Nông dân Vũng Tàu tăng thu nhập nhờ trồng mía tím

Nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có thu nhập ổn định từ trồng cây mía tím. Nhờ đó, cuộc sống của người nông dân tại địa phương vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh đã có cuộc sống khấm khá hơn.

Nong dan Vung Tau tang thu nhap nho trong mia tim hinh anh 1Thu hoạch mía tại vườn của gia đình anh Trần Đình Thành, ấp Bàu Hàm. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Gia đình anh Trần Đình Thành, ấp Bàu Hàm, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc đã gắn bó với nghề trồng mía tím gần 10 năm nay. Hiện nay, gia đình anh đang canh tác mía tím trên diện tích 2ha. Anh Thành cho biết, vùng đất Tân Lâm này rất màu mỡ phù hợp với trồng cây mía, 10 năm gắn bó với cây trồng này đã mang lại cuộc sống khấm khá cho gia đình anh.

Hiện nay, với giá bán 65.000 đồng/bó mía (12 cây), mỗi ha cho thu hoạch khoảng 5.000 bó, gia đình anh Thành thu từ 240 đến 250 triệu đồng/ha/vụ, sau khi trừ chi phí anh lãi khoảng 125 triệu/ha/vụ, với 2 ha gia đình anh thu về khoảng 250 triệu đồng/vụ.

Theo anh Thành, mía ở khu vực này sẽ được trồng từ tháng 2 âm lịch hàng năm đến tháng 10 bắt đầu được thu. Sau đó đến tháng 12 âm lịch lại bắt đầu được trồng lại, đến tháng 8 âm lịch năm sau được thu.

“Mía tím là loại cây dễ trồng, chăm sóc và cho thu nhập cao nhất trong các loại cây trồng ở khu vực này. Giá cả, đầu ra đều rất ổn định nên người nông dân rất vui”, anh Thành chia sẻ thêm.

Nong dan Vung Tau tang thu nhap nho trong mia tim hinh anh 2Vườn mía 2ha của gia đình anh Trần Đình Thành, ấp Bàu Hàm cho lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Còn gia đình anh Cao Văn Thắng, cùng ngụ ấp Bàu Hàm, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, hiện nay cũng có 8ha ruộng mía đang đến kỳ thu hoạch.

Anh Thắng chia sẻ, trước đây gia đình anh cũng đã thuê đất để trồng qua rất nhiều loại cây như điều, bắp, chuối… nhưng năng suất không cao, thu nhập, đầu ra đều không ổn định. Sau một thời gian tìm hiểu, anh Thắng nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương rất phù hợp để trồng và phát triển cây mía tím. Năm 2015, anh Thắng mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng mía tím.

Theo anh Thắng, mía tím là loại cây dễ trồng, không kén đất, không tốn quá nhiều công chăm sóc và quan trọng nhất là khâu chọn giống. Để mía phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, trước khi trồng phải chọn ngọn hoặc mắt cây mía khoẻ mạnh làm giống.

Sau đó ngâm ngọn xuống nước nửa ngày để diệt trừ mầm bệnh rồi vớt lên trồng. Mía tím được trồng theo luống, với khoảng cách mỗi luống 30cm, trung bình 1ha trồng khoảng 3.500-4.000 hom giống. Khi cây mía phát triển, mỗi tháng tỉa lá 2 lần kết hợp bón phân.

Năm nay, thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên ruộng mía của anh Thắng cho năng suất cao, thương lái thu mua với giá bán 60 ngàn đến 65 ngàn đồng/bó mía 12 cây, doanh thu 250 triệu đồng/ha. Anh Thắng so sánh nếu như trước đây trồng bắp chỉ thu lãi được từ 15-20 triệu đồng/ha, thậm chí có năm hòa vốn vì mất mùa. Nhưng từ khi trồng mía, sau khi trừ chi phí thuê đất, nhân công thu được từ 120-150 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng bắp.

Nhờ chăm sóc cẩn thận, cây mía tím tại khu vực xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc rất ngọt, nhiều nước, dóng to, đốt dài, màu đẹp nên dễ tiêu thụ. Theo các hộ trồng mía tím, thị trường tiêu thụ của loại cây này khá ổn định nên không phải lo đầu ra. Đến kỳ thu hoạch thương lái từ Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa... đến tận vườn thu mua.
br

Nong dan Vung Tau tang thu nhap nho trong mia tim hinh anh 3Người dân ấp Bàu Hàm thu hoạch mía tím. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Ông Nguyễn Công Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc thông tin, cây mía tím rất hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của vùng đất Tâm Lâm. Từ 10 hộ, với 10ha trồng ban đầu cách đây 10 năm, đến nay toàn xã có khoảng 50 hộ trồng cây mía tím, với diện tích khoảng 60ha. Đây hầu hết là các diện tích được chuyển đổi từ các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía tím.

“Đến nay, chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng trên diện tích thiếu nước tưới, kém hiệu quả sang những cây trồng đạt hiệu quả cao hơn. Nhưng không vì vậy mà ồ ạt chuyển sang trồng cây mía tím để tránh tình trạng cung vượt cầu, mà khuyến cáo người dân nên tập trung chăm sóc cây mía để nâng cao chất lượng, hướng đến sản xuất an toàn để nâng cao uy tín, chất lượng của sản phẩm này, giúp bà con luôn có đầu ra ổn định”, ông Xuân thông tin thêm.

Hoàng Nhị

Tin liên quan

Giá mía nguyên liệu tại Gia Lai có xu hướng tăng

Thông tin từ Nhà máy đường An Khê (trụ sở tại thị xã An Khê, Gia Lai, thuộc Công ty đường Quảng Ngãi), để đảm bảo công suất ép 18.000 tấn mía cây/ngày, vụ ép 2020-2021 đơn vị đã tăng mức giá thu mua mía nguyên liệu hơn 100.000 đồng/tấn so với vụ 2019-2020. Theo đó, mía nguyên liệu năm nay tại tỉnh Gia Lai có giá 900.000 đồng/tấn với mía đạt 10 chữ đường. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người dân trồng mía tại Gia Lai.


Người dân miền núi Thanh Hóa thoát nghèo nhờ cây mía

Từ một huyện miền núi nghèo với điểm xuất phát thấp, đến nay huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đang từng bước vươn lên, trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Để đạt được kết quả đó, huyện đã thực hiện linh động các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh. Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, địa phương đã khuyến khích các hộ dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, cải tạo đất vườn, san lấp đất vùng chân đồi núi thấp để trồng mía gắn với thị trường tiêu thụ.



Đề xuất