải để góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu, hướng tới nền kinh tế xanh, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết rất mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. TTXVN giới thiệu bài 3 trong chùm bài viết về Nông nghiệp xanh nhằm nhìn nhận những nỗ lực của Việt Nam đưa nền nông nghiệp hướng tới dòng chảy mới của thị trường.

Bài 3 - Giải pháp canh tác hữu cơ

Khi hóa chất nông nghiệp đang gây quan ngại ngày càng lớn về tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, nhiều quốc gia đang thúc đẩy canh tác hữu cơ như một giải pháp xanh và bền vững. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi phương thức canh tác này không phải ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của người nông dân khi có những lo ngại về năng suất cây trồng, bên cạnh sự phản đối của các công ty sản xuất hóa chất nông nghiệp.

Những nỗ lực tiên phong

Chiến lược đa dạng sinh học “Farm to Fork” (từ nông trại đến bàn ăn) của Liên minh châu Âu (EU) cam kết giảm 20% việc sử dụng phân bón hóa học và đặt mục tiêu dành ít nhất 25% diện tích đất nông nghiệp cho canh tác hữu cơ.

Tại Thụy Sỹ, 15% số hộ nông dân đã sử dụng sản phẩm hữu cơ và không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, theo số liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang. Ngành nông nghiệp thụt lùi một bước để có thể thực hiện mục tiêu đầy tham vọng hơn.

Năm ngoái, sáng kiến liên quan đến việc dừng trợ cấp cho nông dân sử dụng thuốc trừ sâu và sáng kiến "chống thuốc trừ sâu" nhằm thực hiện lệnh cấm hoàn toàn đối với thuốc trừ sâu tổng hợp đã được đưa ra bỏ phiếu trên toàn quốc. Dù chưa được thông qua, nhưng nếu thành công sẽ đưa Thụy Sỹ trở thành quốc gia tiên phong trong canh tác hữu cơ khi trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên cấm các sản phẩm như thuốc trừ cỏ và thuốc diệt nấm tổng hợp.

Tại một quốc gia khác là Sri Lanka (Xri Lan-ca), vào tháng 12/2019, Tổng thống mới đắc cử khi đó, Gotabaya Rajapaksa, đã cam kết “thúc đẩy và phổ biến nông nghiệp hữu cơ” trong thập kỷ tiếp theo và thực hiện “cuộc cách mạng trong việc sử dụng phân bón”. Sự thay đổi liên quan đến việc chuyển đổi các làng nông nghiệp truyền thống sang chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và cung cấp miễn phí cả phân bón hữu cơ và vô cơ cho nông dân.

Vào tháng 4/2021, ông Rajapaksa đã tuyên bố lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học và hóa chất nông nghiệp, bao gồm thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Lý do là để kiểm soát chi phí chăm sóc sức khỏe do lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp.

Trước sự phản đối từ cộng đồng sản xuất nông nghiệp và do lo ngại giá lương thực sẽ tăng cao, vào tháng 11/2021, chỉ bảy tháng sau khi được áp dụng, lệnh cấm đã được đảo ngược. Dù vậy Chính phủ vẫn khẳng định rằng "chính sách nông nghiệp của đất nước chú trọng xây dựng một nền nông nghiệp xanh tập trung vào việc sử dụng duy nhất phân bón hữu cơ".

Chính sách của ông Rajapaksa ban đầu đã nhận được sự ủng hộ của nông dân. Cuộc khảo sát của Verité Research cho thấy gần 2/3 số nông dân được hỏi cho biết họ ủng hộ tầm nhìn của chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, nhưng gần 80% những người ủng hộ cho biết một sự thay đổi như vậy sẽ cần hơn một năm.

Những thách thức phải vượt qua

Tuy nhiên, hiện chỉ có ít quốc gia có chính sách chính thức để chuyển đổi ngành nông nghiệp sang 100% hữu cơ, và trong số đó, chưa có quốc gia nào thực hiện chuyển đổi thành công. Năm 2008, vương quốc nhỏ bé Bhutan (Bu-tan) ở Nam Á cam kết chuyển sang sản xuất hữu cơ hoàn toàn vào năm 2020 nhưng chỉ 10% sản lượng cây trồng và 1% diện tích đất canh tác của họ được chứng nhận vào thời hạn chót.

Kết quả cho đến nay vẫn chưa được khích lệ. Một nghiên cứu năm 2018 của các nhà nghiên cứu từ Đại học Humboldt Berlin cho thấy năng suất nông nghiệp hữu cơ ở Bhutan thấp hơn trung bình 24% so với sản xuất nông nghiệp thông thường. Số liệu từ Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc cho thấy nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thực phẩm phi hữu cơ, chiếm 16% giá trị nhập khẩu trong năm 2017.

Sự phản đối của nông dân và các công ty sản xuất hóa chất nông nghiệp không phải là rào cản duy nhất mà những người ủng hộ nông nghiệp hữu cơ đối mặt. Năng suất thấp cũng là một thách thức đáng kể.

Nông nghiệp xanh (Bài 3) ảnh 1Gian trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn Ocop đến từ huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Trần Việt – TTXVN

Theo ông Adrian Müller tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Hữu cơ, năng suất trung bình từ canh tác hữu cơ thấp hơn khoảng 20% so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Nhưng ông cũng như các chuyên gia khác cho rằng có nhiều cách giải để quyết vấn đề này thông qua nông học, phát triển các giống năng suất cao cho nông nghiệp hữu cơ, đào tạo và khuyến khích người nông dân.

Hiện nay, người nông dân canh tác hữu cơ phải canh tác các giống cây trồng được phát triển cho các phương thức canh tác thông thường. Điều này khiến họ gặp bất lợi ngay lập tức về năng suất. Theo ông Muller, các quốc gia cũng cần xây dựng một chương trình tiếp cận và đào tạo tốt cho nông dân, cấp các khoản hỗ trợ cần thiết, đầu tư vào việc lai tạo các giống cây trồng hữu cơ năng suất cao và cung cấp đủ phân bón hữu cơ. Ông cho rằng những lợi ích lâu dài xứng đáng với chi phí ban đầu.

Bên cạnh đó, xu hướng canh tác hữu cơ và bền vững hơn đã buộc các tập đoàn lớn về hóa chất nông nghiệp như Syngenta (Thụy Sỹ) phải phát triển các loại thuốc trừ sâu và phân bón ít độc hại hơn và thân thiện với môi trường hơn.

Nông nghiệp xanh (Bài 3) ảnh 2Gian trưng bày giới thiệu sản phẩm mây tre đan xuất khẩu đạt tiêu chuẩn Ocop đến từ huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt -TTXVN

Tập đoàn của Thụy Sỹ nằm trong số những công ty đang nghiên cứu các sản phẩm sinh học thay thế các hóa chất tổng hợp từ các hợp chất và sinh vật tự nhiên. Cải tiến mới nhất, hiện đang được thử nghiệm ở Trung Quốc, là một chế phẩm sinh học sẽ làm giảm sự rửa trôi và do đó sẽ giảm lượng phân bón cần thiết.

Những thành công của Ấn Độ

Tại Ấn Độ, phân bò được sử dụng để tạo ra khí đốt sinh học, cung cấp năng lượng sạch cho các hộ gia đình và sau đó được tận dụng để bón cho đất, cải thiện chất lượng đất trồng.

Cách làm này vừa giúp tiết kiệm chi phí hơn việc sử dụng phân bón hóa học lại vừa giảm tình trạng phá rừng bởi tự tạo được khí đốt sinh học. Phân bón hữu cơ giúp cải thiện chất lượng đất, tăng khả năng giữ nước để chống chọi tốt hơn với các đợt hạn hán.

Ban đầu, người dân định kiến sản lượng mùa vụ sẽ giảm khi sản xuất với phương thức hữu cơ thay vì dùng các sản phẩm hóa học. Trong khi đó, chi phí lắp đạt hệ thống sản xuất khí đốt sinh học biogas trị giá khoảng 30.000 rupee (430 USD) cũng là trở ngại với một số hộ nông dân.

Nông nghiệp xanh (Bài 3) ảnh 3Gian trưng bày giới thiệu sản phẩm nước mắm đạt tiêu chuẩn Ocop đến từ tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Tuy nhiên, dự án sau đó chỉ ra hiệu quả tiết kiệm chi phí và năng suất cao trên các cánh đồng sử dụng phương pháp canh tác này, trong khi người dân cũng nhận được sự hỗ trợ. Ngoài ra, nông dân cũng được hướng dẫn cách sử dụng giun đất để tạo ra phân bón và tạo ra các loại phân bón tự nhiên cũng như thuốc trừ sâu hữu cơ khác.

Nhờ ứng dụng các phương pháp hữu cơ trong trồng trọt, người nông dân thể bỏ ruộng 2 tuần không cần tưới nước ngay cả trong các đợt nóng vì giờ chất lượng đất đã được cải thiện và có thể giữ ẩm được lâu hơn. Thậm chí, trên các vùng đất ẩm, lượng mưa hiếm hoi sẽ được giữ lại nhiều hơn, ngấm dần vào trong các tầng ngậm nước, giúp mạch nước ngầm được tái tạo.

Giờ đây, nông dân ở nhiều vùng Ấn Độ có thể trồng được nhiều vụ mùa hơn, ổn định hơn mà không cần dùng tới phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hay khai thác lượng lớn nước ngầm vốn hạn hẹp. Trung bình sản lượng lúa tăng 30-40% mỗi năm kể từ khi họ chuyển đổi sang canh tác hữu cơ trong khi các chi phí cho sản xuất nông nghiệp cũng giảm 35%.

Bên cạnh việc có thể thu hoạch 2 vụ mùa mỗi năm, người nông dân Ấn Độ nay có thể trồng gối vụ rau, chăn nuôi gia cầm và trồng những loại cây nông nghiệp khác như yến mạch, lúa miến và ngô...

Sikkim, một bang ở Đông Bắc Ấn Độ, tuyên bố đã đạt được trạng thái canh tác hữu cơ hoàn toàn vào năm 2016. Tầm nhìn được Thủ hiến bang công bố lần đầu tiên vào năm 2003 và vào năm 2010, Nhiệm vụ canh tác hữu cơ đã được đưa ra để thực hiện trên thực tế.

Theo số liệu từ bộ phận nông nghiệp và thực phẩm của chính quyền bang, việc chuyển sang canh tác hữu cơ ở Sikkim, khu vực sản xuất thảo quả làm gia vị lớn thứ hai thế giới, đã không dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về sản lượng của các loại cây trồng chủ lực.(Còn tiếp)

Lê Minh (Tổng hợp)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm