Nông dân vùng rốn lũ Bình Định gieo sạ muộn vụ Đông Xuân

Nhiều diện tích sản xuất vụ Đông Xuân của người dân xã Phước Thắng phải gieo sạ lại lần thứ 3, trước đó người dân gieo sạ thì bị ngập úng, hư hại. Ảnh: Tường Quân - TTXVN
Nhiều diện tích sản xuất vụ Đông Xuân của người dân xã Phước Thắng phải gieo sạ lại lần thứ 3, trước đó người dân gieo sạ thì bị ngập úng, hư hại. Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Do ảnh hưởng của đợt mưa muộn cuối năm 2021 và thủy triều dâng từ đầu năm 2022 đến nay, hàng trăm ha ruộng sản xuất vụ Đông Xuân của người dân vùng rốn lũ tỉnh Bình Định vẫn còn bị ngập trong nước chưa thể gieo sạ được. Hiện nông dân đang khẩn trương dùng máy bơm nước ở các chân ruộng ra ngoài để gieo sạ cho kịp thời vụ, đồng thời sử dụng các loại giống ngắn ngày để tránh hạn, mặn vào thời điểm cuối vụ, đảm bảo năng suất thu hoạch.

Nông dân vùng rốn lũ Bình Định gieo sạ muộn vụ Đông Xuân ảnh 1Do bị ngập nước trong nhiều ngày nên các chân ruộng tại xã Phước Thắng xuất hiện ốc bưu và cua khiến người dân gặp khó khăn khi xuống giống vụ Đông Xuân. Ảnh: Tường Quân – TTXVN

Xã Cát Chánh (huyện Phù Cát) là một trong những vùng rốn lũ của tỉnh Bình Định, thường xuyên bị ngập úng khi có mưa lớn xảy ra. Ở một số thôn phía Đông của xã còn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thủy triều đầm Thị Nại dâng cao nên ruộng lúa hay bị ngập và khó thoát nước được.

Ông Đặng Văn Đông (thôn Chánh Định, xã Cát Chánh) có 3.000 m2 sản xuất vụ Đông Xuân nhưng phải gieo sạ đến ba lần, hai lần trước ông gieo sạ thì bị mưa lụt gây ngập úng, trôi giống. Ông Đông cho biết, năm nay do mưa lụt bất thường nên ông và nhiều nông dân trong xã bị thiệt hại nặng. Đến thời điểm hiện tại đã hết mưa và nước trong ruộng rút dần nên ông tranh thủ gieo sạ cho kịp lịch thời vụ.

Nông dân vùng rốn lũ Bình Định gieo sạ muộn vụ Đông Xuân ảnh 2Nhiều diện tích ruộng của người dân xã Cát Chánh vẫn chưa thể gieo sạ vụ Đông Xuân được do vẫn còn ngập nước. Ảnh: Tường Quân – TTXVN

Theo ông Đinh Hữu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cát Chánh, toàn xã hiện còn trên 150 ha ruộng chưa thể sản xuất được do bị ngập úng. Ở một số chân ruộng khác, nông dân dùng máy móc hút nước ra ngoài để tiến hành gieo sạ. Hiện địa phương cũng đang lập danh sách các hộ dân bị hư hại giống lúa do ngập úng trong mưa lụt để trình tỉnh hỗ trợ theo quy định.

Tại cánh đồng thuộc thôn Phổ Đồng, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) trong những ngày qua, nhiều nông dân đang khẩn trương làm đất để tiến hành gieo sạ vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022. Cánh đồng này cũng vừa rút nước lũ cách đây hai ngày. Trước đó, đợt mưa muộn cuối tháng 12/2021 đã gây ngập úng khiến nhiều diện tích lúa gieo sạ bị ngập úng, hư hại.

Nông dân vùng rốn lũ Bình Định gieo sạ muộn vụ Đông Xuân ảnh 3Nông dân xã Cát Chánh tập trung gieo sạ muộn vụ Đông Xuân khi nước trên các chân ruộng vừa rút. Ảnh: Tường Quân – TTXVN

Ông Đỗ Ngọc Châu (thôn Phổ Đồng, xã Phước Thắng) có trên 5.000 m2 ruộng sản xuất trong vụ Đông Xuân này cho biết, đây là lần thứ ba ông gieo sạ. Trước đó, một lần ông gieo sạ thì trúng đợt mưa lụt cuối tháng 12/2021 nên bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn. Lần thứ hai, ông Châu ngâm giống chuẩn bị gieo sạ thì bị thủy triều từ đầm Thị Nại dâng cao ngập hết chân ruộng nên ông cũng bỏ giống không gieo sạ được.

Đến thời điểm hiện tại, ông Châu dùng máy bơm hút hết nước trong chân ruộng ra và tiến hành gieo sạ. Do gieo sạ muộn so với lịch thời vụ nên ông sử dụng giống lúa ngắn ngày ĐV 108 để tránh được thời điểm hạn mặn ở cuối vụ.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước), địa phương là vùng rốn lũ của huyện Tuy Phước nên thường xuyên bị ngập úng khi có mưa lớn. Trong đợt mưa lớn bất thường váo cuối năm 2021, toàn xã có 500 ha ruộng vừa gieo sạ vụ Đông Xuân thì bị ngập úng, trôi giống. Đến thời điểm hiện tại, xã còn 120 ha ruộng bị ngập nước nên nông dân vẫn chưa gieo sạ được.

Hiện nay, địa phương vận động người dân nước rút đến đâu sẽ tiến hành gieo sạ đến đó. Người dân cũng có thể dùng máy bơm để hút nước ra khỏi chân ruộng rồi gieo sạ. Xã cũng đã cử lực lượng tiến hành nạo vét kênh mương để tiêu nước. Đồng thời, lập danh sách các hộ dân bị hư hại giống để hỗ trợ theo quy định.

Nông dân vùng rốn lũ Bình Định gieo sạ muộn vụ Đông Xuân ảnh 4Các máy bơm nước hoạt động liên tục để hút nước ra ngoài khi người dân tiến hành gieo sạ vụ Đông Xuân. Ảnh: Tường Quân – TTXVN

Xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) và xã Cát Chánh (huyện Phù Cát) nằm ở vùng trũng thấp của hạ lưu sông Kôn, lại chịu ảnh hưởng của thủy triều đầm Thị Nại nên các chân ruộng thường xuyên bị ngập úng, khó thoát nước ra ngoài. Mưa lớn qua nhiều đợt cũng làm xuất hiện ốc bươu vàng nên nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất vụ Đông Xuân.

Chị Nguyễn Thị Ngơ (xã Cát Chánh) có 2.000 m2 đất ruộng sản xuất Đông Xuân nhưng do bị ngâm trong nước nhiều ngày, ốc bưu vàng sinh sôi rất nhiều, nếu không kịp thời diệt trừ sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa. Chị Ngơ phải bắt ốc bưu vàng bằng phương pháp thủ công rồi mới gieo sạ, tránh hư hại cho cây lúa về sau.

Trong khi đó, nhiều nông dân có ruộng bị ngập lâu ngày tại xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) cũng đang tập trung bắt ốc bưu vàng ra khỏi chân ruộng của mình rồi mới gieo sạ. Vì theo kinh nghiệm, ốc bưu vàng nếu không diệt trừ ngay từ đầu vụ sẽ phát triển nhanh trong thời gian cây lúa sinh trưởng, đến lúc này sẽ rất khó diệt trừ hết được.

Theo ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phước, toàn huyện hiện còn trên 260 ha diện tích ruộng sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022 bị ngập nước chưa xuống giống được. Địa phương đang vận động người dân tích cực bơm nước ra ngoài để gieo sạ các loại giống ngắn ngày, đảm bảo năng suất.

Nông dân vùng rốn lũ Bình Định gieo sạ muộn vụ Đông Xuân ảnh 5Nhiều diện tích sản xuất vụ Đông Xuân của người dân xã Phước Thắng phải gieo sạ lại lần thứ 3, trước đó người dân gieo sạ thì bị ngập úng, hư hại. Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Ông Khiêm cho biết thêm, do mưa lụt cuối năm 2021 nên nhiều diện tích ruộng tại các xã Phước Quang, Phước Hưng, Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng của huyện Tuy Phước xuất hiện ốc bưu vàng với mật độ dày, nguy cơ gây hại cho cây lúa rất cao. Qua kiểm tra trên đồng ruộng, mật độ ốc bưu vàng bình quân 20 con/m2, có nơi từ 60-80 con/m2.

Để bảo vệ lúa Đông Xuân, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tuy Phước đã phối hợp với 14 hợp tác xã nông nghiệp và các trạm khuyến nông trên địa bàn tổ chức hướng dẫn nông dân bắt thủ công đối với diện tích xuất hiện ốc bưu vàng ít; còn diện tích ruộng có ốc bưu vàng nhiều thì sử dụng thuốc đặc hiệu để phun diệt trừ.

Tường Quân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm